HUYỆN ỦY BÙ ĐỐP - ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC

https://huyenuybudop.vn


Địa danh “Bu” và “Dak” trong ngôn ngữ và văn hóa người S’tiêng ở Bình Phước

Bài 2:
TỪ “DAK” TRONG VĂN HÓA
VÀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI S’TIÊNG



Lựa chọn địa danh, không gian sinh tồn gắn liền với nước

Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người nên rất nhiều địa danh, không gian cư trú, trung tâm các nền văn hóa, văn minh của nhân loại gắn liền với nước. “Sự có mặt của nước là điều kiện đầu tiên để xác định sự tồn tại của sự sống. Vùng sa mạc Sahara từng là một vựa lúa vào thời cổ đại La Mã; vào thế kỷ VIII TCN, trung tâm của nó từng chứng kiến sự hưng thịnh của triều đại Pienkhi. Khi nguồn nước cạn, độ ẩm giảm xuống thì sự sống và nền văn hóa, văn minh ở đây cũng bị tàn lụi theo” (Trần Ngọc Thêm 2014, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, tr.137).

Tác giả Trần Ngọc Thêm còn nêu: “Phần lớn các nền văn hóa cổ nổi tiếng đều hình thành ở lưu vực các con sông lớn: Văn hóa Ai Cập ở lưu vực sông Nile, văn hóa Lưỡng Hà ở lưu vực sông Tigris và Euphrates, văn hóa Ấn Độ ở lưu vực sông Indus, văn hóa Trung Hoa ở lưu vực sông Hoàng Hà. Riêng văn hóa Hy - La mang tính hàng hải và mục súc thì tuy không ở ven sông nhưng lại ở ven biển Địa Trung Hải. Rõ ràng là thiếu nước thì không thể có văn hóa mà cũng chẳng có văn minh” (tr.137-138).

Trong lịch sử Trung Hoa, vì: “Cư dân Bách Việt nói chung và Lạc Việt (Việt Nam) nói riêng đều rất giỏi nghề sông nước. Vì vậy, khi chiếm được phương Nam, Tần Thủy Hoàng đã sai phương Bắc làm đường để tiện chuyển quân từ Bắc xuống Nam và bắt dân phương Nam đào Đại Vận Hà để chở lương thảo từ Nam lên Bắc” (Trần Ngọc Thêm 2014, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, tr.142).

BĐ
Phục dựng nghi lễ cúng bến nước của người M’nông tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

Về lĩnh vực tâm linh: Ấn Độ có hai con sông lớn là sông Ấn và sông Hằng. Từ lòng chảo của hai con sông này đã hình thành nên đồng bằng Ấn - Hằng. Chính nhờ sông Ấn (Indus) mà Ấn Độ có tên INDIA. Tuy nhiên, người Ấn Độ có những quan niệm khác nhau về sự linh thiêng đối với mỗi con sông và có cách ứng xử riêng. Sông Ấn tuy gắn bó sớm và chặt chẽ với lịch sử của Ấn Độ nhưng chính sông Hằng mới là con sông gắn với tâm linh (con sông linh thánh) của người Ấn Độ. Sông Hằng là sông mẹ, nước sông là sữa trường sinh (Đại cương Văn hóa phương Đông 2000, tr.153). Người Ấn Độ đã rất ngưỡng mộ, tôn thờ và thần thánh hóa nước: “Họ tin rằng tắm sông Hằng có thể tẩy sạch mọi tội lỗi, uống nước sông Hằng sẽ kéo dài tuổi thọ và sau khi chết, tro xác được thả ở sông Hằng thì linh hồn sẽ được lên trời gặp nữ thần Ganga. Nước sông Hằng gắn bó với mọi hoạt động tôn giáo cũng như đời thường của tín đồ Ấn giáo: Trước khi cầu nguyện, họ rảy nước sông Hằng lên đầu; trước khi ăn, họ rảy nước sông Hằng lên thức ăn; họ thề trước sông Hằng như tín đồ Islam thề trước kinh Coran; và khi chết, họ mong được nhỏ vài giọt sông Hằng vào miệng trước khi hỏa tán” (Trần Ngọc Thêm 2014, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, tr.153-154). 

Nghiên cứu văn hóa tận dụng nước của cư dân Đông Nam Á, tác giả Nguyễn Văn Huyên nêu: “Do khí hậu nóng bức nên nhà của người Việt Nam thường chọn dựng ở gần những nơi có sông suối; nếu không có sông suối thì đào ao. Ở Đông Nam Á rất phổ biến hình thức cư trú mà người Việt Nam gọi là nhà truyền, nhà bè, nhà chài. Ở Bang Kok, gần ¼ dân số sống trên thuyền và rất nhiều nhà nổi, loại nhà này được xem là tốt cho sức khỏe hơn nhà làm trên mặt đất” (Nguyễn Văn Huyên 1934, Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á, tr.137).

Người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk lấy tên sông để làm họ cho tộc người mình (họ Buôn Krông: tên làng ven sông Krông Ana, huyện Krông Ana). Trong luật tục của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên như người S’tiêng, M’nông, nếu xúc phạm thần nước (làm ô uế nguồn nước, xúc phạm thần sông, thần suối, phá rừng đầu nguồn làm cạn kiệt nguồn nước, hủy hoại thủy sản...) đều là những trọng tội. Như vậy, có thể nói con người lựa chọn địa danh, không gian sinh tồn gắn liền với nước có nhiều ý nghĩa khác nhau. 

Từ “dak” trong ngôn ngữ và văn hóa người S’tiêng

Trong tiếng S’tiêng, từ “dak” có ý nghĩa khác nhau. Chữ D trong tiếng S’tiêng, M’nông và nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không phát âm như chữ Đ hay chữ D trong tiếng Việt nên nhiều địa danh có từ “dak” bị biến âm thành các từ Đak, Đăk, Đắc. Ở cấp độ thứ nhất, dak để chỉ nước nói chung (dak mi: nước mưa; dak ngom: nước sương; dak nôông: nước bầu). Ở cấp độ thứ hai, dak là từ chỉ con sông: Dak Glung/Dak Nglêi (Sông Bé), Dak Rlấp (sông Đắk Rlấp), Dak Huyt (sông Đăk Quýt), Dak Dơng (sông Đồng Nai). Ở cấp độ thứ ba, dak để chỉ con suối (suối to, suối nhỏ). Do đó, khi dùng từ “dak” cần hiểu ngữ cảnh của nó để giải thích một cách đầy đủ.

Theo Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 25-2-2021 của UBND tỉnh Bình Phước về việc ban hành quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông như: Sông Bé, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Măng (Đăk Jermăng) với hàng trăm con suối lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, nhiều con suối còn giữ nguyên tên theo ngôn ngữ của tộc người địa phương (Dak Pan Toong, Dak Rang, Dak Liên, Dak Nhau, Dak Rat, Dak Trêl…). Tuy nhiên, nhiều tên suối bị thay đổi đến tộc người địa phương cũng khó nhận ra như: Tà Niên (Dak T’Nghiêng, xã Phú Nghĩa), suối Đăm (Dak Kăt, phường Phước Bình), suối Dam (Dak Tăm, xã Bù Nho), Đắk Wơr (cầu 38)… điều này ảnh hưởng đến địa văn hóa của địa phương. 

Việc tìm hiểu ý nghĩa và viết đúng tên các địa danh sông, suối rất quan trọng trong xây dựng địa văn hóa của địa phương nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Vì vậy, đã đến lúc cần xây dựng một cách hệ thống thông tin và thống nhất tên gọi (tên gốc, tên biến âm) các địa danh sông, suối để mọi người dễ tra cứu, hiểu đúng, tránh mỗi người, mỗi địa phương hiểu một kiểu khác nhau.

HV

Nguồn tin: Bình Phước Oline

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây