Sự hình thành và sự thay đổi hành chính huyện Bù Đốp

Lịch sử hình thành và sự thay đổi hành chính huyện Bù Đốp
 
Vùng đất Bù Đốp được ghi trong sử sách vào những năm 20 của thế kỷ XIX. Khi nhà Nguyễn thiết lập cơ cấu hành chính và hệ thống đồn ải để quản lý, kiểm soát dân cư, lãnh thổ cùng với những người Việt đầu tiên, mà trước hết là những binh lính đồn trú và gia đình họ đặt chân lên vùng đất này. Nhà Nguyễn đã thiết lập hệ thống cai trị ở đây với hai tổng thuộc phủ Bình Dương, tỉnh Gia Định: tổng Hưng Phước (từ ngã ba Công Chánh lên Thiện Hưng, Hưng Phước ngày nay) và tổng Phước Long (từ ngã ba Công Chánh xuống cầu Cần Lê ngày nay). Phần lớn địa bàn Bù Đốp hiện nay nằm trong tổng Hưng Phước, phủ Bình Dương, tỉnh Gia Định.
          Tháng 2/1861, sau khi đánh chiếm thành Gia Định, thực dân Pháp tiếp tục tiến công mở rộng địa bàn. Tháng 10/1861, quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và sau đó tiến quân về vùng biên giới Việt Nam - Campuchia theo ba hướng: từ cao nguyên Đắc Lắc xuống; từ Tây Ninh sang và từ thủ phủ Bình Dương lên.
           Sau khi chiếm được Nam kỳ, thực dân Pháp nhanh chóng thiết lập bộ máy thống trị thực dân bao gồm 27 địa hạt hành chính trên toàn Nam kỳ.Sang năm 1889, Pháp nâng các địa hạt hành chính lên thành tỉnh.Bù Đốp thuộc phủ Phước Long thuộc tỉnh Biên Hòa.
           Đầu thế kỷ XX, sau thời gian thăm dò khảo sát vùng đất biên giới, thực dân Pháp chính thức thiết lập bộ máy cai trị ở đây với sự ra đời của đồn binh Bù Đốp (năm 1906). Lúc này, Bù Đốp vẫn thuộc tỉnh Biên Hòa.
          Năm 1911, sau khi trồng thử nghiệm thành công cây cao su, thực dân Pháp cho lập Công ty cao su Xét-Xô (Societé des Caout Choues d’Extrême Orient – S.C.C.E.O) ở Lộc Ninh, đồng thời cho thành lập nhiều đồn điền cao su ở vùng Bù Đốp - Lộc Ninh.
          Năm 1912, thực dân Pháp cho tách một phần đất của tỉnh Gia Định và Biên Hòa để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một, với diện tích 250.000ha, dân số 108.000 người.Bù Đốp lúc đó là tổng Phước Lễ, thuộc huyện Cần Lê, tỉnh Thủ Dầu Một.
          Từ năm 1927, bộ máy cai trị quân sự dần dần được thực dân Pháp thay bằng bộ máy dân sự do bọn chủ đồn điền quản lý. Đơn vị hành chính cấp tổng, cùng với các đại lý hành chính và đồn binh vì thế cũng được thay bằng xã và quận. Bù Đốp trở thành một quận của tỉnh Thủ Dầu Một; trong đó, Lộc Ninh là một xã của quận Bù Đốp. Cơ cấu hành chính này được giữ nguyên cho đến năm 1954.
          Về phía cách mạng, sau khi tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng đã thành lập hệ thống tổ chức hành chính riêng.Bù Đốp là một quận của tỉnh Thủ Dầu Một về sau là tỉnh Thủ Biên (hợp nhất 2 tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa).Địa giới hành chính này trùng với địa giới hành chính thời kỳ chính quyền thực dân và tồn tại đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
          Sau Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm thiết lập nền hành chính mới ở miền Nam Việt Nam. Ngày 10/10/1957, chúng cho tách quận Bà Rá ra khỏi tỉnh Biên Hoà và tách quận Bù Đốp ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập tỉnh Phước Long, gồm 3 quận: Phước Bình, Bù Đốp, Phước Hoà, tỉnh lỵ đặt tại Phước Bình(*). Năm 1961, quận Phước Hoà bị giải thể, quận Bù Đốp đổi thành quận Bố Đức, nâng tổng Bù Đăng thành quận Đức Phong và thêm quận mới là Đôn Luân(*).Cơ cấu hành chính này được giữ cho đến ngày giải phóng Bù Đốp (tháng 4 năm 1972).
          Từ năm 1972-1975, theo hệ thống hành chính mới của chính quyền cách mạng, tỉnh Phước Long hợp nhất với tỉnh Bình Long thành tỉnh Bình Phước. Bù Đốp (Bố Đức) là một quận của tỉnh Phước Long, sau đó là tỉnh Bình Phước.
          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), tỉnh Bình Phước lại được sát nhập cùng tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Bình Thủ. Bù Đốp trở thành một huyện của tỉnh Bình Thủ.
           Cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/1976, tại kỳ họp Quốc hội Khóa VI đã quyết định đổi tên nước ta thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, ngay sau kỳ họp, hệ thống hành chính mới ở các địa phương đã được điều chỉnh. Theo đó, ngày 2/7/1976, tỉnh Sông Bé được thành lập trên cơ sở sát nhập các tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước trước đây (tức tỉnh Bình Thủ) cùng 3 xã An Bình, Đông Hoà, Bình An.
Năm 1977 tại Quyết định số 55/QĐ-CP ngày 11/3/1977 của Hội đồng Chính phủ đã hợp nhất các huyện Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng thành huyện Phước Long, thuộc tỉnh Sông Bé.
          Tháng 3/1978, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách Lộc Ninh ra khỏi huyện Bình Long và Bù Đốp ra khỏi huyện Phước Long để thành lập huyện Lộc Ninh (gồm Lộc Ninh và Bù Đốp), với diện tích tự nhiên 124.046 ha và dân số 43.500 người.
            Đầu năm 2003, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP, ngày 20/02/2003, về việc thành lập huyện Bù Đốp, trên cơ sở tách ra từ huyện Lộc Ninh.Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/5/2003. Có tổng diện tích tự nhiên 37.926,39 ha; dân số 49.362 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15,52%.
Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, từ một vùng đất hoang vu với rừng rậm và thú dữ, đến nay Bù Đốp đã có nhiều thay da đổi thịt, trở thành huyện biên giới của tỉnh Bình Phước đang trên đà phát triển về kinh tế, văn hoá - xã hội, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh của miền Đông Nam bộ cũng như các tỉnh phía Nam và cả nước.      

 
                                       

          

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website như thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay3,729
  • Tháng hiện tại65,861
  • Tổng lượt truy cập1,465,344
Vcov
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
Chi đạo điều hành
hop tac VN-CPC
xay dung dang
90nam tuyen giao
TINHUY
fm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây