Cán bộ “6 dám” - nhìn từ thực tiễn cơ sở - Bài 2: Những khoảng trống từ dám nghĩ đến dám làm

Thứ năm - 16/11/2023 18:08 365 0
Không phủ nhận tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị.

Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã có các cơ chế, chính sách về khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng. Thế nhưng thời gian vừa qua, tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương khiến tâm lý, dư luận xã hội không khỏi hoài nghi, thất vọng.

1. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám hành động) vì lợi ích chung là chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Bằng tinh thần dấn thân, dám làm, dám chịu trách nhiệm, họ là những người tiên phong đột phá vào việc mới, việc khó, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét cho cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cán bộ “6 dám” - nhìn từ thực tiễn cơ sở - Bài 2: Những khoảng trống từ dám nghĩ đến dám làm
Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 

Tại các địa phương, ngay khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, hầu hết các tỉnh, thành phố đều ban hành kế hoạch triển khai, cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Tại tỉnh Cà Mau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 103-KH/TU nhằm giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo thực hiện Kết luận 14. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn tổ chức chương trình kết nối công chức, viên chức trẻ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, đóng góp ý kiến, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trong quá trình công tác với các cấp lãnh đạo. Đồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định: “Tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến; có nhiều tập thể đã trăn trở bàn bạc, đưa ra các giải pháp đột phá trong triển khai thực hiện nhiệm vụ”.

Kết luận 14 chính là bước tạo đà, điểm tựa chính trị quan trọng cho đội ngũ cán bộ các cấp thêm vững tin hơn trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, trước rất nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, hầu hết các địa phương đã có những sáng tạo đột phá nhất định trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ví như ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bạc Liêu là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước mở cửa du lịch. Để kích cầu ngành du lịch phát triển, tỉnh đã khởi xướng chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đây thể hiện rõ tinh thần đột phá, sáng tạo, trong khi thời điểm đó rất ít địa phương dám mở cửa du lịch.

Nhìn lại sau hơn hai năm triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị, lãnh đạo các địa phương đều có chung nhận định, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ đã có sự chuyển biến rõ nét và chỉ cần làm có tâm, làm việc hết tinh thần trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo thì ở cơ quan, địa phương nào cũng có. Kết quả khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố cũng cho thấy, địa phương tạo mọi điều kiện để cán bộ phát huy hết tinh thần năng động, sáng tạo; vận dụng tối đa mọi chủ trương để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mọi sự đổi mới, sáng tạo đều không được vượt ra khỏi khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Đồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định: Cho đến nay, gần như tất cả những đổi mới, sáng tạo đã và đang được triển khai, vận hành trong thực tiễn ở tỉnh Cà Mau đều là những “sáng tạo trong khuôn khổ”. Trên thực tế, chưa có những thay đổi thực sự mang tính đột phá về tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Từ khi Kết luận 14 được ban hành và đi vào thực tiễn, theo ghi nhận của địa phương, những cá nhân đề xuất ý tưởng mới, sáng tạo đột phá gần như chưa có và cũng chưa có điển hình cán bộ “6 dám” được biểu dương, khen thưởng, nhân rộng...

2. Chưa khi nào đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị lại có tâm lý sợ sai, sợ mắc khuyết điểm như thời gian gần đây. Nhất là việc hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý vì để sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, khiến không ít cán bộ nảy sinh tâm lý làm việc cầm chừng, với lập luận: Làm nhiều thì sai nhiều, làm ít thì sai ít, không làm thì không sai. Trên nghị trường Quốc hội, khi bàn luận về tình trạng này ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, có đại biểu ví von: “Bên trong cán bộ sợ sai/ Bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Những vấn đề này đã được nêu ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, trong đó, bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc đã chỉ rõ biểu hiện và nguyên nhân.

Trên thực tế, những diễn biến tâm lý này vẫn đang tồn tại, âm thầm len lỏi và đã có phần ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, không dễ nhận diện, đấu tranh ngăn chặn triệt để. Kết luận 14 của Bộ Chính trị được ví như “đơn thuốc”, nhưng dường như vẫn chưa đủ “liều lượng” để chữa trị căn bệnh đang ngày một trầm trọng, đè nặng tâm lý của nhiều người. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương.

Đồng chí Vương Phương Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu thẳng thắn chia sẻ: "Trong quá trình kiểm tra, đội ngũ cán bộ của tỉnh cũng có sự tiến bộ, nhưng một số ít vẫn còn khép nép, e sợ nên tiến độ công việc còn chậm trễ”.

Sự chậm trễ vì tâm lý sợ sai của cán bộ được minh chứng cụ thể trong chuyện bán đấu giá tài sản công trên địa bàn tỉnh. Ngày 16-6-2023, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có cuộc họp để yêu cầu các sở, ngành, đơn vị chủ quản có tài sản phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục để sớm bán tài sản nhằm thu tiền về cho ngân sách nhà nước. Trong khi ai cũng nhận thức được, tiền thu từ bán đấu giá tài sản công sẽ góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở làm việc và đầu tư phát triển cho địa phương. Nhận thức là thế, nhưng để bắt tay vào làm thì rất ít ngành, địa phương triển khai vì chưa có hướng dẫn.

Cũng bởi tâm lý sợ sai nên đến cuối tháng 10-2023, vẫn còn 23 sở, ngành, địa phương của tỉnh Bạc Liêu chưa báo cáo, trong các đơn vị đã báo cáo thì có một số vẫn chưa đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu. Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã xem xét chấp thuận cho bán trước một số cơ sở nhà, đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, như trụ sở UBND phường 5 và trụ sở UBND phường 7 cũ (TP Bạc Liêu); Bệnh viện Đa khoa huyện Phước Long (cũ); trụ sở Huyện ủy Đông Hải (cũ), nhưng nhiều tháng trôi qua, các cơ sở này vẫn chưa được bán với đủ lý do. Và tình trạng “án binh bất động” như thế đã làm tài sản công bị lãng phí đầy xót xa!

Hay đơn giản như câu chuyện về phân cấp, ủy quyền liên quan đến triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong nghị quyết, Chính phủ giao quyền cho các địa phương tự quyết nhằm chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn; tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án... Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương đều không dám chủ động thực hiện mà phải chờ hướng dẫn.

3. Sợ sai là mức nói giảm, nói tránh của việc né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, cái gì có lợi thì vơ vào mình, khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người dân, doanh nghiệp. Xét ở góc độ đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đây chính là dấu hiệu của một loại “tự diễn biến”, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, làm cản trở nghiêm trọng sự phát triển.

Lý giải cặn kẽ mọi điều cho những hành vi này, có thể phân cán bộ sợ sai ra 3 cấp độ: Ở mức độ thấp là những người không biết gì nên không làm. Đó là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền, “ngồi không đúng chỗ”, không thể thực thi công việc được giao. Mức độ cao hơn, phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, nhưng không có lợi ích thì không làm. Họ không tham mưu, đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng... vì không có lợi ích gì trong đó. Và nhóm thứ 3 là những người biết, nhưng sợ sai nên không làm.

Đồng chí Lư Văn Điền (bí danh Tám Thanh), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) nêu quan điểm: “Nếu xét với thực tế hiện nay, tôi khẳng định cán bộ chúng ta có một dám, đó là dám nghĩ. Nhưng từ dám nghĩ đến dám nói, dám làm thì rất ít, mà đã không dám làm thì chắc chắn rằng sẽ không có đổi mới, sáng tạo, không dám chịu trách nhiệm. Thái độ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải đứng trước hội đồng xét xử” trở thành phương châm hành động của không ít cán bộ, công chức. Ở góc độ nào đó, đây có lẽ là “lời tự thú” từ tận đáy lòng của người trong cuộc khi không đủ tự tin để thực thi công việc, vì xung quanh lãnh đạo, đồng nghiệp vừa được tuyên dương thì không lâu sau đó đã bị khởi tố, bắt giam; hoặc là thái độ né tránh công việc khi mà cấp trên không làm gương, chỉ đạo xiên xẹo, khiến họ khó xử”.

Việc cán bộ không dám làm còn là do họ làm với cái tâm không trong sáng. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai, không dám làm là vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn phát triển đất nước đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai? Bản chất cơ chế, chính sách là đúng, nhưng cái không đúng là những người có chức quyền, có hiểu biết lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất, để phục vụ cho lợi ích “sân sau”, lợi ích nhóm. Nếu là do cơ chế, tại sao nhiều cán bộ, công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng? Không thể nói những cán bộ đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng, có danh dự. Trong khi đó, những vị chức to, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì sao có thể làm đúng được...

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhận thức đúng đắn, phân định rõ giữa đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với hành động vô kỷ luật, vô tổ chức. Dù trong bất cứ lĩnh vực, hoàn cảnh nào, việc đổi mới, sáng tạo cũng phải hướng đến mục đích phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Điều này cũng đã được Bác Hồ chỉ ra: “Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” là lời răn dạy sâu sắc của Bác Hồ mà mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ.

“Thực tế cho thấy, một khi cán bộ làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả. Nếu đội ngũ cán bộ của chúng ta thực hiện mọi việc đều vì lợi ích của nhân dân, mang lại hiệu quả cho sự phát triển và tiến bộ xã hội thì dù “vượt rào”, “xé rào” cơ chế cũng luôn được ủng hộ. Đó là điều chắc chắn”, đồng chí Lư Văn Điền nhấn mạnh. (còn nữa)

HV- theo Nhóm PV Báo QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây