Triển khai thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

Chủ nhật - 29/09/2024 23:41 12 0
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Luật cũng đã thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội.

bđ
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác BVMT trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật BVMT. Ngày 27/9/2024, UBND huyện Bù Đốp ban hành văn bản số 2177/UBND-KT về việc triển khai thực hiện một số quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật BVMT trong quá trình hoạt động.

Theo đó, UBND huyện đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động chăn nuôi thuộc đối tượng phải lập giấy phép môi trường khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại Giấy phép môi trường cho dự án theo quy định của Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Đối với các dự án không thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường phải có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình BVMT cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.

Chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và hoạt động chăn nuôi phải có trách nhiệm kiểm soát chất thải. Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy theo quy định. Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất.
Chất thải chăn nuôi chỉ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thuỷ sản khi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Các đơn vị sử dụng chất thải rắn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại để làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất phải đảm bảo không rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; việc vận chuyển chất thải chăn nuôi ra khỏi trang trại phải tránh bị tràn đổ ra môi trường.

Kiểm tra, rà soát việc kê khai phí nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi, trường hợp chưa thực hiện kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ, yêu cầu nhanh chóng thực hiện kê khai, nộp phí nước thải theo đúng quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gửi về Ủy ban nhân dân huyện Bù Đốp (thông qua phòng Tài nguyên và Môi trường) để được thẩm định, xác định số phí phải nộp vào ngân sách nhà nước.

UBND huyện yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện nghiêm túc thực các nội dung trên và trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc liên hệ Ủy ban nhân dân huyện Bù Đốp (qua phòng Tài nguyên và Môi trường), để được hướng dẫn.
HV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây