UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia. Văn bản nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và để tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội năm 2025.
Chất cồn trong rượu bia có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể mà chúng ta không ngờ tới. Đáng lưu ý nhất là rượu bia gây hại mạnh nhất lên gan, có thể dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng về gan, khiến gan không chuyển hóa được chất độc, làm các độc tố tồn ứ trong cơ thể, gây độc cho các cơ quan. Việc này tạo thành vòng lặp lại khiến cơ thể suy yếu nhanh chóng và rất dễ mắc các bệnh lý về gan như xơ gan do rượu hoặc ung thư gan. Ngoài ra những người uống nhiều rượu bia còn phải đối mặt với hàng hoạt các vấn đề về sức khỏe như bệnh lý tim mạch, gút, viêm loét dạ dày - tá tràng, tiểu đường, cao huyết áp…gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội…
Với những tác hại cơ bản trên, mỗi cán bộ và nhân dân hãy thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là góp phần bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và xã hội.
“Đã uống rượu bia – không lái xe”,
“An toàn giao thông nói không với rượu, bia”,
“Không nồng độ cồn sau tay lái”,
“Say xỉn lái xe là tội ác”, “Uống rượu, bia và lái xe – Giá đắt phải trả”, “Lạm dụng rượu, bia – Hiểm họa gây tai nạn giao thông”.
Hiện nay mức xử lý vi phạm đối với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông được quy định như sau:
Mức phạt nồng độ cồn đối với ô tô:
(1) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Theo điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
(2) Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Theo điểm a khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
(3) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Theo điểm a khoản 11 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Mức phạt nồng độ cồn đối với xe máy:
(1) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Theo điểm a khoản 6 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
(2) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Theo điểm b khoản 8 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
(3) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Theo điểm d khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng kính mong toàn thể cán bộ và nhân dân hãy: Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia. Không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nói không với việc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
HV