Tấm lòng của ông giáo già vùng biên

Thứ sáu - 20/09/2024 04:27 16 0
Ông Ngô Tùng Bích (SN 1942), tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn trước giải phóng và từng có nhiều năm làm giáo viên ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001, vợ chồng ông Bích theo con trai chuyển đến ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp sinh sống. Ông đã có gần 20 năm mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường.

SẼ DẠY ĐẾN KHI KHÔNG CÒN SỨC

Sáng 5-9, chúng tôi tìm đến lớp học tình thương tại nhà ông Bích. Khi chúng tôi đến, ông đang thư thái ngồi đọc sách. Sắc diện của ông đã kém hơn, bước đi chậm chạp, duy chỉ có nụ cười là vẫn tươi như năm nào.

bđ

Ở tuổi 82, sức khỏe không còn tốt, nhưng ông giáo Ngô Tùng Bích vẫn rất minh mẫn. Ảnh: Bùi Dũng

Ông Bích cho biết, 1 năm qua, ông bị đột quỵ 2 lần, may mắn là đều nhẹ và nhờ phòng ngừa từ trước nên chữa trị đơn giản hơn. Tuy nhiên, hiện ông cảm thấy không đủ sức khỏe để tiếp tục dạy bọn trẻ. Khi chúng tôi hỏi về lớp học tình thương, ông Bích kể: “Lớp học có từ năm nào thì chú không nhớ rõ. Lúc mới lên đây, thấy trẻ em đông, đa số là con em các gia đình đồng bào dân tộc S’tiêng, Việt kiều Campuchia hồi hương, nhà nghèo. Cha mẹ các cháu quanh năm lo làm kiếm sống, nên các cháu không được quan tâm nhiều, không được đi học. Chú cũng thích trẻ con, nên mỗi lần tụi nhỏ đến chơi, chú ngồi trò chuyện, đọc sách, kể chuyện cho các cháu nghe. Vì vậy, tụi nhỏ rất thích, ngày nào cũng đến nhà chú chơi. Sau khi cha mẹ các cháu biết, đã trực tiếp đưa con ra gửi chú. Từ đó, hằng ngày chú chỉ cho các cháu đánh vần, đọc, viết, rồi lớp học hình thành lúc nào không hay”.

Lớp học ban đầu chỉ là một căn chòi lá, dựng tạm trên mảnh vườn cạnh nhà, vách chắp vá bằng ván cũ, tôn cũ, nền đất. Đến năm 2018, một mạnh thường quân tình cờ biết điểm dạy học miễn phí của ông Bích nên đã hỗ trợ cải tạo, sau đó chính quyền địa phương huyện, xã cũng chung tay hỗ trợ, nhờ vậy lớp học mới có nền gạch, mái tôn, bàn ghế khang trang như bây giờ.

Ông Bích kể, lớp học thường xuyên có từ 30-40 em. Do các em ở nhiều độ tuổi, có em chưa biết chữ, có em học đến lớp 2, 3, 4… đã bỏ học, nên việc dạy các em khó khăn, vất vả hơn nhiều. “Để dạy cùng lúc từ vỡ lòng đến cuối cấp 1, phải chia thành từng nhóm, lớp 1 học chữ cái, tập đánh vần thì lớp 2 tập viết, lớp 3 học tiếng Việt, lớp 4, 5 học Toán. Nhưng điều quan trọng là phải kiên nhẫn, nhẹ nhàng với các em. Nếu không là các em sợ, ngày mai sẽ không đến lớp nữa” - ông Bích tâm sự.

bđ

Đứng trước lớp học, ông Bích mong sức khỏe ổn định để có thể mở lại lớp học cho các cháu. Ảnh: Bùi Dũng

Hơn 1 năm trước, chúng tôi đến lớp học này. Khi đó, 1 buổi học 3 tiết, ông Bích không có giây phút nào được ngồi nghỉ, hết chấm bài nhóm này, lại hướng dẫn nhóm khác tập viết, tập đọc, lúc lại đi từng bàn cầm tay tận tình chỉ các em tập viết. Ngay cả lúc giải lao, lũ trẻ cũng “bu” quanh ông để hỏi đủ thứ. Đứa nào cũng muốn được ông quan tâm, trả lời trước nên tranh nhau níu áo ông. Và lúc ấy, tôi đã thầm nghĩ, với những người làm công việc đứng trên bục giảng, đó có lẽ là những giây phút hạnh phúc nhất.

Hôm nay, khi chúng tôi đến, khơi gợi chuyện dạy học, ông Bích không giấu nét trầm tư. Đứng cạnh tấm bảng đen, nhìn xuống những dãy bàn trống trước mặt, ông ngậm ngùi: “Không có bọn trẻ học, chú thấy thời gian trôi qua chậm lắm, nhà trống trải, im ắng. Vì vậy, khi sức khỏe ổn, chú sẽ tiếp tục mở lại lớp cho bọn trẻ đến học. Vừa vui cửa vui nhà vừa để các cháu biết được con chữ, có nơi sinh hoạt lành mạnh”.

PHẦN QUÀ NHỎ, HẠNH PHÚC TO

Ông Bích không chỉ dạy các em học chữ mà còn dạy cả lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế, lời ăn tiếng nói. “Các cháu trong lớp học này thiệt thòi nhiều. Ngoài thiếu thốn vật chất, thì tinh thần cũng không được quan tâm. Vì cha mẹ các cháu đi làm cả ngày, ngay cả chuyện chăm sóc hằng ngày còn chẳng đủ đầy, thời gian đâu mà quan tâm chuyện học hành của con” - ông Bích cho hay.

bđ

Ông giáo già Ngô Tùng Bích bên các cháu nhỏ năm 2023

Trong số những học sinh đã được ông Bích dạy, có cả những em bị khuyết tật, không thể đến trường. Một trong số đó là em Trần Văn Cường, đôi tay không thể co duỗi bình thường, phát âm khó. Kinh tế gia đình em rất khó khăn, không đủ khả năng cho em đến học tại các cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật. Biết đến lớp học của ông Bích, cha mẹ Cường đã chở em đến nhờ ông dạy. “Thằng bé rất dễ thương, chỉ là không may bị khiếm khuyết cơ thể, nhìn cháu rất tội nên chú nhận lời, mặc dù biết là dạy Cường tốn nhiều thời gian, vất vả gấp 10 lần các cháu khác. Thời gian đầu, chú phải ngồi hàng giờ nói chuyện với cháu theo kiểu ông kể cháu nghe, cháu nói ông nghe để luyện phát âm. Luyện tay cầm phấn, cầm bút cho cháu cũng mất rất nhiều thời gian. Sau nửa năm kiên trì, cháu đã phát âm được. Đến năm 2023, Cường đã phát âm, đọc tốt và thành thạo 4 phép tính cơ bản” - ông Bích kể.

Trầm ngâm nhìn lại toàn bộ lớp học, ánh mắt ông Bích lấp lánh niềm vui, ông chia sẻ, lâu lâu cha mẹ các cháu đến đón con, họ biếu mớ rau, con cá bắt được ngoài suối thì chú nhận, còn tiền thì không. Với chú, phần thưởng đã có mỗi ngày rồi, đó là niềm vui được thấy các cháu ê a đọc bài, nắn nót viết chữ.

Ngoài yêu thương, hết lòng hết sức dạy dỗ trẻ em nghèo, ông Bích còn rất có kinh nghiệm sư phạm, nhất là đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ. Nhờ vậy mà bao năm nay, lớp học tình thương của ông được các gia đình nghèo tin tưởng gửi gắm con em. Sau một thời gian theo học, các cháu không chỉ ham học mà còn trở nên ngoan hiền, lễ phép hơn. Ông Bích đã “gieo” chữ không mệt mỏi nơi vùng biên giới này, ươm nên những mầm xanh hy vọng tương lai. Vì vậy, gần 20 năm nay, rất nhiều em trưởng thành, có gia đình, đi làm xa nhưng mỗi lần trở về vẫn tìm đến thầy để ôn chuyện cũ. Đó là phần quà nhỏ, hạnh phúc to mà ông giáo già Ngô Tùng Bích thấy ấm áp, hạnh phúc nhất.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bù Đốp NGUYỄN HỮU NHUẬN

Nhờ được dạy dỗ, quan tâm, yêu thương như con cháu nên nhiều em đã trưởng thành, học xong đi làm, khi có dịp về đều ghé thăm, biếu thầy hộp bánh, túi trái cây. “Thấy các cháu ngoan, lễ phép, chú vui lắm. Đó là động lực để chú tiếp tục với nghề. Nhưng chú mong một ngày nào đó, sẽ không còn những đứa trẻ thiệt thòi, phải đến lớp học tình thương như thế này nữa” - ông Bích cho hay.

Bao năm qua, ngoài dạy những em nhỏ không có điều kiện đến trường, ông Bích còn hỗ trợ dạy thêm lớp 2 và 3 ở Trường tiểu học Tân Tiến, vì 2 lớp này đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, do thói quen ít dùng tiếng Việt nên viết chữ, phát âm chưa thạo, môn Toán cũng yếu. Sau khi biết lớp học của ông Bích, giáo viên của 2 lớp này đã đến nhờ ông phụ đạo thêm 1 buổi về phát âm, viết chữ.
 

HV

Nguồn tin: Phúc Lập (Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây