Hai Tổng Bí thư và mối quan tâm: Chống tiêu cực

Thứ tư - 03/11/2021 19:39 205 0
Hai Tổng Bí thư mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào nhiệm kỳ đầu đổi mới và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Hai nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đều có chung một mối quan tâm, trăn trở: Chống tiêu cực!

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Việc cần làm ngay, nhiệm vụ trung tâm của đổi mới

Phòng truyền thống Báo Nhân Dân hôm nay còn lưu giữ một mảnh giấy nhỏ. Đó là bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp mang đến gửi tòa soạn đề ngày 24-5-1987. Hôm ấy là chủ nhật. Thư viết:

“Kính gửi tòa soạn Báo Nhân Dân

Từ nay trở đi, tôi sẽ gửi đăng những bài ngắn, dưới đề mục “Những việc cần làm ngay”.

Rất mong các đồng chí thấy được thì cho đăng. Cần sửa gì về nội dung hoặc cách viết, các đồng chí cứ sửa.

Tôi sẽ ráng viết đều, trừ phi bận công việc quá, hay phải đi xa.

Rất cám ơn!

Linh”.

Bức thư đã mở đầu một điều tâm huyết của Tổng Bí thư-vị tư lệnh đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới: Chống tiêu cực. Sau Đại hội VI của Đảng, khi mới được bầu làm Tổng Bí thư, đồng chí sớm nhận ra tình hình quốc tế và trong nước xuất hiện ngày càng nhiều những nguy cơ, thách thức; nhất là tệ giáo điều, xơ cứng, bảo thủ, trì trệ; tệ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền, tiêu cực ở một số cán bộ lãnh đạo, một số cơ quan công quyền đang có nguy cơ lan tràn, trở thành quốc nạn.

Hai Tổng Bí thư và mối quan tâm: Chống tiêu cực
Bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. 

Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp viết bài và mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân-cơ quan Trung ương của Đảng, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Suốt 3 năm, từ số đầu tiên ngày 25-5-1987 đến số cuối cùng 29-9-1990, các bài báo dưới bút danh N.V.L. đã vạch ra hàng loạt vụ việc, biểu hiện tiêu cực của xã hội và biểu dương, nêu điển hình những nhân tố mới. Từ đó, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, làm cho lòng dân phấn chấn, xã hội không còn sự “im lặng đáng sợ”, dấy lên phong trào đấu tranh chống tiêu cực rộng khắp.

Trong bài báo viết ngày 10-7-1987, đồng chí đã nêu rõ mục tiêu cao cả: “Đấu tranh chống tiêu cực trở thành nhiệm vụ quan trọng “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng, nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc như Di chúc Bác Hồ đã dặn...”; “... Đấu tranh chống tiêu cực sẽ “làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, càng tốt đẹp hơn, dân ta mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiêu cực là cái gốc của tham nhũng cần phải chống!

Trưa ngày 1-2-2021, Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo quốc tế với rất nhiều sự quan tâm, chờ đợi những thông điệp quan trọng của người đứng đầu Đảng ta trước một nhiệm kỳ mới. Và trước câu hỏi của nhiều phóng viên về vấn đề chống tham nhũng, Tổng Bí thư đã nêu lên một vấn đề khá mới mẻ: "Nói tham nhũng mới chỉ là nói một vế, ngắn gọn thôi, tôi còn nói là chống tham nhũng và tiêu cực”.

Hai Tổng Bí thư và mối quan tâm: Chống tiêu cực
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18-3-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa làm rõ hơn vấn đề này: “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống...”. 

Ngày 16-9-2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phạm vi chỉ đạo của ban là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.

Sự quan tâm, sâu sát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy: Những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta luôn trăn trở, lo lắng trước sự nguy hiểm của “sóng ngầm” tiêu cực đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ ta. Nhưng cao hơn cả là chiều sâu tư tưởng chỉ đạo hành động và tính nhân văn của những chủ trương, chính sách lớn.

Năm xưa, khi giương ngọn cờ chống tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu rõ: “Chúng ta chống tiêu cực không phải để nâng cao hay hạ thấp uy tín của một vài cá nhân nào đó mà vì mục đích tốt đẹp hơn nhiều là lập lại trật tự, công bằng xã hội, xóa bớt vật cản nặng nề trên con đường phát triển của đất nước”.

Hai Tổng Bí thư và mối quan tâm: Chống tiêu cực
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.  

Còn hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích tại cuộc họp báo Đại hội XIII của Đảng: “Tôi nhắc lại câu nói của Bác Hồ: Cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, cho nặng mới là nghiêm”.

Tư tưởng “cứu cây” rất nhân văn và vì sự nhân văn ấy, Đảng ta đã nhìn ra cái gốc của tham nhũng, lãng phí chính là từ tiêu cực, mà trọng tâm nhất là từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Chống tiêu cực là “gốc” - một chủ trương chiến lược

Năm 1952, hai năm sau khi xử lý nghiêm minh vụ án Trần Dụ Châu, trong một bài báo Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Thứ giặc ở trong lòng này, chính nó tạo ra sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo ra lòng tham, sự quan liêu, vô tổ chức kỷ luật, dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng. Lật giở những bài trên Báo Cứu quốc tường thuật về vụ án, cho thấy ban đầu Trần Dụ Châu đâu phải là một cán bộ tham lam.

Người này từng là nhân viên hỏa xa trong chế độ cũ và từng viết báo, sau đi buôn có tiền mua được cả biệt thự ở Đà Lạt. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Trần Dụ Châu hiến cả một phần gia sản của mình và đi theo cách mạng. Nhưng rồi sau này, chính vì có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, không thắng được “giặc trong lòng”, Châu đi dần vào con đường sa ngã.

Hai Tổng Bí thư và mối quan tâm: Chống tiêu cực
Một bài báo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”.  

Chẳng phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi Đảng ta ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, những nội dung bổ sung mới đều thể hiện tinh thần chống tiêu cực rất rõ. Trong đó, nội dung phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị được đưa lên hàng đầu: Đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyển quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.  

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và cũng gợi nhớ cho chúng ta nỗi đau của một Đảng hơn 20 triệu đảng viên, từng viết nên những trang sử hào hùng nhất lại gục ngã và sụp đổ dưới con dốc “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Chúng ta càng thấm thía thông điệp lấy chống tiêu cực làm gốc mà Tổng Bí thư nhấn mạnh hiện nay có ý nghĩa chiến lược như thế nào nếu nhìn từ bài học Liên Xô sụp đổ. Cũng vào thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới, Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô họp tháng 2-1986 trong báo cáo chính trị từng nhìn ra sự nguy hiểm của tiêu cực và đề ra nhiệm vụ: “Khắc phục nhanh chóng các hiện tượng tiêu cực trong phát triển kinh tế-xã hội, rút ra các bài học lớn trong quá khứ...”.

Nhưng họ đã không làm được như Đảng Cộng sản Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày ấy rất sớm nhìn ra và quyết liệt đấu tranh đẩy lùi tiêu cực; không có được hành trình bền bỉ, kiên trì, kiên quyết chiến đấu với “giặc trong lòng” như Đảng ta suốt hơn 35 năm đổi mới.

Đó là lý do chúng ta cần nhận thức rõ hơn, thực hiện tốt hơn hành trình mà hai nhà lãnh đạo của Đảng ta đã và đang thắp lên ngọn lửa xua tan bóng tối tiêu cực!

HV

Nguồn tin: Quân đội Nhân dân điện tử:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây