Ngày 05-12: “Phải bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình”.
Ngày 05-12-1940, trên tờ Cứu vong nhật báo đăng bài “Mắt cá giả ngọc trai” của Nguyễn Ái Quốc kêu gọi cảnh giác trước âm mưu quân Nhật Bản gài người để phá hoại các tổ chức cách mạng. Bài báo chỉ rõ: “Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận, phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 189, 443-444).Tháng 12-1943, trên báo Đồng Minh của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội phát hành ở Liễu Châu, Trung Quốc, đăng bài “Libăng” giới thiệu cuộc đấu tranh của nhân dân Libăng chống thực dân Pháp và đi đến kết luận: “Bất kỳ bọn Pêtanh hay bọn Đờ Gôn cũng vẫn mang tâm lang sói, khư khư trong cái khuôn khổ đế quốc chủ nghĩa, đều là kẻ thù chung của những dân tộc các xứ thuộc địa hay bảo hộ... Việt Nam hiện đang chuẩn bị đánh Nhật, đuổi Pháp để giành lấy sự độc lập tự do, vậy nên vô luận gần hay xa và bất cứ dân tộc nào nổi lên chống với đế quốc xâm lược đều là bạn thân của dân tộc Việt Nam ta vậy” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 189, 443-444). |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông nâng ly chúc tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, tháng 8-1957. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát |
Ngày 05-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Mao Trạch Đông mừng ngày thành lập Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bức điện có đoạn: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 717).Tháng 12-1949, được tin vợ chồng Luật sư Phan Anh có thêm cậu con trai, Bác Hồ mừng một vần thơ: “Chú thím thêm một con/ Các cháu thêm một em/ Bác Hồ thêm một cháu/ Nước nhà thêm một công dân/ Tương lai thêm một chiến sỹ” (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 383, 380).Cùng khoảng thời gian này, nhận được tấm áo do anh chị em thương binh gửi biếu, Bác viết thư cảm ơn, động viên anh chị em thương binh đã có nhiều đóng góp cho kháng chiến và đề nghị: “Các bộ áo anh em gửi biếu, không nhận chúng thì anh em tủi. Nhận chúng thì tôi không yên lòng. Tôi định giải quyết thế này: Nhờ các đoàn thể bán đấu giá bộ áo ấy, được bao nhiêu tiền thì đưa dùng vào việc nghĩa” (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 383, 380).Tháng 12-1950, Bác gửi thư tới các chiến sỹ và cán bộ tham gia chiến dịch Trung du, căn dặn: “Các chú đã cố gắng. Kết quả sự cố gắng đó là thắng lợi trong chiến dịch giải phóng biên giới vừa rồi. Lần này các chú phải cố gắng hơn nữa, vì chiến dịch này rất là quan trọng. Vả chăng, chiến dịch này là lần đầu tiên ta đánh ở đồng bằng, và địch thì có chuẩn bị. Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng... Mỗi một người, mỗi một đơn vị, mỗi một bộ phận đều phải: Bí mật hơn. Nhanh chóng hơn. Kiên quyết hơn. Chiến dịch này, các chú nhất định phải đánh thắng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 138).Ngày 05-12-1962, Báo Nhân Dân đăng bài viết “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa”, với bút danh “T.L.”, Bác phê phán nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của nhân dân “đã không bảo đảm được chất lượng do một số cán bộ, công nhân kém tinh thần trách nhiệm, làm ẩu, làm dối, chỉ biết chạy theo số lượng... trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân” ( Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 320). và yêu cầu “mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình” ( Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 320).HV