Ngày 02-12: “Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.
Ngày 02-12-1920, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc vừa nhận được tờ La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản).Ngày 02-12-1940, “Cứu vong Nhật báo” đăng bài “Nhân dân Việt Nam và báo chí Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc, trong đó, tác giả vạch rõ: “Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta đều cần phải cổ vũ và giúp đỡ. Quốc phụ (chỉ Tôn Trung Sơn) từng dạy chúng ta: Giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 185, 378).Ngày 02-12-1942, từ nhà ngục Thiên Giang (Quảng Tây - Trung Quốc), Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu rồi tới Lai Tân trên một toa xe lửa chở than. Tình cảnh gian khó này được tả lại trong bài thơ “Tháp hỏa xa võng lai tân” (Đáp xe lửa đi Lai Tân) được Đỗ Văn Hỷ và Huệ Chi dịch:“Cuốc bộ mấy mươi ngày vất vả,Hôm nay được bước lên xe hỏa;Dù rằng chỉ ngồi trên đống than,Sang gấp mấy lần khi cuốc bộ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 185, 378).Tháng 12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu mới thành lập với những lời động viên và căn dặn: Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan cơ mật giúp Trung ương và Chính phủ xây dựng và điều chỉnh bộ đội, bày mưu tính kế để đánh thắng kẻ thù. Muốn thắng địch phải biết địch biết ta, nắm chắc ý định cấp trên, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể... Vừa kháng chiến lại vừa phải kiến quốc, nhiệm vụ chính của quân đội là chống giặc ngoại xâm, song không được coi nhẹ các việc khác như: Công tác vận động quần chúng, tổ chức quần chúng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.Ngày 02-12-1948, Bác viết thư gửi Bộ trưởng Canh nông Cù Huy Cận, góp ý kiến rất cụ thể và chi tiết về bản “Nội quy kiểu mẫu Quỹ nghĩa thương” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 528-529) (một hình thức tương trợ luơng thực ở nông thôn) và căn dặn: “Nói tóm lại: Phải làm Nội quy giản đơn hơn, thì dân mới dễ hiểu, dễ làm hơn” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 528-529). |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. |
Ngày 02-12-1961, Bác dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thảo luận một số vấn đề của Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô và bàn việc đưa Đảng bộ miền Nam ra công khai. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình cách mạng, Bác căn dặn: “Trong lời nói cũng như bài viết, trước hết là của các đồng chí Trung ương phải hết sức cẩn thận. Lúc này, một cái gì không thận trọng thì sẽ bị hiểu lầm ngay” (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 159). |
|
Hồ Chủ tịch và các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII tại điện Kremlin, tháng 10-1961. Ảnh: Nguồn tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao. |
Ngày 02-12-1965, phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô, Bác biểu dương: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng Tư lệnh như ở miền Nam nước ta... Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 621). |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô (ngày 2-12-1965). Ảnh tư liệu |
HV