Ngày 22-11: “Hết sức tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh”

Chủ nhật - 21/11/2021 18:38 380 0
Ngày 22-11-1942, trong nhà tù của quân Tưởng, Hồ Chí Minh viết bài thơ “Tân Dương ngục trung hài”(Cháu bé trong ngục Tân Dương) xúc cảm về một cảnh ngộ thương tâm. Nhà thơ Nam Trân dịch:
“Oa...! Oa...! Oa...!
Cha sợ sung quân cứu nước nhà;
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 369).
https://mediafile.qdnd.vn/images/2021/11/21/5.jpg
Tập thơ “Nhật ký trong tù”(Ngục Trung nhật ký) gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán do Nguyễn Ái Quốc sáng tác trong khoảng thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây – Trung Quốc năm 1942 – 1943. Tác phẩm có giá trị to lớn về nội dung tư tưởng, nghệ thuật, ngôn ngữ, tính nhân văn và sức sống trường tồn.
Ngày 22-11-1945, dự họp Hội đồng Chính phủ khi bàn về vấn đề tiếp tế gạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý tránh sơ hở để quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng lấy cớ đổ lỗi và khiêu khích. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh về tổ chức và quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp.

Ngày 22-11-1946, Bác gửi thư cảm ơn ngành Đường sắt đã phục vụ chuyến tàu đặc biệt chở Chủ tịch nước từ Hải Phòng trở về Hà Nội an toàn, kết thúc chuyến đi thăm và làm việc tại Pháp.
 
 
BĐ
 Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh: Hochiminh.vn.
 
Tháng 11-1950, Bác viết “Thư gửi các cán bộ Bắc Cạn” góp ý nhiều việc cần làm... Về “lề lối làm việc”, thư viết: “Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ. Phải giải thích cho dân hiểu rõ, sao cho dân vui vẻ thi đua làm. Hết sức tránh bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129). Về vấn đề “Giản chính, tinh cán”, Bác giải thích: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể cần phải triệt để giản chính. Đó là tiết kiệm sức người. Song đồng thời phải nâng cao năng suất công tác của mỗi người, mỗi cơ quan phải lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ cho đúng - Thế gọi là tinh cán. Hai việc phải đi đôi với nhau” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129-130, 131, 336).

Cũng trong tháng 11-1950, Bác viết “Thư gửi toàn thể phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình” nêu rõ những nhiệm vụ trước mắt: “Chúng ta phải: Toàn dân đoàn kết chặt chẽ. Thi đua ủng hộ kháng chiến. Thi đua tăng gia sản xuất. Thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Chớ chủ quan khinh địch, phải cẩn thận đề phòng. Các cụ phụ lão và các vị thân sĩ thì xung phong hô hào. Cán bộ chính quyền, đoàn thể và bộ đội thì xung phong làm gương mẫu, gần gũi nhân dân, giúp đỡ nhân dân, học hỏi nhân dân, lãnh đạo nhân dân thực hành những nhiệm vụ nói trên” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129-130, 131, 336).

Ngày 22-11-1951, báo “Nhân Dân” đăng bài “Đẩy mạnh phong trào du kích” của Bác. Đây chính là “lời tựa cho bản dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của nhà văn Liên Xô Phêđôrốp” được kết luận bằng nhận định: “Ta sẵn có nền tảng nhân dân, chỉ cần củng cố thêm. Ta sẵn có cán bộ, chỉ cần đào tạo thêm. Ta sẵn có phong trào du kích, chỉ cần ra sức phát triển thêm. Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp thêm chúng ta, và chúng ta nhất định thành công trong việc đẩy mạnh phong trào du kích” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129-130, 131, 336).


Ngày 22-11-1967, Bác yêu cầu Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Trần Hữu Dực truyền đạt ý kiến với lãnh đạo Hà Nội: “Phải tổ chức sơ tán nhân dân một cách khẩn trương, chu đáo và kiên trì. Chú trọng sơ tán triệt để khỏi các khu vực địch có thể đánh phá. Chú ý đi sát giải quyết những khó khăn trong đời sống, trong công ăn việc làm của đồng bào. Phải tổ chức các đoàn đi kiểm tra thăm hỏi ở các vùng có đồng bào sơ tán, cùng địa phương giúp đỡ nhân dân mau chóng ổn định đời sống. Phải hết sức hạn chế thương vong cho nhân dân, muốn vậy phải động viên đồng bào đào hầm đầy đủ,… Phải chú trọng phòng chống rét cho các cháu...” (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 145)


HV
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây