Ngày 19-11: “Tôi là người học trò nhỏ của nhà văn Tônxtôi vĩ đại”

Thứ năm - 18/11/2021 18:09 523 0
Ngày 19-11-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Pari.
 
 
 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/congan.com.vn.

Ngày 19-11-1942, tại nơi giam giữ ở Vũ Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài “Trúc lộ phu” (Phu làm đường) nói lên tình cảnh của người tù. Theo bản dịch của Nam Trân: “Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,/ Phu đường vất vả lắm ai ơi!/ Ngựa xe, hành khách thường qua lại,/ Biết cảm ơn anh được mấy người?” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 364). ...

Ngày 19-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và thỏa thuận với lãnh tụ của một số đảng phái khác nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết chống thực dân và ủng hộ đồng bào Nam bộ.

Ngày 19-11-1954, dự họp Bộ Chính trị, khi bàn về các vấn đề tiếp nhận viện trợ của các nước bạn, Bác dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Riêng đối với Trung Quốc, nên xem những cái gì thật cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở và khôi phục kinh tế thì ta hãy xin. Còn những thứ không cần thiết như đồ dùng cho văn nghệ, sinh hoạt… thì ta tự sắm lấy...” (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 526).
 
 Bác Hồ trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu
Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài “Nhân dân với Quân đội” của Bác, nhấn mạnh: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân, cho nên nhân dân rất thương yêu quân đội... vì đồng bào muốn cho quân đội của mình gương mẫu về mọi mặt, không những chiến đấu dũng cảm, mà lại có thái độ nghiêm trang... Vậy rất mong các đồng chí chiến sĩ và cán bộ ta hết sức cẩn thận trong mọi cử chỉ, để cho thế giới đều thấy rằng “Quân đội Cụ Hồ có khác!” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 383-384).

Ngày 19-11-1960, báo “Văn học Liên Xô” đăng bài báo của Bác: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L. N. Tônxtôi” với nội dung: “Xin kể chuyện tôi trở thành người học trò của nhà văn Nga vĩ đại như thế nào... Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thợ sửa ảnh ở Pari. Hàng ngày tôi đi đến xưởng, chiều tối tôi tham gia các buổi họp của Đảng hoặc dự mít tinh của công nhân. Cuối ngày làm việc, tôi đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Một hôm, một bạn cùng nghề đưa cho tôi một cuốn truyện nhỏ của Tônxtôi... Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột, tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa Đông rất lạnh, nhất là trong căn phòng bé nhỏ của tôi lại không có lò sưởi. Tôi nói to: “Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được”... Mỗi ngày tôi phải viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi sáng, là vì bảy giờ tôi đã phải đi đến xưởng. Thường thường, ngón tay tôi tê cóng lại. Sau một tuần vất vả, tôi đã viết xong tác phẩm của mình... Các đồng chí nghĩ xem tôi vui mừng xiết bao, khi mấy ngày sau, mở xem báo buổi sáng, tôi thấy có đăng tác phẩm của tôi, tác phẩm yêu quý của tôi... các đồng chí có cho rằng tôi có quyền nói tôi là người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi không?” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 228-229).
 
Tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Liên Xô được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam hâm mộ và được Nhà xuất bản Văn học tái bản nhiều lần. Ảnh: Qdnd.vn
Ngày 19-11-1966, báo “Nhân Dân” đăng “Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen”, nhà triết học người Anh và là người tổ chức Tòa án quốc tế, lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Trong đó, Bác viết: “Sự lên án đã có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc. Tòa án sẽ góp phần thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước chống đế quốc Mỹ..., nhân dân Việt Nam đánh giá cao và hết lòng ủng hộ sáng kiến cao quý của Cụ...” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 167).
HV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây