Ngày 12/11/1924, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi ba bức thư về Mátxcơva tới địa chỉ của Quốc tế Cộng sản, Ban Biên tập báo Rabốtnhitxa và Tổng thư ký Quốc tế Nông dân, trong đó báo tin đã tới làm việc tại Văn phòng của Bôrôđin - Cố vấn của Chính phủ Xô viết bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn. Thư cũng báo cáo về tình hình chính trị và xã hội Trung Quốc và đề nghị được thường xuyên cộng tác với tờ báo Rabốtnhitxa bằng loạt bài viết “Thư từ Trung Quốc”. Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm đến vấn đề tuyên truyền đối với phụ nữ, một lực lượng đông đảo và nhiều cảm tình với Cách mạng Nga: “Cách mạng Nga đã làm cho những người phụ nữ Trung Quốc hiểu rằng phụ nữ cũng phải có quyền sống và làm việc và để giành được quyền đó “chúng tôi cũng phải đấu tranh như những đàn ông và cùng với đàn ông chống lại những kẻ bóc lột chúng tôi”... Người ta chưa bao giờ thấy phấn khởi nhiều như thế trong phụ nữ chúng tôi. Đó thật sự đã là cuộc cách mạng nhỏ!” (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 298)
Ngày 12/11/1942, tại nhà ngục Nam Ninh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm những bài thơ nói về tình cảnh gian khổ và ý chí của một người tù nuôi chí lớn, ví như, bài “Chiết tự” theo bản dịch của Nam Trân:
“Người thoát khỏi tù ra dựng nước,
Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;
Người biết lo âu, ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 356).
Ngày 12/11/1945, nhân kỷ niệm Ngày sinh của Tôn Trung Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Hoa - Việt thân thiện” đăng trên Báo Cứu Quốc để xác định: “Nhân dịp ngày kỷ niệm cách mệnh đạo sư Tôn Trung Sơn, tôi muốn nhắc lại chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với anh em Hoa kiều. Trung Quốc với Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ rất là mật thiết. Văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế, hai dân tộc quan hệ với nhau đã mấy nghìn năm... phải mật thiết đoàn kết để làm cho thực hiện chữ Hoa - Việt thân thiện. Thế mới xứng đáng là tín đồ của Tôn Trung Sơn tiên sinh” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 95-96).
Tháng 11/1950, được tin một số đông binh sĩ Pháp từ Đông Dương về nước đã thành lập một tổ chức đòi hồi hương những anh em còn phải ở lại đánh nhau với nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã gửi thư, trong đó có đoạn: “Nhân dân Việt Nam rất biết ơn sự cố gắng của các bạn cũng như đã biết ơn sự cố gắng của những bà mẹ và những người lao động Pháp. Nhìn vào hành động của các bạn, nhân dân Việt Nam thấy rằng mình có hàng triệu người bạn trung thành ở ngay nước Pháp. Họ đã không bao giờ nhầm lẫn bọn đế quốc Pháp với nhân dân Pháp mà họ muốn thắt chặt thêm mối dây thân hữu” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 121-122).
Ngày 12/11/1959, tham dự Hội nghị mở rộng của Trung ương Đảng bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác nêu ý kiến: Trong tính toán phải nhìn xa và thấy gần, nếu chỉ nhìn xa thì sẽ vấp. Bác cũng xác định: “Nông nghiệp là chính, chẳng những ở ta mà các nước khác cũng thế. Ta tiến lên phải từ gốc mà tiến lên. Nông nghiệp cơ giới hóa nhưng phải chú ý cải tiến kỹ thuật, không được quên. Công nghiệp nhẹ, nặng phải phục vụ nông nghiệp, không nên tách rời ba cái đó ra... Nói cho rõ việc tăng năng suất lao động và cải thiện dân sinh” (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 365-366).
Ngày 12/11/1964, Báo Nhân Dân đăng bài “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu” của Bác biểu dương chiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng đã tấn công sân bay Biên Hòa vào ngày 31/10/1964. Bài báo cảnh tỉnh: "Nếu muốn tránh thất bại nhục nhã như ở Điện Biên Phủ thì Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, rút ngay quân đội của chúng về nước mẹ, để nhân dân miền Nam giải quyết công việc nội bộ của họ... Vậy có thơ rằng:
Uy danh lừng lẫy khắp năm châu,
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu,
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng,
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 340).
HV