Biên giới không xa

Thứ sáu - 28/04/2023 18:56 148 0
“Bù Đốp là huyện biên giới xa nhất của tỉnh Bình Phước. Tôi vẫn còn nhớ năm đầu thành lập, thu nhập bình quân của người dân chưa đầy 2 triệu đồng/năm. 20 năm sau, con số này đã tăng lên 62 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đường làng, ngõ xóm ở nơi heo hút nhất như Bù Tam, Phước Tiến nay cũng khang trang, sạch đẹp. Với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết được đào tạo bài bản như hiện nay, tôi tin Bù Đốp sẽ còn tiến xa hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước” - Bí thư Huyện ủy Bù Đốp nhiệm kỳ 2003-2005 Hà Ngọc Lợi bắt đầu câu chuyện về sức sống mới của Bù Đốp hôm nay.
BĐ

Sau 20 năm thành lập, Bù Đốp ngày nay đã có nhiều đổi khác. Trong ảnh: Một góc cơ sở hạ tầng, khu dân cư ở xã nông thôn mới nâng cao Thiện Hưng, huyện Bù Đốp - Ảnh: Viết Bằng

Sau 20 năm phấn đấu vươn lên, diện mạo nông nghiệp, nông thôn ở huyện biên giới Bù Đốp có nhiều thay đổi vượt bậc, cơ sở vật chất đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, các chương trình đột phá gắn với chính sách thu hút đầu tư thân thiện, cởi mở đang trở thành chất men xúc tác để Bù Đốp trở thành điểm đến hấp dẫn.

Những ngày gian khó

Địa danh hành chính Bù Đốp được hình thành dưới triều Nguyễn thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa từ đầu thế kỷ XIX. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Bù Đốp đã nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính khác nhau. Ngày 20-2-2003, huyện Bù Đốp được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện Lộc Ninh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-5-2003. Tổng diện tích tự nhiên hơn 37.750 ha, trong đó có 86,376km đường biên tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Đến cuối năm 2022, dân số huyện Bù Đốp đạt 60.027 người, thuộc 26 thành phần dân tộc. 

Ở vị trí cách xa trung tâm tỉnh, giáp biên giới Campuchia, vùng đất Bù Đốp 20 năm trước còn đọng lại trong ký ức nhiều người là sự hoang sơ xen lẫn những khó khăn chồng chất. Cả huyện Bù Đốp lúc bấy giờ chỉ có vài đoạn đường nhựa nằm gọn trong khu trung tâm hành chính huyện. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện ban đầu có 30 đồng chí, thế nhưng có 2 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy qua đời do lâm bệnh, 3 người chuyển công tác, 1 người nghỉ chờ giải quyết chế độ. Ngay cả phòng làm việc, trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện cũng phải mượn. Cả huyện có 7 trường học nhưng 50% là mái lá, vách gỗ hoặc tre, nứa. Không ít học sinh các cấp phải học trong cảnh vừa học vừa trốn mưa, trốn nắng do mái lá không còn nguyên vẹn.

BĐ

Hệ thống kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn phục vụ tưới tiêu cho cây trồng các xã Thanh Hòa, Tân Tiến và nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp

Khó khăn lớn hơn của Bù Đốp lúc đó là mặt bằng dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người S’tiêng chưa biết đến cây điều, cây tiêu mà chỉ biết duy nhất cây lúa trên rẫy. Từ đồng ruộng đến đồi nương mênh mông nhưng lại không có công trình thủy lợi, hồ đập mà chỉ có bưng bàu, ao hồ, sông suối. Người trồng lúa chỉ làm được 1 vụ/năm nhờ nguồn nước mưa. Các tuyến đường dẫn về xã, thôn, ấp đều là đường đất. Mùa khô, trời nắng như đổ lửa mà nhiều người đi đường phải mặc áo mưa để che bụi. Mùa mưa thì sình lầy, trơn trợt. “Thương nhất là các em học sinh gặp hôm mưa gió, đường trơn trợt, ngã lấm lem bùn đất phải bỏ học về thay quần áo. Trường, lớp thiếu phải học ca 3, bệnh viện cũng không có nói gì đến nhà thi đấu đa năng để tập thể dục thể thao. Ngày ấy, đụng đâu cũng khó, hàng trăm cái khó bây giờ kể sao cho hết” - nguyên Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Nguyễn Văn Tám hồi tưởng. Bởi vậy, thu nhập bình quân của người dân những ngày đầu chia tách huyện chưa được 2 triệu đồng/năm cũng là điều dễ hiểu. Nguồn thu ngân sách địa phương chủ yếu dựa vào nguồn chi từ cấp trên.

Biên cương bừng sáng 

Xã Hưng Phước nghèo khó thuở nào, giờ đã là xã nông thôn mới. Băng băng trên tuyến đường nhựa láng o về lại vùng sâu, vùng xa ấp Bù Tam, Phước Tiến, mọi thứ nay đã thay đổi đáng kể. Đường làng không chỉ được thảm nhựa nóng mà còn rực rỡ sắc hoa do người dân trồng, bừng sáng ánh điện về đêm. Vùng đất bưng bàu, sình lầy, quanh năm chỉ trồng một vụ lúa của ấp Bù Tam giờ là con đập được đầu tư với tổng kinh phí 51 tỷ đồng, cung cấp nước cho hơn 300 ha lúa của xã Hưng Phước và một phần của xã Phước Thiện.

Nhờ con đập này, đồng ruộng của ấp Bù Tam, Phước Tiến từ một vụ nâng lên 3 vụ/năm. Cánh đồng Xa Rây hơn 200 ha từ thôn 4, xã Hưng Phước trải dài đến xã Phước Thiện được người dân trồng giống lúa ST24 chất lượng xếp thứ 2 thế giới. Điều này là một trong những niềm tự hào của nguyên Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Thảo: “Người dân Bù Đốp có thể còn khó khăn nhưng đã làm ra hạt gạo ngon nhất, nhì thế giới để ăn”.

BĐ

Người dân xã Thiện Hưng đưa công nghệ vào thu hoạch lúa

Ông Điểu Khem, người có uy tín của ấp Phước Tiến rất vui khi ấp vùng sâu, vùng xa này có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào khá hơn trước rất nhiều. “Cán bộ về chỉ cho người dân cách trồng lúa nước, trồng điều, hồ tiêu, còn cho dê và chỉ cách nuôi dê. Đời sống người dân bây giờ không còn phải lo cái đói, cái nghèo. Con em đồng bào cũng được đến trường ngay trong ấp để học chữ. Mấy đứa học giỏi còn được Nhà nước nuôi, ở lại trường sướng lắm. Đời sống kinh tế, văn hóa của bà con đồng bào đã thay đổi rõ rệt” - giọng ông Điểu Khem như reo vui trong cái nắng tháng Tư oi ả.

Không riêng xã Hưng Phước, đến hết năm 2022, cả 6/6 xã của huyện Bù Đốp đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo bước chuyển lớn trong đời sống xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Trong chương trình đột phá về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đã từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch miệt vườn hoặc di tích lịch sử. 6 công trình hồ đập cùng với hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư trong 20 năm qua đã giúp diện tích lúa nước trên địa bàn huyện canh tác từ 1 vụ tăng lên 3 vụ/năm. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn trái từng bước phát triển nhờ đảm bảo được nguồn nước tưới.

Niềm vui lớn nhất của tôi là những cánh đồng xanh thẳm, cây trái xanh tươi, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số đủ đầy. Đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp là minh chứng cho sức sống mới, cho nông thôn mới của huyện Bù Đốp hôm nay.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp
LÊ QUANG OANH

Trong 20 năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện luôn chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Bằng những chính sách thu hút đầu tư cởi mở, Bù Đốp hiện có 132 doanh nghiệp và 2.586 hộ sản xuất, kinh doanh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hoặc nhựa hóa 100%. Công tác giáo dục - đào tạo có nhiều bước tiến vượt bậc.

BĐ

Người dân Khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới cùng các lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ cột mốc trên tuyến biên giới huyện Bù Đốp

Với đặc thù là huyện có 86,376km đường biên giới, công tác quốc phòng - an ninh luôn được quan tâm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu nhân dân, đặc biệt công tác giao ban, thông tin giữa các lực lượng bảo vệ, tuần tra trên tuyến biên giới huyện Bù Đốp và các huyện tiếp giáp thuộc Vương quốc Campuchia được duy trì thường xuyên. Chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm. Trong những năm gần đây, Bù Đốp đã phối hợp đầu tư, xây dựng 4 khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Sự hiện diện của người dân trên tuyến biên giới đã góp phần cùng các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Năm 2022, tỷ lệ nông nghiệp chiếm 56,12% cơ cấu kinh tế của huyện, công nghiệp - xây dựng chiếm 16%; diện tích đất gieo trồng tăng từ 7.645 ha lên 23.360 ha so với năm 2003. Hộ dân sử dụng điện lưới, nước sạch chiếm 98,2%. 100% đường liên thôn, liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông. Trong 20 năm, toàn huyện đã xây dựng 1.481 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà chốt dân quân biên giới với tổng trị giá hơn 94,8 tỷ đồng, góp phần giảm 4.425 hộ nghèo. 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường.

Hôm nay, nếu di chuyển bằng ôtô cá nhân, đi từ trung tâm huyện Bù Đốp đến trung tâm thành phố Đồng Xoài chỉ mất khoảng 50-60 phút thay vì 2-3 tiếng đồng hồ như 20 năm trước. Để thấy rằng, biên giới Bù Đốp đâu còn xa xôi nữa...

HV


 

Nguồn tin: Bình Phước Oline:

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website như thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay3,457
  • Tháng hiện tại126,645
  • Tổng lượt truy cập1,640,846
Vcov
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
Chi đạo điều hành
hop tac VN-CPC
xay dung dang
90nam tuyen giao
TINHUY
fm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây