Theo RT, biến chủng A.30 lần đầu được phát hiện ở Tanzania và sau đó đã xuất hiện ở Angola và Thụy Điển trong năm nay.
Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Miễn dịch học tế bào và phân tử", nhóm tác giả người Đức cho biết, biến chủng A.30 có khả năng chống lại kháng thể do một số vắc xin Covid-19 sinh ra.
Các tác giả nhận định, A.30 có khả năng xâm nhập vào hầu hết các tế bào vật chủ, bao gồm tế bào thận, gan và phổi. Báo cáo cho rằng, biến chủng này "xâm nhập vào một số dòng tế bào nhất định với hiệu suất tăng lên và tránh được một số loại kháng thể sinh ra bởi vắc xin".
Tiêm chủng hiện vẫn đang là biện pháp hiệu quả nhất để chống lại dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Reuters |
Biến chủng này cũng có khả năng kháng thuốc Bamlanivimab, được sử dụng để điều trị Covid-19, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi hỗn hợp thuốc Bamlanivimab và Etesevimab.
Tuy nhiên, A.30 hiện nay vẫn chưa bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại hay cần quan tâm vì số ca bệnh liên quan tới chủng này hiện vẫn khá thấp. Một số chuyên gia y tế cho biết, nó chưa xuất hiện trong nhiều tháng qua và có khả năng đã ngừng lây lan.
Markus Hoffmann, nhà nghiên cứu tại Trung tâm linh trưởng Đức, tác giả của nghiên cứu về A.30, nhận định rằng các dữ liệu hiện tại cho thấy "A.30 hiện đang không lan rộng trên phạm vi toàn cầu".
Tuy nhiên, mối lo ngại của nhà nghiên cứu trên là biến chủng có thể chưa bị phát hiện vì đang lây lan ở nơi mà khả năng xét nghiệm còn hạn chế. Ông Hoffmann cho biết, việc nhiều quốc gia châu Phi thiếu năng lực giám sát biến chủng có thể tạo ra cơ hội cho A.30 lây lan ở quy mô địa phương và chỉ được phát hiện ra khi những người mang mầm bệnh đi tới các khu vực có đủ năng lực xét nghiệm.
Ngoài ra, ông Hoffman khẳng định, nghiên cứu này không phải để chứng minh vắc xin không hiệu quả với Covid-19 vì tiêm chủng vẫn là lựa chọn tốt nhất để chống lại đại dịch.
HV
Nguồn tin: Quân Đội Nhân Dân:
Ý kiến bạn đọc