BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 52 NĂM GIẢI PHÓNG BÙ ĐỐP (7/4/1972-7/4/2024) 

Thứ ba - 02/04/2024 23:58 149 0
Cách đây 52 năm, ngày 7/4/1972, Bù Đốp được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng Lộc Ninh - Bù Đốp đã góp phần quan trọng tạo thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam. Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, Đảng bộ, quân, dân huyện Bù Đốp đã một lòng theo Đảng, đóng góp sức người, sức của làm nên những chiến thắng oai hùng, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng là huyện vinh dự và tự hào được giải phóng thứ 2 của miền Nam Việt Nam.
BÙ ĐỐP TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP  XÂM LƯỢC GIAI ĐOẠN (1930 - 1954)
BĐ
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN BÙ ĐỐP (HÌNH ẢNH: TƯ LIỆU LỊCH SỬ BÙ ĐỐP)
Sau khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đã đánh chiếm và lập bộ máy cai trị trên toàn Nam Kỳ, lập nên các địa lý hành chính và đồn binh như: Đồn binh Bù Đốp, Hớn Quản và lập lên các đồn điền cao su rộng lớn tại địa bàn Bù Đốp và địa bàn lân cận như: Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Phước Long. Để đáp ứng nhân công lao động cho các đồn điền cao su, chúng đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng mọi thủ đọan và đưa nhân công từ các vùng miền khác về làm phu cho chúng. Để thỏa mãn tham vọng, chúng đã ra sức đàn áp, bóc lột sức lao động của công nhân và người lao động, đẩy đời sống của họ vào con đường bần cùng hóa. Nhưng với truyền thống yêu nước không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, hàng loạt các cuộc đấu tranh, các phong trào khởi nghĩa, biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, đòi tăng lương, giảm giờ làm trên địa bàn huyện liên tục diễn ra. Trong thời kỳ này nhiều tấm gương yêu nước, chiến sĩ dũng cảm đứng lên lãnh đạo đồng bào nhân dân và các dân tộc nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, tiêu biểu như tấm gương Điểu Dố, Điểu Mốt, R’Đinh, những tấm gương yêu nước đã khắc sâu vào tâm trí đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Bù Đốp với quyết tâm chiến đấu với giặc đến cùng để dành độc lập, giành chính quyền về tay nhân dân.
BĐ
SƠ ĐỒ TRẬN ĐÁNH THÁNG 12-1948 (ẢNH: TƯ LIỆU LỊCH SỬ BÙ ĐỐP)
Tháng 2/1944, chi bộ Đảng được thành lập ở Lộc Ninh-Bù Đốp, đồng chí Lê Đức Anh, Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một làm Bí thư chi bộ. Nhiệm vụ trước mắt của chi bộ là gây dựng gây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cách mạng trong Nhân dân và công nhân, chuẩn bị đón thời cơ, phát động Nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Nhân dân Bù Đốp đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thành công, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do. Cuộc nổi dậy của Nhân dân Bù Đốp thể hiện được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một và chi bộ Đảng ở Bù Đốp-Lộc Ninh lúc bấy giờ.

Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là thành quả vô cùng to lớn của cả dân tộc. Nhưng thực dân Pháp vẫn không từ bỏ, chúng quyết tâm tái xâm lược nước Việt Nam một lần nữa. Ở vùng đất Nam Bộ lại một lần nữa trở thành nơi gây hấn đầu tiên của thực dân Pháp. Một lần nữa đồng bào Bù Đốp cùng cả Nam Bộ đứng lên kháng chiến; đặc biệt là thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Đảng và Bác Hồ vĩ đại; quân và dân Bù Đốp đã hưỡng ứng lời kêu gọi bằng những hành động, thiết thực cụ thể, vừa chiến đấu vừa tham gia sản xuất, góp sức người, sức của vào chiến công chung của cả nước.

Ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

BÙ ĐỐP TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

Sau Hiệp định Giơ ne vơ Mỹ hất cẳng pháp tiến hành xâm lược nước ta, chúng lập lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và triển khai các lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở khắp các địa phương, với thủ đoạn chia để trị, diệt cỏ phải diệt tận gốc. Đế quốc Mỹ cùng với chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, lập ấp chiến lược, đàm áp đẫm máu các phong trào cách mạng làm cho các phong trào cách mạng trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự đùm bọc, che chở của Nhân dân và lãnh đạo sáng suốt của Đảng nên các phong trào cách mạng ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Năm 1960, tổ chức Đảng Bù Đốp được thành lập gọi tắt là K ủy (K 16). Để đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào cách mạng cho Bù Đốp ngày một vững chắc hơn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng giữa năm 1961, đơn vị vũ trang K16 phối hợp với một bộ phận B240 chủ lực và bộ đội Phước Long đánh vào Sở Nhỏ diệt gọn một Trung đội lính ngụy; nhiều phun, sóc trở thành nơi quần chúng nổi dậy làm chủ như: Sóc Nê, Chu Ninh, Bù Đốp.

Tháng 9 năm 1963 lực lượng du kích cùng với bộ đội địa phương phối hợp đánh trung đội bảo an đang chốt ở Sở Nhỏ, tiêu diệt khoảng ½ trung đội và thu nhiều súng ống.

Tháng 7/1964, quân và dân Bù Đốp kết hợp với lực lượng tỉnh Phước Long và lực lượng quân khu 6 tổ chức đánh địch tại Chi khu Bù Đốp, sân bay ở Phước Thiện, trung tâm biệt kích, diệt và làm bị thương nhiều địch.

Tháng 5/1965, bộ đội địa phương, du kích phối hợp bộ đội Sư 9 đánh trung tâm biệt kích do Mỹ huấn luyện (đóng ở khu vực xã Hưng Phước ngày nay), tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều chiến lợi phẩm.

Ngày 15 và 20/7/1965 Quân và dân Bù Đốp phối hợp với bộ đội chủ lực Miền tiến công tiêu diệt địch ở Chi khu quân sự Bù Đốp và trại biệt kích Phước thiện, diệt các đồn bốt địch ở thị trấn Bù Đốp.

Tháng 9/1965, lực lượng K16 liên tục phối hợp với du kích chống càn chặn đánh các đơn vị nghĩa quân, thám báo và dân vệ của địch. Kết quả tiêu diệt một tiểu đội thám báo, thu 2 hai khẩu súng.


Tháng 3/1966, lực lượng vũ trang địa phương bắn rơi một chiếc máy bay diệt 2 giặc lái.

Tháng 5/1966, lực lượng vũ trang địa phương tác chiến độc lập, diệt một nhóm biệt kích địch, bắt sống 2 tên tại cống Tầm Roong (thuộc xã Thanh Hoà ngày nay).

Ngày 28-10-1967, chiến dịch Lộc Ninh - Bù Đốp bắt đầu. Toàn bộ đồn bốt từ Lộc Ninh đến Bù Đốp của địch bị tấn công dữ dội, bộ đội chủ lực tiêu diệt đồi chi khu Bù Đốp, sân bay Phước Thiện.

Từ cuối năm 1966 đến hết năm 1967, quân và dân Bù Đốp phối hợp với bộ đội chủ lực đánh nhiều trận, góp phần diệt gần một nghìn tên địch, phá huỷ nhiều lô cốt, bảy xe quân sự, bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh, bắn rơi một máy bay lên thẳng. Cùng với quân chủ lực, quân và dân Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đốp tiêu hao, tiêu diệt làm mất sức chiến đấu Sư đoàn “Anh cả đỏ”, Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới”. Mảnh đất Bù Đốp cùng với Lộc Ninh trở thành mồ chôn Mỹ, Nguỵ.

Ngày 25 và 26-02-1968, bộ đội địa phương lại phối hợp tiến công tiêu diệt địch ở chi khu quân sự và các mục tiêu xung quanh. Quần chúng nổi dậy kết hợp với du kích Phước Hưng, Phước Lạc treo cờ, diệt ác, phá đồn. Lực lượng K16 lúc này phát triển thành đại đội.

Ngày 13-3-1968, trận đánh bắt đầu. Lực lượng tấn công vào chi khu Bù Đốp chia thành hai mũi, tạo thành gọng kìm bao vây chi khu Bù Đốp. Bị tấn công bất ngờ, nhưng dựa vào hệ thống công sự kiên cố, địch chống trả quyết liệt.
Ngày 20/4/1968, lực lượng khu 10 có sự kết hợp của bộ đội K16 tổ chức đánh chi khu Bù Đốp lần 2. Kết quả tiêu diệt một đại đội bảo an.

Ngày 24/4/1968, K16 phối hợp với bộ đội khu 10 tiêu diệt một đại đội bảo an địch, tiến công thọc sâu vào ấp chiến lược, kêu gọi đồng bào đấu tranh trở về làng cũ, các chiến sĩ bám trụ cùng ấp Phước Thiện, Chu Ninh, Bù Giai để tiêu diệt địch.

Năm 1968, các ấp chiến lược đều bị phá. Quân lính địch hoảng sợ nên không dám trụ lại trong các ấp.
Trước những đòn tấn công của ta, địch rơi vào tình thế bị động đối phó; tinh thần sĩ quan, binh lính nguỵ hoang mang, rệu rã, mất sức chiến đấu.

CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN BÙ ĐỐP (7/4/1972)

Cuối năm 1969, lực lượng quân và dân Bù Đốp tấn công hàng chục trận lớn nhỏ vào các mục tiêu Đồi Chi khu, Nhà thờ Châu Ninh thu được nhiều thắng lợi. Càng chiến đấu bộ đội K16 càng trưởng thành và lớn mạnh, hiệp đồng tác chiến hiệu quả quyết bám trụ vững chắc địa bàn hỗ trợ cho phong trao quần chúng đấu tranh.

Bước sang năm 1970 tình hình chiến sự trên chiến trường Bù Đốp, Lộc Ninh có những thay đổi đột biến, địch cho cũng cố căn cứ điểm, cho lực lượng càn quét thọc sâu vào rừng núi biên giới nhằm dò tìm căn cứ cách mạng của ta, chúng đẩy mạnh cuộc chiến xâm chiếm Campuchia, chúng trang bị xe tăng lên đến 296 chiếc trên toàn tuyến Bù Đốp, Lộc Ninh, tăng cường đánh phá càn quét các khu căn cứ Bù Đốp, Lộc Ninh. Tình hình chiến sự lúc bấy giờ được đẩy lên đỉnh điểm và vô cùng ác liệt; hoạt động của bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương gặp không ít những khó khăn. Nhưng với khí thế cách mạng, quân và dân Bù Đốp tiếp tục tổ chức nhiều bãi mìn, bãi chông ở ven đường ven suối trừng trị nhiều tên biệt kích Mỹ tạo thế cho phong trào cách mạng.

Từ cuối năm 1970 đến đầu năm 1971, tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch trên khu vực Bù Đốp đã dần thay đổi có lợi cho ta. Vùng giải phóng Campuchia được mở rộng tạo cho ta thế đứng vững chắc hơn. Từ giữa năm 1970, Bộ Chỉ huy Miền có chủ trương xây dựng Bù Đốp thành vùng căn cứ để tiếp nhận sự chi viện của Trung ương qua đường chiến lược 559, Tỉnh điều C10 về đóng ở vùng Lộc Ninh - Bù Đốp.

 Sau khi đánh bại quân địch ở đường 9 Nam Lào thế và lực của cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng. Trên cơ sở đó, Bộ tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ và chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành làm hướng tiến công chủ yếu. Bù Đốp được phân công hoạt động phối hợp trong chiến dịch Nguyễn Huệ - Đường 13. Nhiệm vụ trong chiến công ở Bù Đốp là bao vây diệt địch ở Chi khu, kềm giữ chân địch, tạo điều kiện cho mặt trận Bình Long – Lộc Ninh hoạt động.
BĐ
CHI KHU BÙ ĐỐP BỊ QUÂN TA ĐÁNH CHIẾM NĂM 1972 (ẢNH: TƯ LIỆU LỊCH SỬ BÙ ĐỐP)
Đêm ngày 5/4/1972, ta bắn pháo xuống đồi chi khu, trại biệt kích, đồn bảo an ở thị trấn, sân bay Phước Thiện.

Sáng ngày 6-4-1972, địch tổ chức phản kích ra phía sau nhà thờ Châu Ninh. Trước tinh thần dũng cảm, gan dạ của các chiến sĩ, nhân dân trong vùng nổi dậy hưởng ứng đánh các ấp chiến lược. Lực lượng vũ trang địa phương tấn công tiêu diệt nhiều đồn bốt nhỏ lẻ xung quanh, tiêu diệt tiêu hao nhiều sinh lực địch và tập trung bao vây bức hàng địch trong Chi khu Bù Đốp, Tiểu đoàn bảo an và các trung đội nghĩa quân địch ở Bù Đốp bị tấn công liên tục, chạy tán loạn khắp nơi. Du kích và bộ đội địa phương truy kích tiêu diệt địch, thu nhiều súng đạn.

Đến 19 giờ ngày 7-4-1972, quân ta gồm: C1, C2 của lực lượng địa phương K16 Bù Đốp và bộ đội của Phân khu 10 đã tiến vào và làm chủ hoàn toàn quận Bố Đức (tức huyện Bù Đốp ngày nay).

Chiến dịch Nguyễn Huệ đã kết thúc đợt đầu với những thắng lợi quân sự to lớn ở Lộc Ninh, Bù Đốp. Một vùng rộng lớn sát biên giới Việt Nam - Campuchia được giải phóng, những vị trí chiếm đóng của quân địch ở Lộc Ninh - Bù Đốp -Bù Gia Mập bị tiêu diệt hoàn toàn, mở ra một địa bàn chiến lược quan trọng cho cách mạng, làm bàn đạp cho sự phát triển cách mạng toàn tỉnh và miền Đông Nam Bộ trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ.

Bù Đốp từ đây bước vào một thời kỳ mới với nhiệm vụ quan trọng của một vùng giải phóng, hậu phương trực tiếp cho tuyền tuyến đang có những phát triển nhảy vọt của cách mạng.


BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM TỔ QUỐC (1977-1979)

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Đốp tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa. Song, công cuộc xây dựng đất nước tiến hành chưa được bao lâu thì tập đoàn Pol Pot - Ingxary với những chính sách diệt chủng tàn bạo ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây-Nam Việt Nam. Trước những tội ác cực kỳ dã man của bè lũ Pol Pot, biến đau thương thành hành động cách mạng, dân và quân Bù Đốp cùng với cả nước đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm 15, rạng sáng ngày 16-3-1978, địch cho một lực lượng nhỏ đánh vào hướng cầu Hoàng Diệu và Đồn biên phòng 789. Bộ chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội điều 2 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 208 và Phú Lợi) lên hướng cầu Hoàng Diệu chi viện cho Đồn biên phòng 789 để ngăn chặn và tiêu diệt địch ở hướng này. 

Tuy nhiên, lực lượng địch có khoảng gần trung đoàn vượt qua căn cứ Tám Mái (Bầu du lịch) về Mê ra vào suối đá, suối nứa vườn mít, chúng chia làm hai mũi: một mũi đánh vào Thôn 6 xã Thiện Hưng; một mũi đánh vào Thôn Xa Trạch xã Hưng Phước gây ra vụ thảm sát hết sức dã man đối với đồng bào các dân tộc.

Chúng dùng cuốc, gậy đạp vào đầu người già, phụ nữ, trẻ em, chúng chặt thân xác người ra thành 2 - 3 mảnh. Trẻ con chúng giết rồi quăng xác xuống giếng, quăng xác vào đống lửa. Chúng chém giết đốt phá tàn sát không để sót một ai, từ người già cho đến trẻ con vô tội. Quân Pôn Pốt - Iêng Xari đã giết hại 247 đồng bào, thiêu rụi hàng trăm nóc nhà của bà con Thôn Xa Trạch xã Hưng Phước và Thôn 6 (Thiện Hưng) và 14 tấn lương thực, biến nhiều làng, phum sóc thành tro bụi, nhiều gia đình phải chịu tang tóc đau thương.

Trước những tội ác cực kỳ dã man của bọn Pôn Pốt, biến đau thương thành hành động cách mạng, quân dân xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện và lực lượng bộ đội Biên phòng nói riêng và Bù Đốp nói chung đã cùng cả nước chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Quân dân Bù Đốp trở thành một điểm nóng bỏng - một trọng điểm của chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Đến đầu năm 1979, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng ta đã chuyển sang tấn công phối hợp với lực lượng cấp trên tiêu diệt và đánh tan lực lượng địch trên hướng đối diện, quân dân Bù Đốp đã góp phần tích cực giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch phản công mùa xuân 1979. Nhằm ổn định tình hình sau cuộc chiến, quân dân Bù Đốp đã tiến hành củng cố lại tuyến phòng thủ biên giới, luôn giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân và là pháo đài bảo vệ biên giới ở phía Tây Nam của Tổ quốc.

Chiến dịch phản công mùa xuân 1979 đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu oanh liệt bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc của quân dân ta. Đây là thắng lợi của tinh thần chiến đấu oanh liệt của quân dân Bù Đốp anh hùng. Thắng lợi này không chỉ xuất phát từ sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng vào hoàn cảnh của địa phương Bù Đốp, tạo ra sức mạnh mới với những biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, thiết thực, có hiệu quả trong chiến tranh, mà còn là thắng lợi của ý chí và quyết tâm của Đảng bộ và quân dân toàn huyện, thắng lợi của tình đoàn kết giữa các xã vùng chiến tuyến với các xã tuyến sau và các địa phương bạn trong và ngoài tỉnh.
700
NGÔI MIẾU THỜ CŨ DO NGƯỜI DÂN TỰ LẬP KHOẢNG NĂM 1978-1979. (ẢNH: TƯ LIỆU LỊCH SỬ BÙ ĐỐP)
BĐ
LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN DI TÍCH CẤP TỈNH NHÀ BIA TƯỞNG NIỆM CÁC NẠN NHÂN BỊ PÔN PỐT IÊNG-XARY SÁT HẠI TẠI BÙ ĐỐP. (ẢNH: TƯ LIỆU LỊCH SỬ BÙ ĐỐP)
BĐ
Lễ công bố quyết định công nhận di tích cấp Quốc gia Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân bị Pôn Pốt  sát hại tại Bù Đốp. (ẢNH: TƯ LIỆU LỊCH SỬ BÙ ĐỐP)
Để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh phi nghĩa và ghi nhớ, khắc sâu tội ác của bọn diệt chủng Pôn pốt. Khoảng năm 1978 - 1979, người dân đã lập ngôi miếu thờ hương hồn những người dân vô tội bị Pôn Pốt sát hại, tại ấp Sa Trạch, xã Hưng Phước (nay là ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện). Năm 2018, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Bù Đốp tiến hành xây dựng Nhà bia tưởng niệm khang trang ngay khu vực ngôi miếu cũ và tổ chức lễ cầu siêu chu đáo. Ngày 13/3/2020, Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân bị Pôn Pốt sát hại trong cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam  được cơ quan có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh; đến ngày 04/11/2020 Nhà bia được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
 
HV

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây