Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã có cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Việt Nam tại địa bàn về mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, cũng là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam tháng 12-2023, trong đó hai bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Chuyến thăm cũng nhằm cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy “lòng tin chính trị cao hơn” và củng cố “nền tảng xã hội vững chắc hơn”, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp hiện nay, chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước; khẳng định vai trò rất quan trọng của đối ngoại Quốc hội nước ta đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Đánh giá về quan hệ hai nước trong thời gian gần đây, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, thể chế chính trị và con đường phát triển. Thời gian qua, dưới sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển rất tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở một số phương diện sau:
Một là, trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính Hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Đặc biệt là hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10-2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã góp phần tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và nâng tầm quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Điểm nổi bật nhất trong các cuộc tiếp xúc là hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình.
Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng.
Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga). Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD theo số liệu của hải quan Việt Nam; còn theo số liệu của hải quan Trung Quốc đạt 229,8 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 27,3 tỷ USD (tăng 28%), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8 tỷ USD (tăng 7,6%), nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD (tăng 38,8%). Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%); trong Quý I/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 27,8%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.
Ba là, hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân đạt nhiều thành quả thiết thực, góp phần củng cố nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.
Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; Trung Quốc đã triển khai cấp lại thị thực (visa) cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc. Trong năm 2023, có hơn 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam; 3 tháng đầu năm 2024 đạt gần 890.000 lượt khách, tăng 634,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bốn là, hai bên đã đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới. Hai bên cũng nỗ lực duy trì trao đổi, kiểm soát bất đồng trên biển, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tích cực triển khai các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Về công tác chuẩn bị của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho chuyến thăm quan trọng này, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết Đại sứ quán Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, xác định đây là trọng tâm công tác của Đại sứ quán hiện nay. Đại sứ quán đã chủ động, tích cực tham gia các đoàn công tác tiền trạm, duy trì liên hệ mật thiết, thường xuyên với các cơ quan liên quan của hai bên để kết nối, trao đổi về chương trình và nội dung chuyến thăm, tiến độ triển khai các công tác chuẩn bị, bảo đảm chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thành công tốt đẹp.
Khi được hỏi về những kỳ vọng vào kết quả đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với quan hệ song phương trong tương lai, Đại sứ Phạm Sao Mai bày tỏ: “Thông qua chuyến thăm lần này, tôi kỳ vọng hai bên có thể đạt được những kết quả thực chất, cụ thể là: Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước, hai Quốc hội tiếp tục phát triển tích cực trong thời gian tới, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Thứ hai, đẩy mạnh các giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, cũng như củng cố nền tảng xã hội, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Thứ ba, phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, đôn đốc việc triển khai tích cực các thỏa thuận đã đạt được. Thứ tư, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, phối hợp trong việc bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới".
Nguồn tin: Tiến Trung (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc