Đây là nội dung nhận được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội khi xem xét các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, ngày 27/10.
Trao quyền để địa phương chủ động, linh hoạt
Dự thảo quy định HĐND tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha”.
Trong khi đó HĐND thành phố Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Thẩm quyền trên theo quy định hiện hành thuộc Thủ tướng Chính phủ quyết định nay được Quốc hội xem xét trao cho HĐND cấp tỉnh. Đại biểu Hoàng Văn Hữu (đoàn Bắc Kạn) đánh giá đây là giải pháp điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực cho địa bàn của tỉnh.
Tán thành với quy định trên, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian tới, tiến hành rà soát tổng thể chung của cả nước, đề xuất Quốc hội xem xét tăng thẩm quyền đối với HĐND cấp tỉnh để thực hiện việc đẩy nhanh mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm tạo điều kiện cho các địa phương.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị cần làm rõ số hecta đất được giao thẩm quyền chuyển mục đích nêu trên là dành cho một dự án hay nhiều dự án, và nếu quy định trên một dự án thì quá lớn. Do đó cần xem xét, nghiên cứu quy định chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, tránh việc hiểu không thống nhất trong áp dụng.
Nữ đại biểu cũng cho rằng Quốc hội cần xem xét, ban hành nghị quyết điều chỉnh thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các địa phương khác cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi, kịp thời cho các địa phương đầu tư phát triển, thực hiện đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Còn ông Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hoá) thì nhấn mạnh, nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo ra sự chủ động thu hút đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính cho địa phương có tốc độ phát triển nhanh, thu hút các dự án lớn như Thanh Hóa. Ông cho biết, theo dự kiến năm 2021 có 400 dự án đầu tư vào các địa phương trong tỉnh có dự án đầu tư vào khu vực này (có đất rừng, đất lúa – PV).
“Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên cho thế hệ mai sau”
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ giải trình rõ quy trình thực hiện, các trình tự, thủ tục và các điều kiện liên quan đến thẩm định, đánh giá tác động môi trường, đảm bảo sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan, nhất là tại các địa bàn xung yếu, vùng giáp ranh giữa các tỉnh khi mở rộng thẩm quyền cho HĐND tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng đặc dụng dưới 50 hecta.
Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong triển khai thực hiện, đảm bảo các mục tiêu quốc gia về diện tích che phủ rừng, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh.
Dành toàn bộ thời gian phát biểu để phân tích về tầm quan trọng của đất rừng và đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) dẫn số liệu cho thấy Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh có diện tích rừng rất lớn, tỷ lệ che phủ rừng của Thanh Hóa là 53,46%, Nghệ An là 58,50%, cao hơn độ che phủ rừng bình quân cả nước hiện là 42%. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường, là môi trường sống của hàng triệu đồng bào.
Việt Nam có tổng diện tích đất có thể trồng lúa có tiềm năng cho năng suất cao không nhiều, phần lớn là ở những lưu vực phù sa của các sông lớn, các vùng đất bằng phẳng gần các thành phố, khu vực đông dân cư – nơi mà diện tích đất lúa bị chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác tăng cao trong thời gian gần đây. Trong khi đó, để hình thành đất trồng lúa 2 vụ trở lên cần phải có thời gian bồi đắp, cải tạo hàng chục năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh đồng ý phân quyền nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm, phải cá thể hóa trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương, các cấp ủy, HĐND trong việc thực hiện quyền Quốc hội giao. Chính phủ xây dựng cơ chế thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được HĐND cấp tỉnh xem xét, cân nhắc, quyết định khi không còn phương án lựa chọn nào khác.
“Tuyệt đối không đánh đổi bằng mọi giá, phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau” – bà Nguyễn Thị Kim Anh nói./.
HV
Nguồn tin: VOV.vn
Ý kiến bạn đọc