Mấy ngàn năm thăng trầm, còn mất bao quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhưng dân tộc Việt Nam tồn tại được là từ văn hóa và nhờ chính văn hóa!
Trên thế giới từ xưa tới nay, không có một dân tộc nào sau 1.000 năm lệ thuộc mà vẫn còn tồn tại và phát triển. Thậm chí chỉ vài ba trăm năm là họ bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại xâm.
Nhưng dân tộc Việt Nam từ đất nước Văn Lang xuyên suốt tận Đại Việt kể hơn 1.000 năm, vẫn không thể bị đồng hóa. Chưa thấy có dân tộc nào trên thế giới có ngày giỗ tổ như dân tộc Việt Nam. Sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam tất cả là ở viên linh đơn “văn hóa Việt Nam”. Chính nhờ văn hóa còn thì dân tộc còn và đất nước Việt Nam còn. Đó là sức sống kỳ diệu của văn hóa Việt Nam. Đó là bản sắc Việt Nam kết tinh và phát triển ở văn hóa và bằng văn hóa.
Không thể hình dung được, nếu không có một nền văn hóa như chúng ta đã và đang có thì không có một quốc gia - dân tộc Việt Nam trải mấy ngàn năm tới hôm nay.
***
Trải mấy ngàn năm, có một thời đất nước đắm chìm trong vòng lệ thuộc tới cả thiên kỷ, mà rút cuộc “Việt Nam rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, bằng chiến thắng Bạch Đằng giang năm 938. Bàn về điều kỳ diệu này, càng xác thực rằng: Văn Lang cổ đại sở dĩ không chết, cho dù cả ngàn năm Bắc thuộc, vì nó đã xây dựng cho mình một nền văn hóa mang đặc tính dân tộc và ngày càng được bảo vệ, củng cố và phát triển, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu. Và chính trên cơ sở đó, Văn Lang không bị đồng hóa và hồi sinh sau cả hơn ngàn năm lệ thuộc. Trên thế giới, trong 5.000 năm nay, chưa thấy một quốc gia dân tộc nào như thế.
Và, xem trong trường kỳ lịch sử Việt Nam, đó càng là điều căn bản và thiêng liêng nhất. Chỉ trong hơn 2.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước gần đây, Việt Nam đã mất hơn 1.300 năm chiến tranh và dân tộc đánh thắng 13 cuộc chiến tranh lớn xâm lược, đánh bại mọi kẻ thù cướp nước, chôn vùi đủ màu sắc và tính chất nô dịch, dù đến từ phương Bắc hay phía Tây và phương Đông, lấy máu mà giành lại và giữ gìn nền độc lập vô giá của dân tộc. Vì, nước có thể mất nhưng hồn nước còn vằng vặc soi. Vì, còn nhân dân thì còn đất nước. Vì, độc lập dân tộc là con đường sống của dân tộc! Vì, Tổ quốc thống nhất là con đường vươn tới hùng cường. Và, hùng cường chính là giữ nước từ xa. Đó chính là văn hóa Việt Nam vậy.
Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, Việt Nam đi qua 13 cuộc chiến tranh lớn chống ngoại xâm, kẻ thù đến từ tất cả châu lục, văn hóa càng tỏa sáng và chúng ta càng thấy văn hóa đã giữ gìn, bảo tồn và phát triển dân tộc Việt Nam như thế nào. Chúng ta còn, chúng ta phát triển được cho tới hôm nay là bắt đầu từ văn hóa, nhờ văn hóa và tới lượt mình, dân tộc không ngừng sáng tạo văn hóa phát triển Việt Nam.
Và, càng ở vào những khúc quanh mất còn của lịch sử, tư tưởng, hành động của dân tộc càng cháy bỏng khát vọng độc lập sẽ càng tự do tìm thấy nền độc lập cho đất nước và phát triển thịnh vượng. Chẳng thế, chỉ gần 1.000 năm qua, Việt Nam có tới 3 bản tuyên ngôn độc lập: Thế kỷ XI với “Nam quốc sơn hà”, thế kỷ XV với “Bình Ngô đại cáo” và thế kỷ XX với Tuyên ngôn độc lập! Tất cả hội tụ quốc khí, vận khí và khí vận quốc gia độc lập, thống nhất ấy, với tư cách là những tuyên ngôn bất hủ. Vì, độc lập dân tộc là khát vọng cháy bỏng và thiêng liêng muôn đời và muôn người Việt Nam. Vì còn dân thì nước nhất định còn! Đó cũng chính là triết lý văn hóa Việt Nam vậy.
Nhìn sâu hơn là Quốc thể nước ta - đỉnh cao văn hóa Việt Nam!
Gần 1.014 năm trước, bằng một quyết định văn hóa sáng suốt vượt trước thời đại, đức Lý Thái Tổ mở ra một chương mới trong lịch sử Đại Việt. Bằng sự kiện này, nhà Lý đặt nền móng cho một thời đại mới, thay thế chính sách cai trị thông qua quân sự bằng quản trị đất nước thông qua thể chế, luật pháp và từ văn hóa. Đây không phải là sự tự tôn thiên lệch mà là một nhận thức mới tất yếu về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước mà cốt lõi của nó là “Dân vi quý”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Từ đó về sau, thời đại nào văn hóa dựng nước và giữ nước cũng luôn được các thế hệ tổng kết thành bài học quan trọng hàng đầu để đất nước có thể tồn tại, phát triển và “hùng cứ một phương”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Một dân tộc có thể bị áp bức bóc lột, bị suy kiệt về vật chất, nhưng sức sống của dân tộc đó vẫn còn và chỉ chờ có thời cơ là dân tộc đó sẽ vùng dậy. Sức sống đó chính là sự kết tinh và thể hiện ở những giá trị văn hóa. Lịch sử Việt Nam, xét cho cùng là lịch sử của sự phát triển văn hóa. Viên linh đơn “văn hóa Việt Nam” là sự kết tinh lịch sử kiến tạo, tiếp biến, thâu hóa và phát triển phong phú tinh hoa, linh hồn, giá trị và bồi đắp nên tư chất quốc gia Việt Nam; là sự thâu thái, trầm tích, hội tụ, hiển hiện và tự biểu hiện vị thế, sức mạnh, uy tín dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, bản sắc và hiện đại một cách toàn diện và độc đáo trong khu vực mấy ngàn năm qua và trên toàn thế giới.
Văn hóa Việt Nam không chỉ là cội nguồn của đời sống dân tộc Việt Nam mà còn là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó không chỉ tạo nên cốt cách, tâm hồn, tạo nên sự cố kết toàn xã hội mà còn tạo nên sức mạnh nội sinh của Tổ quốc. Nó không chỉ là “nguyên khí” của quốc gia, hồn cốt nhân văn trường cửu của dân tộc mà còn là tấm “căn cước” của đất nước hội nhập trong thế giới, khẳng định tư thế quốc gia ngang tầm thời đại. Nó hòa quyện, xuyên thấm và hợp nên diện mạo, tư chất và sức mạnh tổng hòa dân tộc Việt Nam thống nhất và đa dạng, bản sắc và hội nhập. Và, qua trường kỳ lịch sử, văn hóa là sức mạnh trầm tích và quật khởi dẫn dắt, thúc đẩy dân tộc Việt Nam điềm tĩnh vượt lên khi sinh tử, can trường bước qua bước ngoặt lúc còn mất nhằm giữ vững nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất của Tổ quốc, bảo tồn và gìn giữ giống nòi, đất nước tự khẳng định mình, phát triển không ngừng và đồng hành cùng nhân loại.
Văn hóa thịnh hay suy thì đất nước theo đó rực rỡ hay nguy vong!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường”(1).
Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam. Đó là Quốc chính Việt Nam. Văn hóa làm nên niềm tin. Đó là Quốc tín Việt Nam. Sức mạnh tổng thể quốc gia làm nền Quốc khí Việt Nam... Không có những nhân tố đó thì không có Quốc thể Việt Nam. Một quốc gia mà không có Quốc chính, không có Quốc tín, không có Quốc khí… thì khó có thể có Quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Đó chính là văn hóa vậy và xét cho cùng lại không thể là gì khác, ngoài văn hóa.
Bước sang thế kỷ XX, suy cho cùng, mọi sự chuẩn bị dù toàn diện, đều không thể ngoài văn hóa, từ tâm thế sẵn sàng cho tới những kỹ năng riêng biệt cụ thể đều không nằm ngoài nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân và của một dân tộc. Yếu tố mở đường cho điều đó là một nhân tố của văn hóa nhưng nó mang yếu tố khai mở, chuẩn bị cho mọi sự chuẩn bị khác về kinh tế hay chính trị... Đó là tinh thần khai phóng, tự do, dân chủ của một nền văn hóa mở, sẵn sàng đón nhận mọi xu hướng tiên tiến của nhân loại và đề phòng mọi biến thái phản văn hóa - phản phát triển.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Vì thế, đổi mới, xét cho cùng, càng không chỉ là cuộc cách mạng trong cách mạng mà là một cuộc chuẩn bị văn hóa toàn diện, ý thức hệ lâu dài và tâm lý quốc dân xứng đáng. Nghĩa là, muốn bền vững, muốn đổi mới xã hội, phải đi tiên phong và toàn vẹn trên địa hạt văn hóa, mà trước hết phải thay đổi tư duy, phải nắm lấy văn minh, tất cả phải đặt trên nền tảng văn hóa dân tộc phù hợp với văn hóa nhân loại hướng tới phát triển bền vững và nhân văn tương xứng.
Và, càng tiến vào thế kỷ XXI, khi lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử ngắn hạn, kinh nghiệm thành công của các nước phát triển càng chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một đôi chân khập khiễng, mà suy cho cùng, chỉ bằng văn hóa hoặc bằng kinh tế, dù xét theo nghĩa rộng nhất hay hẹp nhất của những vấn đề này. Không thể nói tới sự phát triển cân bằng, bền vững chỉ khi đạt được sự thành công về văn hóa (dù một cách độc lập hay giữ vị thế đi tiên phong xã hội) hoặc chỉ khi kinh tế tăng trưởng ngoạn mục (dù mang tính quyết định hay cơ bản và quan trọng tới đâu) và ngược lại. Do đó, văn hóa phải luôn là một ưu tiên xứng đáng, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách. Kinh nghiệm các nước phát triển xác chứng, ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta càng cần phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa.
Văn hóa còn thì dân tộc Việt Nam còn, thì chủ nghĩa xã hội Việt Nam còn.
Xin nhắc lại, rằng muốn đi nhanh, đi mạnh, có thể bằng công nghệ, bằng kỹ thuật. Nhưng, để đi xa, bền vững và nhân văn, không thể không bằng văn hóa.
(còn nữa)
HV
Nguồn tin: TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Ý kiến bạn đọc