Hỏi – Đáp về Covid-19: Vắc xin Covid-19 nào đã được WHO phê duyệt sử dụng?

Thứ ba - 30/11/2021 01:34 461 0
Cho tới nay, đã có 8 loại vắc xin ngừa Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vắc xin này là Pfizer, Moderna, AstraZeneca của Oxford, Covishield (phiên bản AstraZeneca của Ấn Độ), Janssen, Vero Cell, Coronavac và Covaxin.

Theo chuyên trang TrackVaccine.org, trong số 8 loại vắc xin được phê duyệt có 2 loại được sản xuất theo công nghệ mRNA, 3 loại được sản xuất theo công nghệ vector và số còn lại được phát triển dựa trên công nghệ virus bất hoạt.

Hỏi – Đáp về Covid-19: Vắc xin Covid-19 nào đã được WHO phê duyệt sử dụng?
Đã có 8 loại vắc xin được WHO phê duyệt sử dụng. (Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn) 

Cụ thể, vắc xin Pfizer do Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất và vắc xin Moderna do Công ty Công nghệ sinh học Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ phát triển là 2 loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ mới mRNA (RNA thông tin). Đây là công nghệ mới nhất chưa từng được sử dụng trước đây. Theo đó, các loại vắc xin này đều chứa đoạn mã di truyền mRNA của SARS-CoV-2. Khi tiêm vào cơ thể, nó kích hoạt các tế bào trong cơ thể tạo ra protein bề mặt của virus, đánh lừa hệ thống miễn dịch rằng đã bị nhiễm virus và “huấn luyện” tạo ra kháng thể phù hợp chống lại mầm bệnh.

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả bảo vệ, WHO đã lần lượt phê duyệt khẩn cấp sử dụng Pfizer và Moderna vào ngày 31-12-2020 và 30-04-2021. Tới nay, Pfizer đã được cấp phép sử dụng tại 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi đó Moderna đang được sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng ở 77 quốc gia, vùng lãnh thổ. Pfizer với liều lượng 0,3ml/liều được chỉ định tiêm 2 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 2 cách mũi 1 từ 3-4 tuần. Vắc xin Moderna có hàm lượng 0,5ml/liều được chỉ định tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.

AstraZeneca của Oxford, Covishield (phiên bản AstraZeneca do Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất) và Janssen của Công ty dược phẩm Johnson & Johnson là 3 loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ vector. Vắc xin sử dụng một loại virus đã được biến đổi vô hại (được gọi là “vector”) để cung cấp thông tin đến cơ thể giúp, từ đó đánh thức hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể và kích hoạt các tế bào miễn dịch khác chống lại các tác nhân gây bệnh.   

2 phiên bản AstraZeneca do Oxford và Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp ngày 15-2-2021. AstraZeneca của Oxford đang được áp dụng trong chiến dịch tiêm tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi đó phiên bản của Ấn Độ đang được tiêm tại 46 quốc gia, vùng lãnh thổ. AstraZeneca có liều lượng 0.5ml mỗi liều và được khuyến cáo tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 8-12 tuần. Trong khi đó, Janssen đang được sử dụng tại 78 quốc gia, vùng lãnh thổ và được chỉ định tiêm 1 mũi cho những người trên 18 tuổi. Thời gian gần đây, do sự xuất hiện của các biến chủng mới, nhà sản xuất đã khuyến cáo tiêm bổ sung liều 2 đối với vắc xin này. Janssen được WHO đồng ý sử dụng khẩn cấp vào ngày 12-3-2021. 

3 loại vắc xin còn lại là Vero Cell do Tập đoàn Y Dược Sinopharm (Trung Quốc) phát triển, Coronavac của Công ty Dược phẩm sinh học Sinovac và Covaxin của Công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống để tăng cường phản ứng miễn dịch. Trong loại vắc xin này, virus được nuôi cấy trên tế bào và sau đó được làm bất hoạt bằng hóa chất để phá hủy acid nhân của nó chỉ để lại cấu trúc protein có vai trò làm kháng nguyên. Khi virus bất hoạt trong vắc xin được tiêm vào cơ thể, chúng kích thích sản xuất các kháng thể và làm cho cơ thể sẵn sàng để ứng phó với tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Cụ thể, vắc xin Vero Cell được WHO cho phép sử dụng từ ngày 7-5-2021 và đang được tiêm tại 68 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vắc xin được chỉ định tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần. Coronavac được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào ngày 1-6-2021 và đang được áp dụng tiêm tại 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là vắc xin thứ 2 của Trung Quốc được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nó được khuyến nghị sử dụng cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, theo lịch 2 liều tiêm cách nhau từ 2-4 tuần. Mới đây nhất, WHO đã phê duyệt sử dụng đối với vắc xin Covaxin của Ấn Độ (3-11-20221). Mỗi liều 0,5 ml của Covaxin chứa 6mcg kháng nguyên toàn nCoV bất hoạt. Đây là loại vắc xin có hiệu quả tương đối cao (78%) và yêu cầu bảo quản tương đối dễ dàng nên được đánh giá sẽ là một lựa chọn phù hợp đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. 

Hiện nay, ngoài một số loại vắc xin đã được WHO phê duyệt như AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Moderna, Vero Cell và Covaxin, Việt Nam đang sử dụng thêm vắc xin Sputnik V, Hayat-Vax và Abdala cho chiến dịch tiêm chủng của mình. Các loại vắc xin này đều được Bộ Y tế quyết định phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo các kết quả nghiên cứu, Sputnik V, Hayat-Vax và Abdala lần lượt có hiệu quả 91,6%, 78,89% và 92,28%.

HV

Nguồn tin: Quân đội Nhân dân điện tử:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây