Tư tưởng của Karl Marx về xây dựng Đảng

Thứ hai - 04/05/2020 23:46 900 0
Tên tuổi của Karl Marx gắn liền với một học thuyết cách mạng, làm thay đổi đời sống hiện thực của loài người. Giá trị và sức sống trường tồn của Học thuyết Marx được thể hiện trong hàng loạt nguyên lý, quan điểm mà Karl Marx đã nghiên cứu về các hiện tượng xã hội nói chung, về con đường phát triển của xã hội loài người nói riêng, trong đó vấn đề xây dựng Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hoạt động lý luận và thực tiễn của mình và thông qua tổng kết kinh nghiệm các cuộc cách mạng ở châu Âu, Karl Marx và người bạn của mình Friedrich Engels đã chỉ ra bài học lớn là: “Để cho giai cấp vô sản đủ mạnh để chiến thắng trong giờ phút quyết định, cần phải… thành lập một đảng riêng biệt khác hẳn với các đảng khác và đối lập hẳn với các đảng này, một đảng giai cấp tự giác”(1).


Marx và Engels cũng chỉ ra rằng, đảng của giai cấp công nhân, muốn hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, muốn thực sự trở thành lực lượng xung kích có khả năng thống nhất giai cấp công nhân và tập hợp quần chúng lao động, phải được xây dựng vững mạnh về tổ chức. Đảng phải thật sự là một liên minh chiến đấu của những người giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, là một khối thống nhất về ý chí và hành động.Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản-một tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học, Karl Marx và Friedrich Engels đã khẳng định rằng, sự ra đời của Đảng Cộng sản là tất yếu để bảo đảm cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Trong cuộc đấu tranh, Đảng Cộng sản không chỉ tập hợp giai cấp vô sản mà cả các tầng lớp trung gian, những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công, nông dân… vào trong hàng ngũ của mình. Marx và Engels cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản, khẳng định đây là điều kiện bảo đảm cho đảng tập hợp được giai cấp vô sản. Tuy nhiên, theo Marx và Engels, Đảng Cộng sản không phải là một đảng riêng biệt mà là một bộ phận gắn liền với giai cấp. Mục đích của Đảng là mục đích của giai cấp, Đảng là đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào vô sản. Kết quả của phong trào vô sản không dừng lại ở sự ra đời của chính Đảng mà còn biểu hiện ở chỗ giai cấp vô sản biết hành động theo sự lãnh đạo của Đảng.

Kế thừa Chủ nghĩa Marx, Vladimir Ilyich Lenin đưa trung tâm phong trào cách mạng từ Đức về Nga, đồng thời bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx trên cả 3 phương diện: Triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. V.I.Lenin từng viết: “Chủ nghĩa Marx là lý luận của phong trào giải phóng của giai cấp vô sản”(2) và đương nhiên nó tất yếu phải trở thành hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản”. Người cũng chỉ rõ: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”(3).

Bảo vệ quan điểm của Marx và Engels, chống lại mọi sự công kích và xuyên tạc của những phần tử cơ hội trong vấn đề xây dựng Đảng, V.I.Lenin đã kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ và khẳng định rằng tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức duy nhất đúng của đảng vô sản kiểu mới. Bên cạnh đó, V.I.Lenin đã không ngừng chăm lo xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Điều đó được thể hiện trong việc chuẩn bị tiến hành Cách mạng Tháng Mười và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của V.I.Lenin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta ra đời năm 1930 là kết quả của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong 34 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, nước ta đã gặt hái được những thành quả to lớn về nhiều mặt, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội… Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo đói, kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã chứng minh rằng, những di sản tư tưởng của Karl Marx tiếp tục được kế thừa, phát huy và nhân rộng trong điều kiện lịch sử mới. Học thuyết Marx không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa thời đại và trường tồn với thời gian. 

--------------------------------------------------------

(1). Marx và Engels, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.704

(2). V.I.Lenin, Toàn tập, tập 26, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1980, tr.281

(3). V.I.Lenin, Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1978, tr.32


Yên Bình/qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây