Điện Biên Phủ, ngày 1-4-1954, trận mở đầu cho hình thức chiến thuật vây lấn

Thứ hai - 01/04/2024 23:49 68 0
Chiến thuật vây lấn được khởi đầu từ trận đánh các cứ điểm 106, 105 và được hoàn thiện trong trận đánh cứ điểm 206.

Ngày 1-4, địch tổ chức ba đợt xung phong đều bị các chiến sĩ Trung đoàn 102 đẩy lùi. Hàng trăm lính dù bị loại khỏi vòng chiến đấu, một xe tăng bị thủ pháo đánh hỏng, đêm 1-4, Trung đoàn 102 phối hợp với Trung đoàn 174 tổ chức đợt tiến công thứ ba vào hầm ngầm nhưng vẫn không thành công. Trong các ngày tiếp sau mỗi bên vẫn chỉ giữ được một nửa cứ điểm. Ta ở nửa phần phía Đông, địch giữ nửa phần phía Tây. Khu vực đồi A1 tưởng chừng như chỉ còn là một núi đất vụn.

Điện Biên Phủ, ngày 1-4-1954, trận mở đầu cho hình thức chiến thuật vây lấn

Các du khách tham quan chiếc xe tăng Bazeille bị các chiến sĩ của ta dùng súng Bazoka bắn cháy vào rạng sáng 1-4-1954. Ảnh HOÀNG TRƯỜNG

Trong khó khăn ác liệt đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí, chỉ huy sâu sát, linh hoạt. Từ Trung đoàn trưởng Hùng Sinh đến Tiểu đoàn phó Ngô Thế Lương, Tiểu đoàn phó Lê Sơn… đều nhiều lần dùng tiểu liên, thủ pháo cùng bộ đội đánh giáp lá cà diệt địch. Tổ trưởng liên lạc Bùi Minh Đức, chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi bị đói nhiều ngày vẫn không quên nhiệm vụ. Khi bị lọt giữa vòng vây địch, Chu Văn Mùi bình tĩnh dùng máy liên lạc, hướng dẫn các trận địa pháo bắn vào quân địch bảo vệ thương binh. Thế trận giằng co ở khu vực này tiếp tục kéo dài cho đến ngày 4-4.

Trong thời gian Trung đoàn 102 nhận nhiệm vụ chuyển hướng sang phía Đông thay thế đơn vị bạn tiếp tục tiến công A1, Trung đoàn 36 cũng nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm 106 ở trên cánh đồng phía Tây sân bay Mường Thanh. Đêm 1-4-1954, bộ đội ta bí mật vận động theo chiến hào tiến sát hàng rào, tiêu diệt các ụ súng của địch, rồi nhanh chóng vào trong cứ điểm, bất ngờ nổ súng diệt gọn quân địch trong vòng 30 phút. Trận đánh cứ điểm 106 có thể coi là trận mở đầu cho hình thức chiến thuật vây lấn của Quân đội ta.

Điện Biên Phủ, ngày 1-4-1954, trận mở đầu cho hình thức chiến thuật vây lấn

Bộ đội ta cắt dây thép gai, đào giao thông hào, lấn sâu vào các cứ điểm của địch. Ảnh tư liệu 

Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta đã sáng tạo ra cách đánh vây lấn - một hình thức chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố bằng cách bao vây, đánh lấn từng bước, tiêu hao, phá hoại và lấn chiếm từ vòng ngoài vào tung thâm, làm cho địch suy yếu dần, tiến tới tiêu diệt toàn bộ chúng.

Chiến thuật vây lấn được khởi đầu từ trận đánh các cứ điểm 106, 105 và được hoàn thiện trong trận đánh cứ điểm 206. Trận đánh cứ điểm 206, bộ đội ta tổ chức xây dựng trận địa tiếp cận cứ điểm địch, kết hợp bắn tỉa, đánh địch ra phá lấp trận địa ta; đồng thời sử dụng các phân đội nhỏ đánh lấn, vây hãm khiến quân địch căng thẳng, mệt mỏi, rồi ta tiến công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm. Đây là bước phát triển nhảy vọt về chiến thuật của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

HV 

(lược trích)
1, Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
2, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
3, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên (bqldt-svhttdl.dienbien.gov.vn).

 

 

Nguồn tin: Quân Đội Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây