Tình hình dịch Covid-19 ở Bình Phước có nhiều diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây
Theo nhận định của UBND tỉnh Bình Phước, dịch bệnh trên địa bàn và các tỉnh giáp ranh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, trong đó có một số ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Năng lực đáp ứng oxy y tế của tỉnh còn hạn chế; việc tiêm vắc xin phòng bệnh chưa đạt tỷ lệ bao phủ tạo miễn dịch cộng đồng để có khả năng dự phòng, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.
Dự báo, trong tình huống xấu nhất trên địa bàn Bình Phước có thể ghi nhận đến 3.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tỉnh nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả trong tình huống dịch diễn biến phức tạp hơn; ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong; giảm thiểu tác động của dịch đến phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phương án đưa ra một số giải pháp, như: Kiểm soát chặt sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài; Tạo lập vành đai để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, tranh thủ tiếp cận nguồn vắc xin để tỷ lệ dân số được tiêm phấn đấu đạt từ 95% trở lên vào cuối năm 2021.
Lập thêm 3 bệnh viện dã chiến (BVDC) quy mô tối thiểu 200 giường/bệnh viện, năng lực tối thiểu 3.000 giường bệnh, trong đó có 165 giường điều trị ca nặng và nguy kịch (Giường bệnh ICU). Khi dịch bệnh lan rộng và số ca nhiễm cao, thực hiện quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà phù hợp…
Đối với các địa phương thực hiện cách ly F1 tại nhà (đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định), phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch đúng quy định của Bộ Y tế để không lây nhiễm ra cộng đồng. Tổ chức các hình thức cách ly phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú, công ty, xí nghiệp...).
Các cơ sở điều trị Covid-19, các cơ sở y tế (CSYT) công lập, tư nhân chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, bảo đảm cung cấp đầy đủ oxy y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19; bố trí nhân viên y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bị nhiễm và người có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Thiết lập mạng lưới phân tầng cơ sở điều trị Covid-19 gồm 3 tầng. Tầng 1 dành cho ca bệnh nhẹ, không triệu chứng thì thu dung, điều trị tại khu điều trị tuyến huyện, Trạm y tế xã và BVDC khu vực thu dung, điều trị ca bệnh nhẹ, không triệu chứng. Khi vượt quá năng lực thu dung, điều trị thì quản lý, chăm sóc người bệnh không triệu chứng tại nhà thông qua hoạt động của các Trạm y tế lưu động.
Tầng 2 dành cho ca bệnh mức độ vừa thì thu dung, điều trị tại các BVDC tuyến tỉnh, BVDC khu vực, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng.
Đối với tầng 3 dành cho ca bệnh nặng, nguy kịch (dự kiến khoảng 165 ca), điều trị tại Khu điều trị của Bệnh viện đa khoa tỉnh (21 giường), BVDC huyện Đồng Phú (100/150 giường), khi cần thiết thì kích hoạt BVDC số 1 (44/210 giường). Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân sự, trang thiết bị để triển khai Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tỉnh (dự kiến tại BVDC huyện Đồng Phú) với quy mô 100 giường hồi sức tích cực.
Huy động các đơn vị của lực lượng Công an, Quân đội, các Bệnh viện tư nhân tham gia điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Duy trì hoạt động liên tục của các CSYT để đảm bảo tiếp tục các dịch vụ y tế thiết yếu bao gồm dịch vụ cho các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như: Trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính.
UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; nâng cao vai trò người đứng đầu các ngành, các cấp, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, tiêm vắc xin phòng bệnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ các nguồn lực từ xa, từ sớm, từ cơ sở, sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu, tập trung khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng; điều trị theo mô hình tháp 3 tầng và nguyên tắc “4 tại chỗ” hướng đến điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng và nguy kịch, hạn chế tối đa ca tử vong.
Tính đến 21 giờ ngày 8-11, tỉnh Bình Phước có 2.384 ca F0, có 1.673 ca xuất viện, 697 ca đang điều trị và 15 người tử vong vì Covid-19. Trong tổng số ca Covid-19, huyện Chơn Thành đứng đầu với 508 ca, kế đến là TP Đồng Xoài 255 ca, huyện Bù Đăng 212 ca, thấp nhất là thị xã Bình Long với 58 ca. |
HV
Nguồn tin: Báo Bình Phước Online:
Ý kiến bạn đọc