Với sự quan tâm sát sao và bằng những chính sách kịp thời, phù hợp của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, người lao động Tây Nguyên trở về từ vùng dịch đã và đang từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Buồn vui ngày trở về
Những ngày qua, số lượng lao động của Tây Nguyên từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về khá lớn. Theo báo cáo của các địa phương, chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay đã có đến hơn 60 nghìn lao động trở về, chủ yếu là tự phát: Trong số này chiếm số lượng lớn là các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, với trên dưới 20 nghìn lao động. Cùng với nỗi lo về an toàn phòng, chống dịch, thì việc bảo đảm về cơ sở vật chất, công tác chăm sóc y tế, an sinh xã hội và những vấn đề liên quan an ninh trật tự… cũng được các địa phương tính đến. Nhiều tỉnh đã phải trưng dụng các trường học, các doanh trại quân đội, hội trường, nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn để làm nơi cách ly.
Những người trở về địa phương phần đông là người lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm ăn theo thời vụ. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, vì trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, họ mất việc làm, không có thu nhập lại còn phải tốn nhiều khoản chi như tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt hằng ngày... khiến nhiều người khi về đến địa phương đã gần như trắng tay.
Ông Trần Đình Lục, tổ 10 (phường Ia Kring, TP Pleiku, Gia Lai), 66 tuổi, vốn là bảo vệ cho một công ty giày da thuộc tỉnh Bình Dương. Cuộc sống đơn độc nơi đất khách vốn chẳng dễ dàng, số tiền kiếm được chưa kịp hỗ trợ gia đình và trang trải cá nhân thì đã gần như cạn kiệt do mắc kẹt thời gian dài nơi đất khách.
Cũng vì lẽ đó, sau khi được tỉnh đón về, niềm vui chưa thấu thì ông lại lo tìm việc làm. May mắn thay, ngay sau khi hoàn thành cách ly tập trung, ông được một công ty ở TP Pleiku nhận vào làm bảo vệ:“Lớn tuổi rồi, đi đâu cũng không bằng ở quê nhà. Mình được tỉnh ưu tiên đón về nhà an toàn, gần gia đình, lại tìm được việc làm phù hợp trong thời điểm dịch giã này, thật may mắn vô cùng”.
Không phải ai cũng may mắn như vậy. Anh Y Siết Niê ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cùng vợ vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân cho một doanh nghiệp da giày từ đầu năm. Do dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đóng cửa, vợ chồng anh mất việc, tiền dành dụm cũng hết, do đó vợ chồng anh quyết định đi xe máy về quê.
Anh Y Siết chia sẻ: “Trải qua vất vả, vợ chồng mới về đến địa phương là mừng rồi. Trong thời gian cách ly, gia đình tôi cũng như nhiều người trở về đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ chu đáo của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”. Tuy nhiên, Y Siết hiện chưa biết xoay xở thế nào để lo cho gia đình, con cái ăn học: “Bây giờ tôi chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua nhanh để vợ chồng tôi trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, còn nếu không cũng phải tìm một công việc tại địa phương để nuôi sống gia đình”.
Cùng hoàn cảnh như Y Siết, chị Y Bé Ngọc (thôn Đắk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô, Kon Tum) cho biết: “Từ khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh do không đi làm được, tôi mất nguồn thu nhập. Sau nhiều tháng chật vật xoay xở cuối cùng cũng về đến quê. Đến giờ, mình vẫn lâng lâng vui sướng”. Khi được hỏi về dự định sắp tới, giọng chị Y Bé Ngọc chùng lại: “Trước mắt cứ về nhà, chăm sóc mảnh vườn sau nhà, nuôi con gà, con lợn để sống qua ngày đã. Tùy diễn biến dịch bệnh rồi tính tiếp…”.
Quan tâm, tạo việc làm cho người lao động
Hơn lúc nào hết, bài toán bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho số lao động này trở nên cấp thiết đối với chính quyền các cấp và đòi hỏi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng Bùi Quang Sơn, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm kết nối cung - cầu lao động qua các hình thức như cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, phương tiện thông tin đại chúng... Đồng thời, tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động về các địa phương, đặc biệt là những địa bàn có đông người lao động, người dân tộc thiểu số, lao động nhàn rỗi để kết nối với doanh nghiệp được thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời, triển khai tốt các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, nghỉ việc”.
Ngoài ra, với đặc thù tại Tây Nguyên, ba tháng cuối năm là thời điểm khai thác, thu hoạch cà-phê, hồ tiêu, cao-su… đang cần lượng rất lớn nhân công thu hái. Đây cũng là điều kiện tốt để các địa phương thu hút lao động tự do, giải quyết việc làm và thu nhập trước mắt, nhất là vào thời điểm như hiện nay sẽ rất khó thu hút lực lượng lao động ngoại tỉnh do hạn chế trong mùa dịch.
“Theo điều tra, hiện Gia Lai có hàng chục nghìn héc-ta cao-su cần thu hoạch mủ có thể cần đến bốn triệu ngày công. Chúng tôi đang tích cực liên hệ với các doanh nghiệp, các địa phương… Đây cũng là cơ hội để người lao động kiếm được việc làm”, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai thông tin thêm.
Theo quy định, những người cách ly tập trung phải trả phí ăn, ở, phí sinh hoạt với 120 nghìn đồng/ngày/người. Thời gian cách ly tập trung 14 ngày, như vậy mỗi người sẽ phải chi trả hơn 1,6 triệu đồng, chưa kể nhiều gia đình có hai đến ba người cùng về quê. Trong khi đó, với nhiều người lao động hồi hương, đây là số tiền không hề nhỏ và cũng gần kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần sau lộ trình hàng trăm cây số để về quê.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã chủ động trích ngân sách, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ miễn phí số tiền phí này, xem như một cách giúp bà con yên tâm trong những ngày về quê và phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: “Có trực tiếp chứng kiến người lao động tại các điểm chốt làm thủ tục khai báo y tế để vào địa phương mới cảm thông được nỗi cơ cực; mới thấy hết được sự cùng khó bởi bà con gần như kiệt quệ về tài chính lẫn tinh thần khi quyết định quay về. Bởi vậy, làm mọi cách có thể để giúp người dân vượt qua khó khăn; ổn định lại cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài là trách nhiệm của địa phương”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cũng khẳng định: “Quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là đặc biệt quan tâm hỗ trợ về mọi mặt, nỗ lực hết mình nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giúp người dân trở về sớm ổn định cuộc sống tại quê nhà…”.
Trong những ngày qua, sau khi đã ổn định tình hình và từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, nhiều tỉnh, thành phố phía nam đã bắt đầu có sự liên hệ kêu gọi người lao động các địa phương quay trở lại làm việc. Nắm bắt thông tin này, các địa phương ở Tây Nguyên cũng đang chỉ đạo ngành lao động - thương binh và xã hội tích cực liên hệ với các tỉnh tìm hiểu, nắm bắt thông tin để có bước đi phù hợp giúp người lao động…
HV (Theo nguồn tin từ Nhân dân điện tử)
Ý kiến bạn đọc