Huyện Bù Đốp sẽ đón nhận Quyết định xếp hạng di tích quốc gia
Thứ ba - 21/12/2021 04:043990
Di tích Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp (16/3/1978) là một trong những địa điểm ghi dấu tội ác dã man của chế độ diệt chủng Pôl Pốt trên lãnh thổ Việt Nam, là bản cáo trạng góp phần chứng minh chế độ Pôl Pốt là chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.
Nhằm tuyên truyền, quảng bá đến Nhân dân trong và ngoài tỉnh về giá trị lịch sử của di tích, nâng cao ý thức của Nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp 16/3/1978 nói riêng và di tích của tỉnh Bình Phước nói chung. Ngày 29/12/2021, huyện Bù Đốp sẽ vinh dự được đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp ngày 16/3/2021. Chiều ngày 15/3/1978, nhận được tin của trinh sát báo quân Pôl Pốt chuẩn bị bao vây tấn công vào khu vực Bù Đốp theo hướng cầu Hoàng Diệu và Đồn biên phòng 789, Ban Chỉ huy tiền phương điều lực lượng khoảng một tiểu đoàn thuộc Tiểu đoàn 208 và Tiểu đoàn Phú Lợi đang đóng quân tại khu vực biên giới lên chi viện cho Đồn 789. Đồng thời, trước đó, ta phán đoán địch tấn công ở phía cánh đồng Sa Rây nên bố trí chốt canh tại đây. Tuy nhiên, quân Pôl Pốt không đánh vào các hướng ta dự đoán. Mục tiêu của chúng là tàn sát người dân, chứ không phải lực lượng vũ trang nên khi được phản động thám báo chỉ điểm, chúng đã tránh được các chốt bảo vệ của du kích thôn, dân quân xã và bộ đội. Đêm ngày 15/3/1978, chúng tung một trung đoàn luồn sâu, bất ngờ xâm nhập tấn công theo hai hướng, một hướng đánh vào thôn Xa Trạch, xã Hưng Phước theo hướng ngã ba Xa Trạch và một hướng đánh vào thôn 6, xã Thiện Hưng theo hướng khu Vườn Mít.
Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 16/3/1978, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Yến được du kích bảo vệ đi bộ ra chợ Thiện Hưng để đón xe đò về Phòng Giáo dục huyện Phước Long họp chuyên môn, bất ngờ đụng độ quân Pôl Pốt, chúng đã nổ súng giết hại, sau đó bắt đầu tràn vào thôn. Do tấn công vào ban đêm nên người dân bị bất ngờ, không kịp sơ tán mà chỉ kịp chạy xuống hầm trú ẩn.Đi tới đâu, chúng chém giết, đốt phá, tàn sát từ người già đến trẻ nhỏ, thực hiện chỉ thị của chế độ diệt chủng Pôl Pốt đối với việc giết người là “Không được làm phí đạn dược”. Do đó, chúng đốt từng nhà để người dân chạy ra rồi dùng cuốc, xẻng, xà gạc, báng súng đánh, chém chết, ném xác vào nhà đang cháy hoặc thả xuống giếng; đàn ông bị cắt cổ, đập đầu, mổ bụng. Thân hình trẻ nhỏ bị băm nát, bị xé thành hai hoặc đập đầu vào gốc cây. Phụ nữ bị chúng hãm hiếp, xẻo ngực, dùng cành cây đâm thẳng vào cửa mình cho đến chết. Những người chạy trốn chúng sử dụng súng bắn theo. Những gia đình trú ẩn dưới hầm bị chúng đâm bằng lưỡi lê, dùng súng bắn hoặc ném lựu đạn nhằm không cho một ai sống sót. Các chiến sĩ du kích và dân quân xã đã chiến đấu anh dũng nhưng do không tương quan về lực lượng nên đã anh dũng hy sinh.
Sau khi thực hiện thảm sát, quân Pôl Pốt đã chia thành các hướng rút lui vào rừng. Một trong số đó bị lực lượng bộ đội biên phòng Đồn 707 (Đồn 793 hiện nay) bao vây tại cánh đồng Sa Rây, “tiêu diệt được 29 tên, thu 06 khẩu súng, buộc lực lượng còn lại phải bỏ chạy”. Số lính này bị du kích và lực lượng vũ trang Huyện đội Phước Long chặn đánh. Đồng thời, lực lượng thuộc Tiểu đoàn 208 và Tiểu đoàn Phú Lợi đang chi viện cho Đồn 789 quay xuống truy quét. Đến 10 giờ sáng ngày 16/3/1978, Trung đoàn Bộ binh 88, Quân khu 7 điều lực lượng lên tăng viện, buộc địch phải rút về bên kia biên giới. Trong thời gian 4 tiếng, từ 3 giờ đến 7 giờ sáng ngày 16/3/1978, quân Pôl Pốt đã dìm khu vực thôn Xa Trạch và thôn 6 vào biển lửa và máu, “đã có 247 người bị giết hại, nhiều người dân bị chúng bắt đi thủ tiêu không còn thấy xác, đến nay không biết tung tích, hàng trăm ngôi nhà và khoảng 14 tấn lương thực bị thiêu rụi, biến nhiều làng, phum sóc thành tro bụi…”.
Sự kiện thảm sát tại tỉnh Sông Bé (ngày 16/3/1978), các huyện Tân Biên, Bến Cầu thuộc tỉnh Tây Ninh (tháng 9/1977), thảm sát Ba Chúc, tỉnh An Giang (tháng 4/1978)…và các hoạt động xâm phạm lãnh thổ, giết hại người dân tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam Việt Nam từ năm 1975 đến cuối năm 1978 đã cho thấy rõ bản chất của chế độ diệt chủng Pôl Pốt, từ đó, tạo nên chuyển biến trong định hướng và hành động của Đảng trong việc chuyển thế trận từ phòng ngự, đối phó, ngăn chặn sang tiến công. Đồng thời, thực hiện nghĩa vụ quốc tế nhằm đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Campuchia. Bởi Đảng ta nhận định rằng, nếu không đánh đổ tận gốc tập đoàn phản động này thì không chỉ cách mạng Campuchia gặp tổn thất, mà an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta sẽ thường xuyên bị xâm phạm.
Tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công, tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam, đồng thời, sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôl Pốt. Cuộc tổng phản công - tiến công bắt đầu từ ngày 23 - 26/12/1978, quân dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôl Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiêu diệt quân Pôl Pốt đến tận sào huyệt, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, làm nên Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôl Pốt 07/01/1979, tạo đà giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia vào ngày 17/01/1979. Thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam khẳng định nhân dân Việt Nam sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Hiện nay, di tích là nơi lưu giữ tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện quân Pôl Pốt thảm sát nhân dân huyện Bù Đốp và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam, nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, lên án chiến tranh phi nghĩa; qua đó bồi đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Di tích Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp (16/3/1978) có các giá trị lịch sử: Thứ nhất, di tích là nơi ghi dấu nỗi đau và mất mát về sinh mạng, vật chất, tinh thần của nhân dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung do tội ác của chế độ diệt chủng Pôl Pốt gây ra trong chiến tranh Biên giới Tây Nam, để lại hậu quả nặng nề cho đến hiện nay. Di tích cũng là địa điểm để thờ cúng, tưởng niệm nạn nhân, là nơi để an ủi thân nhân của các nạn nhân trong sự kiện quân Pôl Pốt thảm sát ngày 16/3/1978 trên địa bàn huyện Bù Đốp và tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thứ hai, với việc thực hiện chiến dịch “giết sạch, đốt sạch, cướp sạch, phá sạch”, quân Pôl Pốt đã biến các làng quê tại các tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam thành tro bụi, chìm trong biển máu và nước mắt. Trong đó, di tích Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp (16/3/1978) là một trong những địa điểm ghi dấu tội ác dã man của chế độ diệt chủng Pôl Pốt trên lãnh thổ Việt Nam, là bản cáo trạng góp phần chứng minh chế độ Pôl Pốt là chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.
Thứ ba, di tích là nơi rút ra nhiều bài học đối với quân dân trên địa bàn biên giới nói riêng, quân dân Việt Nam nói chung về: Tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, thời cơ và thách thức; phân biệt rõ “đối tượng” và “đối tác”, không mơ hồ, mất cảnh giác, không để bị động bất ngờ trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, mọi thời điểm với mọi đối tượng; tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, hiện nay, di tích là nơi lưu giữ tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện quân Pôl Pốt thảm sát nhân dân huyện Bù Đốp ngày 16/3/1978, giúp cho nhân dân, du khách tìm hiểu, nghiên cứu về sự kiện thảm sát và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam, nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, lên án chiến tranh phi nghĩa; qua đó bồi đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Để tưởng niệm các nạn nhân do quân Pôl Pốt thảm sát ngày 16/3/1978, vào năm 1980, một miếu thờ nhỏ đã được nhân dân thôn Xa Trạch xây dựng tại địa điểm có nhiều nạn nhân được chôn cất. Miếu thờ thường xuyên được nhân dân tu bổ, bảo vệ, chăm sóc và tổ chức dâng hương tưởng niệm các nạn nhân vào ngày 16/3 hàng năm.
Năm 2012, di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước ban hành kèm theo Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Từ năm 2017 đến giữa năm 2018, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đốp đã tổ chức thực hiện khảo sát, gặpgỡ nhân chứng, thu thập tài liệu về sự kiện thảm sát ngày 16/3/1978. Kết quả,“đã gặp gỡ được trên 40 cá nhân (gồm nhân chứng, thân nhân gia đình, nạn nhân còn sống sót và các đồng chí trong lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu) hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Bù Đốp, thị xã Phước Long và làm việc với 06 cơ quan, đơn vị liên quan, thu thập được 47 hình ảnh, 23 hiện vật liên quan đến sự kiện do thân nhân gia đình và Bảo tàng tỉnh cung cấp”. Việc xác định danh tính nạn nhân và sưu tầm tư liệu, hình ảnh, di vật liên quan đến sự kiện thảm sát để thực hiện công tác trưng bày, giới thiệu gặp nhiều khó khăn, là do: Sau khi miền Nam giải phóng, thôn Xa Trạch, xã Hưng Phước và thôn 6, xã Thiện Hưng là khu vực tập trung số lượng lớn gia đình di cư từ Thành phố Hồ Chí Minh đến sinh sống theo chính sách kinh tế mới. Năm 1978, việc kiểm soát dân cư tại khu vực này chưa được thực hiện đồng bộ nên chính quyền địa phương không có đầy đủ danh sách dân cư tại đây; thời điểm xảy ra sự kiện thảm sát, quân Pôl Pốt bắt nhiều người mang đi sát hại nơi khác, thi thể các nạn nhân rải rác khắp nơi, hầu hết không còn nguyên vẹn nên không nhận dạng được; sau sự kiện thảm sát, phần lớn các gia đình di tản về quê hoặc đến nơi khác sinh sống; đồng thời, sự kiện đã qua hơn 43 năm, những người trực tiếp tham gia chiến đấu và chứng kiến hiện không còn nhiều và tuổi cao, già yếu. Cho đến hiện nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đốp vẫn tiếp tục quá trình thu thập thêm thông tin và đã xác định được 106/247 danh tính nạn nhân cùng thông tin của một số gia đình nạn nhân khác. Năm 2018, Huyện ủy và UBND huyện Bù Đốp đã đầu tư xây dựng khu tưởng niệm tại di tích gồm các công trình: Nhà bia tưởng niệm, Nhà trưng bày hiện vật, cổng, hàng rào và vẫn giữ lại Miếu thờ.... Trong đó, Nhà bia tưởng niệm nạn nhân trong sự kiện thảm sát ngày 16/3/1978 và Nhà trưng bày hiện vật trưng bày các hình ảnh, tư liệu về sự kiện thảm sát và những hoạt động liên quan trong chiến tranh Biên giới Tây Nam nhằm lưu giữ và phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của nhân dân và du khách.
Sau khi khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 3/2019, UBND huyện Bù Đốp đã bàn giao công trình khu tưởng niệm cho UBND xã Phước Thiện quản lý, bảo vệ. Tổ quản lý di tích cấp xã đã được thành lập, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích, đồng thời UBND xã cũng đã phát động phong trào trong Đoàn thanh niên xã định kỳ đến vệ sinh tạo cảnh quan thẩm mỹ tại khuôn viên di tích.Đến năm 2020, di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành tại Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 14/02/2020. Ngày 13/3/2020, di tích Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp (16/3/1978) được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 495/QĐ-UBND.
Địa điểm thảm sát ở Bù Đốp (16/3/1978) xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3246/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020.