Luật Căn cước hướng đến Chuyển đổi Số, phục vụ tốt hơn cho người dân

Thứ tư - 06/12/2023 20:16 91 0
Có hiệu lực từ 1/7/2024, Luật Căn cước với nhiều quy định cụ thể về căn cước, định danh điện tử... hướng tới Chính phủ Số, nền Kinh tế Số, Xã hội Số và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
 
 
BĐ
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Căn cước, ngày 25/10/2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Căn cước, đổi tên thẻ căn cước công dân thành "thẻ căn cước."

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Luật với nhiều quy định cụ thể về căn cước, định danh điện tử cho công dân... giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ Số, nền Kinh tế Số, Xã hội Số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân

Về lý do sửa tên luật thành Luật Căn cước, theo Bộ Công an (cơ quan soạn thảo Dự án Luật), sự chỉnh lý này phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới, bởi một số quốc gia trên thế giới cũng có cách gọi tên ngắn gọn là căn cước mà không cần thêm từ công dân.

Cùng với đó sự điều chỉnh này còn tạo nhằm điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam trong việc quản lý dân cư, mở rộng đối tượng cho các trường hợp "Công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch."

Bộ Công an cho biết việc sử dụng tên của Luật là "Luật Căn cước" bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại Dự án Luật lần này.

Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác; đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Việc lược bỏ cụm từ "công dân" trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.

BĐ
Nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) quét mã QR trên căn cước công dân của bệnh nhân. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Nội dung Luật Căn cước đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Việc đổi tên Luật Căn cước Công dân thành Luật Căn cước được xây dựng còn dựa trên cơ sở có bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta, đến nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ vấn đề này.

Hiện nay mới nắm sơ bộ có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, trong đó có gần 800 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch, hơn 11.000 trường hợp không xác định được quốc tịch.

Thực tế gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với những trường hợp này, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự.

Khi cho ý kiến về Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Luật Căn cước sẽ giúp "không ai bị bỏ lại phía sau." Do đó, mục tiêu, ý nghĩa bảo vệ quyền lợi nhân dân của việc này là rất lớn.

Về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt đang cư trú tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng họ phải được xã hội thừa nhận, có quyền giao dịch trong xã hội.

Tên Luật Căn cước đã chính xác và bao hàm hơn so với tên gọi cũ. Sửa tên Luật Căn cước để phạm vi đối tượng mở rộng hơn, phục vụ tốt việc quản lý xã hội.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Cơ sở Dữ liệu Căn cước và tiện ích của thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử; nhất là trong việc xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư; giảm chi phí trong thực hiện công tác chuyển đổi số; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người dân tham gia được các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.

An toàn, bảo mật và tích hợp thông tin

Trên thực tế, với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, thẻ căn cước gắn chip điện tử của Việt Nam ra đời cùng với việc định danh điện tử không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh, an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao.

Việc người dân sử dụng thẻ căn cước gắn chip có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí khi công chứng các loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Chip gắn trên thẻ căn cước có mức độ an toàn, bảo mật rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chip nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ là không thể thay đổi, hạn chế tối đa giả mạo.

Đặc biệt, chip điện tử này không có khả năng định vị, thông tin lưu trữ trên chip cần phải có công cụ chuyên dụng để đọc và thông tin được mã hóa.
 

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: "Việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử và QR code, căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an cũng như bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể làm việc này; đồng thời, chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân - những người sử dụng thẻ không bị theo dõi bởi bất cứ cơ quan nào."

Bên cạnh đó, so với Luật Căn cước Công dân 2014, thông tin về quê quán, vân tay đã được lược bỏ, không cần thể hiện trên thẻ căn cước. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư.

Theo cơ quan soạn thảo Luật, việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin quê quán để đảm bảo tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin.

BĐ
Tiếp nhận, làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Sự ưu việt của thẻ căn cước mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân trên thẻ hơn so với căn cước công dân mã vạch trước đây.

Người dân khi đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân gắn chip. Đây chính là nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước ta trên hành trình xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư - "trái tim" của Chuyển đổi Số.

Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp-Bộ Công an, cho biết hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau gây khó khăn nhất định trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, không phù hợp với xu hướng Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động xã hội; thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin, gây khó khăn trong thực hiện Chuyển đổi Số Quốc gia...

Những hạn chế đó được khắc phục trong Luật Căn cước, cụ thể như: Bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của công dân liên quan đến căn cước điện tử đầy đủ, chặt chẽ hơn…

Luật Căn cước được thông qua giúp giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ hiệu quả cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sau khi Luật Căn cước được Quốc hội thông qua, Điều 46 Luật Căn cước đã quy định các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng.

Cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Việc Quốc hội thông qua Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, thẻ căn cước vào công tác quản lý Nhà nước, phù hợp với xu hướng quản lý Xã hội Số./.

HV

Nguồn tin: (TTXVN/Vietnam+)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây