Vì sao cán bộ không từ chức?

Thứ hai - 22/11/2021 18:27 628 0
Tại sao chúng ta chưa có văn hóa từ chức, số trường hợp cán bộ tự nguyện từ chức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đâu là nguyên nhân?

Sự trói buộc tâm lý

 Có nhiều lý do khiến cán bộ không từ chức, khó từ chức và không dám từ chức. Theo khảo sát (điều tra xã hội học) của nhóm phóng viên đối với đội ngũ cán bộ ở 11 xã thuộc địa bàn các tỉnh Tây Bắc và 6 xã thuộc địa bàn hai tỉnh Tây Nguyên, khi đưa ra những lý do thường nhắc tới khiến cán bộ không từ chức, thì kết quả thu về được xếp theo thứ tự: 1. Chức vụ mang lại quyền lực và lợi ích kinh tế cho cán bộ nên không thể từ chức; 2. Sự tác động, ảnh hưởng và sức ép từ người thân khiến cán bộ khó từ chức; 3. Cán bộ sợ chịu điều tiếng, bị ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự...

Trong đó, lý do thứ hai chiếm hơn 78%, lý do thứ ba chiếm hơn 60%. Lý giải về điều này, chính đội ngũ cán bộ được khảo sát cho rằng: Do từ chức là yếu tố văn hóa, là hành vi, hành động tự giác của cá nhân nên chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố tâm lý; nhất là tâm lý gia đình, cộng đồng. Có người vốn rất tử tế, quân tử, muốn từ chức vì sự tiến bộ của thế hệ kế cận, kế tiếp, nhưng vì gia đình can ngăn nên đành phải dừng lại.

Đặc biệt, cán bộ thường bị chi phối rất lớn bởi dư luận và tin đồn xã hội. Bất cần biết cán bộ từ chức vì lý do gì, khi nghe có cán bộ từ chức thì dư luận đã đàm tiếu rằng phía sau đó chắc chắn có vấn đề. Nhiều nghi hoặc, nghi vấn được đặt ra: Chắc tay đó từ chức để trốn tránh trách nhiệm, từ chức vì vấn đề sức khỏe, vì "dính chàm" nên buộc phải từ quan...

Bài 2: Vì sao cán bộ không từ chức?
Ảnh minh họa: luatvietnam.vn 

Xin không bàn về tính đúng, sai trong câu chuyện từ chức, chỉ khẳng định rằng: Người dám từ chức đã là những người biết tự trọng, có liêm sỉ. Và đáng ra, khi mà toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân đang mong mỏi xây dựng văn hóa từ chức, thì những cá nhân tự nguyện viết đơn từ quan rất đáng được nhìn nhận đúng đắn, thậm chí phải dành sự trân trọng theo một nghĩa nào đó.

Hơn thế, những cán bộ có chức, có quyền còn chịu áp lực từ người thân, dòng họ, gia đình trước quyết định từ chức hay không từ chức của mình. Với tâm lý muôn năm cũ là “một người làm quan, cả họ được nhờ”, thì anh cán bộ nào đó khi phát triển lên làm lãnh đạo, giữ chức “quan to” mà không hướng về quê hương, không làm được “điều tử tế” cho làng nước, dòng họ thì chắc chắn sẽ bị gièm pha, điều tiếng.

Tâm lý ấy trói buộc cán bộ vào một chiếc vòng kim cô của sự luẩn quẩn trong cách nghĩ, họ phải gắn kết lợi ích chặt chẽ với gia đình, dòng họ, quê hương. Và rồi khi họ muốn từ quan thì những người được hưởng lợi, ăn theo ấy cũng đương nhiên gây áp lực rất lớn, để rồi phương án cuối cùng không thể do cán bộ tự quyết định.

Đặc biệt là tâm lý, cách nghĩ “đi làm chính trị để thoát nghèo”, “làm quan để thu gặt vinh quang, giàu có”... vốn được kết tụ từ bao đời ở một đất nước phong kiến đã và đang chi phối rất lớn đến việc từ chức của cán bộ. Nếu một cán bộ nào đó đã dành nhiều năm theo đuổi con đường chính trị, đã đánh đổi nhiều thứ để có được công danh, thì đến nay họ không thể hoặc khó có thể buông bỏ vị trí công tác của mình.

Thực tế cho thấy, khi con lớn lên, dù biết chắc đồng lương cán bộ công chức chỉ “ba cọc ba đồng”, nhưng các ông bố, bà mẹ vẫn “thừa sống, thiếu chết” lo cho con một suất biên chế nhà nước với kỳ vọng sau này sẽ thăng tiến, phát tài. Họ xem đó là con đường tốt nhất và duy nhất để tiến thân và làm kinh tế. Thành thử, việc từ chức của con cái khi đã trưởng thành là không hề đơn giản. Đó không chỉ là cuộc đấu tranh tâm lý quyết liệt trong nội tại, mà là cuộc thắng-thua giữa "được-mất", "giàu-nghèo", "sướng-khổ" của không chỉ một đời người, mà là của cả những người thân thích, máu thịt.

Từ những lý do nêu trên mà môi trường xã hội rộng lớn vô hình trung không tạo ra các yếu tố, điều kiện thuận lợi cho việc từ chức của cán bộ. Bởi vậy, muốn có văn hóa từ chức trong đội ngũ công bộc, rất cần người dân phải thay đổi tư duy, cùng chung tay xóa bỏ tâm lý cũ kỹ, vốn mang nhiều mầm mống của tiêu cực, lạc hậu.

Khi chức vụ là “hàng hóa”

 Trong nhiều thập kỷ qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp vẫn tích cực tìm các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, tìm mọi cách kiểm soát quyền lực; xem đó là một trong những giải pháp quan trọng để mở ra cánh cổng của từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ.

Theo TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quản trị, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thì hai vấn đề này có mối quan hệ biện chứng, nếu kiểm soát tốt quyền lực, chống được chạy chức, chạy quyền hiệu quả thì việc từ chức sẽ dễ dàng thực hiện hơn đối với cán bộ và công tác miễn nhiệm cũng thuận lợi hơn vì có nhiều cơ sở, căn cứ thu thập được trong quá trình kiểm soát quyền lực.

Trên thực tế, Đảng ta quyết tâm chống chạy chức, chạy quyền vì có nhiều thời điểm vấn nạn này diễn ra phổ biến. Trong khi đó, nếu một khi cán bộ tiến thân, nắm giữ được "chiếc ghế" mà do chạy chọt, xin xỏ, mua chức mà có, thì chắc chắn chẳng bao giờ họ tự giác từ chức. Với họ “chiếc ghế quyền lực” chẳng khác gì một loại hàng hóa đặc biệt. Nó được mua bằng tiền và sản sinh ra lợi nhuận kinh tế là số lượng tiền thu được nhiều hơn mức đầu tư ban đầu. Và hiển nhiên, họ đã "mua ghế" thì ắt hẳn đến lúc sắp hết nhiệm kỳ họ sẽ tiếp tục tìm mọi cách để "giữ ghế", hoặc lại "mua ghế" cao hơn.

Cũng bởi thế mới có chuyện “đầu cơ chính trị”, đầu tư để "mua ghế". Có nghĩa rằng, chỉ cần thông qua các mối quan hệ và các giao dịch, hoạt động vận động hành lang để mua chức quyền, đến khi đã trở thành “chủ sở hữu”, được một hoặc vài nhiệm kỳ thì nguồn thu lại sẽ cao hơn. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ cấp xã, cấp huyện..., trước khi lên cán bộ chủ trì thì kinh tế khiêm tốn, thậm chí còn khó khăn, nhưng cáng đáng vị trí quan trọng một thời gian thì có sự biến đổi chóng mặt, bất thường.

Nói như vậy không hẳn quy chụp công tác cán bộ là hoàn toàn yếu kém, mà đó là câu chuyện có thật về một góc khuất của công tác cán bộ đã, đang diễn ra và hiện chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi triệt để.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”.

Trên tinh thần đó, Trung ương nhất quán khẳng định tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền; coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ và là cha đẻ của tệ tham quyền, cố vị, tìm mọi cách giữ chức, lạm quyền, trục lợi. Nói cách khác, tệ chạy chức, chạy quyền chính là một loại virus ăn mòn tinh thần tự giác từ chức của cán bộ và gặm nhấm, hạ bệ các giá trị văn hóa từ chức ở Việt Nam.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, muốn có cán bộ từ chức, ắt phải có cán bộ năng lực thực thụ, họ phát triển lên các vị trí một cách xứng đáng, do chính trình độ, năng lực vốn có của mình, được tập thể tín nhiệm, tiến cử, thì cũng chính cán bộ đó mới dám từ chức vì lợi ích chung, vì thế hệ kế cận, kế tiếp, vì tương lai phát triển của cơ quan, đơn vị. Cũng theo nghĩa đó, nếu không dẹp được nạn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ thì chắc chắn câu chuyện từ chức chỉ là chuyện đơn lẻ, hiếm gặp như thời gian qua.

Theo nhiều chuyên gia xây dựng Đảng, để xuất hiện tình trạng “giữ ghế”, có lẽ là việc trao quyền và kiểm soát quyền lực của cán bộ ở nước ta chưa thật đồng bộ và còn không ít bất cập. Quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho cán bộ là quá lớn, trong khi công tác giám sát quyền lực lại là một lỗ hổng mà bao năm quyết tâm bịt lại vẫn chưa thể hoàn thiện. Cán bộ khi được trao quyền thì quên rằng đó là quyền lực được phó thác, nghĩ nó là của mình, do mình tạo ra nên mặc sức sử dụng quyền lực một cách vô nguyên tắc.

Thông tin từ Ban Nội chính Trung ương: Từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2020, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã thu hồi được hơn 18.239 tỷ đồng/hơn 33.429 tỷ đồng, đạt 55% tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 50.000 tỷ đồng. Như vậy số tiền mà những cá nhân lạm dụng "chiếc ghế quyền lực" để thu lợi là rất lớn.

 

HV

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân điện tử::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website như thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay3,623
  • Tháng hiện tại102,818
  • Tổng lượt truy cập1,617,019
Vcov
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
Chi đạo điều hành
hop tac VN-CPC
xay dung dang
90nam tuyen giao
TINHUY
fm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây