Thiếu tướng Võ Bẩm, người “khai sơn phá thạch” đường Trường Sơn

Thứ ba - 19/10/2021 10:11 547 0
Đường Trường Sơn là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Người “khai sơn phá thạch” con đường huyền thoại này là Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân Võ Bẩm.

 

bđ

 

bd

Lần đầu tiên tôi được gặp Thiếu tướng Võ Bẩm vào tháng 5 năm 1989 nhân kỷ niệm 30 năm Ngày mở đường Trường Sơn- Ngày truyền thống Bộ đội Đường Hồ Chí Minh Anh hùng. Lúc đó tôi được Ban tổ chức phân công đến đón ông tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Năm ây ông đã 74 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và rất minh mẫn. Trên xe ô tô từ nhà ông đến nơi diễn ra lễ kỷ niệm được tổ chức tại trụ sở Binh đoàn 12 lúc đó ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), ông hỏi tôi rất nhiều chuyện về Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn.

Lúc đưa ông về nhà, trong niềm xúc động vì được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tặng hoa và là người được nhắc nhiều nhất trong lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Võ Bẩm kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện ở chiến trường, đặc biệt là những ngày soi đường, mở lối đường Trường Sơn.Sau này, khi về Báo Quân đội nhân dân công tác, do tòa soạn ở gần nhà ông nên thỉnh thoảng tôi lại đi bộ đến gặp Thiếu tướng Võ Bẩm, nghe ông nói chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của ông và những chuyện một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Một buổi trưa trước khi lên đường mấy ngày, tôi vào Văn phòng Quân ủy Trung ương thì sững người khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện với Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Thấy tôi, Bác Hồ bảo: “Chú Bẩm đấy à, nghe nói chú vào Nam ra Bắc như thoi, vậy anh em chiến sĩ miền Nam thế nào, đồng bào dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn hay không, quan hệ giữa ta và nước bạn Lào ra sao?”. 

Tôi mở cặp ra dùng bản đồ báo cáo chi tiết tuyến Đông và Tây Trường Sơn, từng trục dùng cho xe đạp thồ, các cung đường giao liên… cho Bác Hồ nghe, Người bảo: “Các chú phải tận dụng “thiên thời địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn. Sắp tới phải đưa cả ô tô đi vào Nam. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn phòng khi tình hình ở Lào (Tây Trường Sơn) không thuận lợi”.

 
Trích Hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” của Thiếu tướng Võ Bẩm
bđ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng hoa Thiếu tướng Võ Bẩm nhân kỷ niệm 40 năm ngày mở đường Trường Sơn (19-5-1999). Ảnh tư liệu.

Thiếu tướng Võ Bẩm cho biết, tuổi thơ của ông gắn liền với nỗi đau cùng cực của người dân mất nước. Ông sinh năm 1915 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình Nho học yêu nước. Cha của ông là chí sĩ Võ Thạc - Phó soái chỉ huy cuộc khởi nghĩa Duy Tân tại Quảng Ngãi bị giặc Pháp bắt tra tấn đến chết. Anh trai ông là nhà cách mạng Võ Khoa từng học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên từ rất sớm và trở thành lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Ông Võ Khoa cũng bị thực dân bắt tù đày và mất sớm. Võ Bẩm được người mẹ nghèo goá bụa cho ăn học và do ảnh hưởng của người cha và người anh cũng sớm bí mật tham gia làm liên lạc, vận động thành lập các tổ chức cộng sản ở phía bắc Quảng Ngãi.

Tháng 8 năm 1934, khi tròn 19 tuổi, ông đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, được Đảng phân công giữ chức vụ bí thư chi bộ và năm 20 tuổi đã Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đầu năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án đày qua các nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột rồi bị “an trí’’ ở Ba Tơ. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được điều vào quân đội và giữ nhiều chức vụ từ chính trị viên tiểu đoàn đến chính ủy trung đoàn, rồi Phân khu trưởng kiêm Chính ủy Phân khu phụ trách Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Phân khu ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Kon Tum.

bđ
Tuyến đường Trường Sơn lịch sử/Ảnh tư liệu/TTXVN

Cuối năm 1953, ông được điều trở về Khu 5 làm Trưởng ban Tác chiến Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Tháng 4-1954, ông là Chính ủy Trung đoàn 803 trực thuộc Khu 5, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Bước chân của vị chỉ huy trẻ tuổi Võ Bẩm dọc ngang khắp các chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, tham gia nhiều trận đánh suốt kháng chiến chín năm chống Pháp.

Giữa năm 1955, ông được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đoàn 803 lên tàu tập kết ra Bắc. Đoàn tàu đã đưa cả Trung đoàn cập bến an toàn tại Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Sau đó ông nhận nhiệm vụ do đích thân Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh giao cho là đặc trách kiểm tra, giám sát các đơn vị quân đội từ miền Nam tập kết ra Bắc và quân tình nguyện từ Lào về nước. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được Bộ Quốc phòng rút về Bộ Tổng Tham mưu lần lượt đảm trách Phó cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Phó cục trưởng Cục Nông trường Quân đội trước khi nhận sứ mệnh chỉ huy đoàn công tác quân sự đặc biệt khai mở con đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

bđ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu
bđ
 
Bù Đốp
Đồng chí Võ Bẩm khi làm Đoàn trưởng Đoàn 559.
Ảnh Tư liệu

Thiếu tướng Võ Bẩm kể rằng: “Vào đầu tháng 5-1959, lúc đó tôi đang là ở Cục Nông trường Quân đội thì nhận được điện của cấp trên yêu cầu đến gặp Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh vốn là người rất thân thiết của tôi. Thế nhưng, khi đến gặp, nhìn cách thủ trưởng ân cần pha trà, từ tốn mời nước, tôi hiểu sẽ có chuyện rất hệ trọng.

Quả nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh nói: “Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Lực lượng này có thể gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt. Để giữ tuyệt đối bí mật, anh Vịnh yêu cầu tôi không được ghi chép mà buộc phải nhập tâm. Phương châm hoạt động được anh Vịnh nhắc đi nhắc lại là: Tuyệt đối bí mật. Việc lựa chọn người để thành lập đơn vị, anh Vịnh cho tôi quyết định nhưng nhất thiết chỉ chọn trong những anh em miền Nam tập kết ra Bắc. Vũ khí mang theo trước mắt cũng chỉ chọn các loại vũ khí chiến lợi phẩm ta thu được của địch. Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh vỗ vai tôi: “Thôi, giao anh một mình làm sao cho nên sự nghiệp thì làm. Đừng quên sau lưng các anh là cả hậu phương miền Bắc”.
 

Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sau này đã qua 4 lần thay đổi Tư lệnh. Thiếu tướng Võ Bẩm là một trong những người đặt nền móng cho việc hình thành một binh đoàn vận tải chi viện chiến lược mà chiến công vang dội của nó đã đi vào lịch sử. 

TS. NGUYỄN TRUNG NGHĨA

Sau này, đọc trong hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2006), tôi thấy Thiếu tướng Võ Bẩm nói rõ đó là ngày 5-5-1959 “Và dường như sợ tôi không ý thức hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, Thứ trưởng Vịnh nhắc lại: “Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị, là việc lớn rất khó khăn và tuyệt mật. Bộ Chính trị chỉ cho phép chuyển vũ khí, bộ đội từ miền Bắc đến bờ sông Bến Hải nơi vĩ tuyến 17 cắt ngang (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Còn sang đến bờ bên kia sông (Gio Linh, Quảng Trị), các anh tập trung mở đường và tổ chức vận chuyển”.

Theo Thiếu tướng Võ Bẩm, vào đúng kỷ niệm 69 năm Ngày sinh nhật Bác (ngày 19-5-1959), Bộ Quốc Phòng đã chính thức giao nhiệm vụ ban đầu cho ông là mở đường Trường Sơn, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp 7.000 súng bộ binh và 500 bộ đội vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Cũng trong ngày hôm đó, ông nhận được Quyết định số 46/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Đoàn 559 (phiên hiệu của đoàn công tác quân sự đặc biệt) tương đương cấp sư đoàn trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy, với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại; vận chuyển và đảm bảo hậu cần cho Đoàn Chuyên gia 959 giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Kèm theo đó là Quyết định bổ nhiệm Thượng tá Võ Bẩm giữ chức vụ Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 559.

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam Việt Nam/ Ảnh tư liệu/TTXVN

Theo đề nghị của Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Võ Bẩm, chỉ vài ngày sau, cơ quan chỉ huy của Đoàn 559 đã hình thành. Người Đoàn phó được lựa chọn là đồng chí Nguyễn Thạnh. Đồng chí Nguyên Thạnh vừa đồng hương Quảng Ngãi lại vừa sát cánh cùng đồng chí Võ Bẩm trong thời kháng chiến chống Pháp ở Phú Yên .

Cũng ngay sau đó, Đoàn trưởng Võ Bẩm và Đoàn phó Nguyễn Thạnh đã trực tiếp đến các công trường, nông trường, đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc để tuyển người, chủ yếu là người miền Trung và miền Nam có sức khỏe tốt để thành lập Đoàn 301 vào đầu tháng 6-1959 làm nhiệm vụ mở đường và vận chuyển trực thuộc Đoàn 559.

bđ

Thời gian đầu, hàng hóa chủ yếu được gánh, gùi vượt đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

bđ

Thiếu tướng Võ Bẩm nhớ lại: “Ngày 9-6-1959, Ban Cán sự Đảng Đoàn 559 đã họp, hạ quyết tâm lãnh đạo đơn vị trong thời gian ngắn phải xây dựng bằng được tuyến giao liên để đưa người, vũ khí và thuốc men vào miền Nam. “ Cuộc họp kết thúc, tôi điện ngay cho Ban chỉ huy Đoàn 301, phát lệnh "cấm trại", tổ chức cấp phát bổ sung quân trang, vũ khí trang bị, chuẩn bị lên đường vào Trường Sơn. Trưa hôm sau (ngày 10 -6) tôi cùng Đoàn phó Nguyễn Thạnh lên Đoàn 301 lúc này đóng quân tại Phù Lỗ. Sáng hôm sau, tại hội trường của Đoàn 301, trong bầu không khí vừa nghiêm túc, thân tình và phấn chấn cao độ, tôi thân tình hỏi anh em:

- Chúng ta đã được lệnh lên đường. Còn ai vương vấn gì nữa không?

Cả hội trường ào lên: Đi thôi, đi thôi. Không vướng mắc gì cả.

Tôi cảm ơn anh em, rồi đọc lệnh hành quân của cấp trên và xúc động truyền đạt lại lời dặn dò của Bác Hồ: Các chú đi làm nhiệm vụ đặc biệt này phải đảm bảo tuyệt mật; luôn luôn nhớ là "sống để dạ, chết mang theo”- Thiếu tướng Võ Bẩm nhớ lại.

bđ
Tuyến đường Trường Sơn trở thành huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến Miền Nam, nối dài ý chí, khát vọng của dân tộc. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Sau khi đưa Đoàn 301 đến tập kết tại doanh trại của Sư đoàn 325 ở tây nam thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), Đoàn trưởng Võ Bẩm cùng Ban cán sự Đảng Đoàn 559 hội ý ngay với Tỉnh ủy Quảng Trị và Huyện ủy Hướng Hóa để chọn hướng tuyến vượt Trường Sơn bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ. Cuộc họp thống nhất quy định bộ đội phải cải dạng thành nhân dân, đúng hơn là "địa phương hóa" triệt để từ trang phục đến cách thức sinh hoạt. Nếu chẳng may bị địch bắt chỉ nhận là cán bộ nằm vùng để giữ bí mật tuyến giao liên. Sau cuộc họp này, Đặc khu Vĩnh Linh đã cung cấp cho Đoàn 559 hơn một nghìn bộ quần áo bà ba và hơn sáu trăm đôi dép cao su và gùi như bà con Vân Kiều vẫn dùng để thay ba lô. Hoàn tất các khâu chuẩn bị, ngày 26 - 6 -1959, Đoàn 301 hành quân vào tập kết tại Khe Hó, lấy danh nghĩa là công nhân khai thác gỗ (thợ sơn tràng) và công nhân nông trường, từ đó soi đường, mở tuyến vượt Trường Sơn”.

Theo hồi ức của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 thủa ấy, để bảo đảm nguyên tắc tuyệt đối bí mật, tuyến giao liên ban đầu của Đoàn 559 phải tránh xa các bản làng. Trong khi khảo sát mở đường, đoàn không đi theo những lối mòn thuận lợi sẵn có, mà phải tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn và khẩu hiệu hành động mà cán bộ, chiến sĩ trong đoàn thời đó ai cũng phải thuộc là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Để có thể “đi không dấu”, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã cử người đi cuối cùng trong tốp giao liên, chuyển hàng xóa dấu vết hoặc đi men suối. Cũng có những nơi phải trải nilon để người bước chân vào, sau đó thu nilon cho vào ba lô đi tiếp. Đi đường xa, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 thường mang lương khô hoặc cơm nắm. Nếu bất đắc dĩ phải nấu ăn thì cán bộ, chiến sĩ phải dùng bếp Hoàng Cầm, ngụy trang khói và sau khi nấu ăn xong cũng phải xóa dấu vết ngay. Còn để “nói không tiếng”, trong những trường hợp cần thiết phải dùng ám hiệu.

Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức băng rừng lội suối, vượt Trường Sơn theo phương thức tuyệt đối bí mật. Sau 8 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã bàn giao hàng hóa (chủ yếu là vũ khí) cho Khu 5. Đến cuối năm 1959, Đoàn 559 đã mang vác, chuyển cho Khu 5 và Mặt trận Trị-Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng vạn viên đạn, hàng nghìn quân cụ thiết yếu, đồng thời đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường.

 

bđ
Xe vận tải vượt đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

Theo tướng Võ Bẩm, trải qua 18 tháng đầu tiên với gần hai mùa khô và một mùa mưa Trường Sơn, Đoàn 559 đã thiết lập được tuyến giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm cây số qua những vùng địa hình vô cùng hiểm trở và bị kẻ thù đánh phá ác liệt.

So với yêu cầu của chiến trường, giai đoạn đầu Đoàn 559 còn vận tải quá ít, nhưng đó là bệ phóng quan trọng cho việc hình thành hệ thống đường chiến lược Trường Sơn lớn mạnh về sau. Đến cuối năm 1962, sau ba năm mở đường, hội nghị mừng công của Đoàn 559 lần đầu được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Các đại biểu vui mừng được đón Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tới dự và phát biểu rằng; “Trung ương đánh giá cao chiến công, sự hy sinh của Đoàn 559, đáng được nêu gương cho toàn quân học tập, nhưng tình hình trong nước và thế giới bấy giờ chưa có lợi cho việc tuyên truyền”. Thiếu tướng Võ Bẩm tâm sự: “Nghe anh Văn nói điều này, tôi và anh em đều cảm phục tầm nhìn cũng như tình cảm của anh dành cho những người lính của mình”.

bđ

Đoàn 559 vận chuyển bằng xe cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Có sự trùng hợp khá thú vị của lịch sử, người đầu tiên đứng ra tổ chức xây dựng lực lượng của tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên đất liền cũng chính là người đầu tiên tổ chức lực lượng cho Đường Hồ Chí Minh trên biển. Người đó là Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Bẩm.
bđ

Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm đã có sự phát triển vượt bậc như kỳ tích của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Ngoài tuyến đường tây Trường Sơn đặc biệt quan trọng, Đoàn 559, còn mở thêm một số tuyến đường mới như một số đoạn của tuyến giao liên tây Trường Sơn phát triển thành đường 16 - một tuyến trục ngang; đường 129 dài gần 200km, từ Lằng Khằng (đường số 12) băng qua nhiều cánh rừng, sông suối như sông Sê Băng Hiêng, Sê Băng Phai... vào đến Pác Pha Năng, nối thông với đường 9 ở Mường Phìn, Lào.

Những năm sau này, nhiều tuyến đường khác còn được mở hoặc sửa chữa, nâng cấp. Từ đơn thuần là đường gùi, thồ nội địa và dọc biên giới, Đoàn đã được trang bị 6 xe Gát 69, 2 xe Gát 51, 16 xe Gát 63 và hơn 600 xe đạp thồ... Lực lượng vận chuyển không chỉ phòng tránh địch đánh phá, mà còn được trang bị vũ khí để “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Đồng thời, từ chỗ phải “giấu dân”, Đoàn đã tiến tới tranh thủ và gây dựng cơ sở trong nhân dân. Đặc biệt, ta còn dùng cả máy bay vận chuyển vũ khí đến sân bay Tà Khống (cách Sê Pôn khoảng 5km), hoặc thả dù gạo xuống đường 129 mới mở.

Bảy năm trên tuyến xông pha
Mở ra huyền thoại bài ca kết thành
Tấm gương toả khắp rừng xanh
Thiếu tướng Võ Bẩm sáng danh Anh hùng.

Thiếu tướng Hoàng Kiền

Trước sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Mỹ ngụy đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt: hàng trăm lượt máy bay B52, hàng ngàn lượt máy bay phản lực ném bom, rải chất độc hóa học đã được huy động. Trước tình hình đó, năm 1965, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường tổ chức và nhiệm vụ của Đoàn 559 tương đương cấp quân khu. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được điều vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559; đồng chí Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh Đoàn 559. Cũng trong năm đó, Bộ Chính trị quyết định mở đường 20 Quyết Thắng, xuất phát từ Phong Nha (Quảng Bình) vượt qua dốc U Bò, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phù La Nhích sang đến Lùm Bùm (tây Trường Sơn, thuộc địa phận nước bạn Lào). Phó tư lệnh Võ Bẩm đã trực tiếp trình bày phương án chọn tuyến cũng như giải pháp thi công với đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Bí thư Thứ nhất nhất trí cao.

 

bđ

Đoàn xe vận tải quân đội 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Năm 1966, đồng chí Võ Bẩm được lệnh rút ra Hà Nội để chữa bệnh vì những năm tháng lăn lộn trên đường Trường Sơn đã khiến sức khỏe đồng chí suy giảm. Sau khi chữa bệnh, đồng chí được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Chính ủy Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung - Hạ Lào, sau đó làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tổng tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu, Trưởng ban căn cứ Bộ Quốc phòng. Tháng 8-1971, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra quân đội, sau đó được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Năm 2009, Thiếu tướng Võ Bẩm rời xa cõi tạm ở tuổi 94. Điều tiếc nuối là người Anh hùng đã ra đi ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và thành lập Đoàn 559. Ông sẽ mãi là một phần không thể thiếu của đường Trường Sơn bất tử.

bđ
Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tặng gia đình Thiếu tướng Võ Bẩm bức tranh quý về Đường Trường Sơn. Ảnh Hội Trường Sơn

 

bđ

 

Hình ảnh mở đường Trường Sơn năm xưa.
 

Nội dung: ĐỖ PHÚ THỌ
Ảnh: TƯ LIỆU
Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC.

HV (theo nguồn tin từ Quân đội Nhân dân)




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây