Tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Hải quân Mỹ có gì đặc biệt?

Thứ ba - 05/10/2021 08:48 572 0
Tàu đổ bộ đệm khí LCAC được trang bị cho lực lượng đổ bộ của Hải quân Mỹ từ giữa những năm 1980 và đã chứng tỏ hiệu quả trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng đã trở nên lạc hậu, do đó kế hoạch thay thế dần được thực hiện.

Hải quân Mỹ đang tăng cường phát triển lực lượng thuỷ quân lục chiến, với nhiều phương tiện đổ bộ. Một trong những loại vũ khí chính hiện nay là tàu đổ bộ đệm khí LCAC (Landing Craft Air Cushion), có khả năng vận chuyển binh sĩ, xe tăng và nhiều thiết bị, hàng hóa khác nhau. 

Quá trình phát triển

Việc nghiên cứu chế tạo tàu đổ bộ đệm khí được bắt đầu vào đầu những năm 1970 theo sáng kiến của Hải quân và Thuỷ quân Lục chiến Mỹ. Một số dự án sơ bộ về thiết bị này đã được phát triển bởi các tổ chức hàng hải và thương mại. Nguyên mẫu JEFF B do Bell Aerospace đã cho kết quả tốt nhất, với việc tích hợp giải pháp từ các dự án có sẵn và bổ sung thêm ý tưởng mới.

Trên cơ sở JEFF B, cuối những năm 1970, một phiên bản mới của tàu đổ bộ đã được phát triển, sau đó bắt đầu quá trình chế tạo và thử nghiệm các thiết bị. Con tàu mới được định danh là “Landing Craft Air Cushion” (LCAC). Sau quá trình thử nghiệm thành công, tàu đổ bộ đệm khí LCAC được đề nghị đưa vào trang bị.

Tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Hải quân Mỹ có gì đặc biệt?
 Tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Hải quân Mỹ tập trận năm 2011. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Đầu những năm 1980, mọi vấn đề kỹ thuật đã được giải quyết, Lầu Năm Góc sau đó cho phép thực hiện các hợp đồng sản xuất đầu tiên. Từ năm 1982-1986, kế hoạch đóng tàu được tiến hành ở quy mô nhỏ. Theo đó, công đoạn sản xuất ban đầu được giao cho 2 nhà thầu Textron Marine & Land Systems (TMLS) và Avondale Gulfport Marine (AGM), với hợp đồng đóng 15 chiếc. Sau khi thu được kết quả mong đợi, LCAC bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Giai đoạn 1986-1987, có 30 chiếc LCAC được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Công ty TMLS tiếp tục được chọn làm đơn vị chế tạo. Tuy nhiên, dự án buộc phải tìm kiếm thêm một nhà thầu mới - Công ty đóng tàu Lockheed. Theo đó, vào cuối những năm 1980, hai nhà thầu này đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất 48 tàu đệm khí. Các hợp đồng mới sau đó đã được ký kết với nhiều khối lượng và giá trị khác nhau. Kết quả là, vào giữa những năm 1990, tổng số LCAC nối tiếp được chế tạo theo kế hoạch đạt 91 chiếc. Giá thành trung bình của một con tàu vào thời điểm đó là 27-28 triệu USD.

Việc đóng tàu LCAC được hoàn thành vào năm 2001. Trong gần 20 năm sản xuất, khách hàng chính, là Hải quân Mỹ, đã nhận được tất cả 91 chiếc LCAC. Tuy nhiên, số lượng phương tiện thực tế trong các đơn vị chiến đấu luôn ít hơn. Vì vậy, vào đầu những năm 2000, chỉ có 72 chiếc LCAC có mặt trong các đơn vị Hải quân Mỹ. Số lượng này tiếp tục giảm xuống, và tính đến cuối những năm 2010, có khoảng 50 chiếc đang hoạt động.  

Ngoài ra, năm 1994, công ty TMLS bắt đầu sản xuất LCAC theo đơn đặt hàng đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Tính đến đầu năm 2000, Nhật Bản đã nhận được 6 chiếc.

Đặc tính kỹ thuật

Tàu đổ bộ đệm khí LCAC có tổng chiều dài 26,4 m, rộng 14,3 m, trọng lượng vào khoảng 89 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ tuốc bin trục Lycoming TF-40B, với tổng công suất 16.000 mã lực. Trong quá trình hiện đại hóa, động cơ Vericor Power Systems ETF-40B tiên tiến, với hệ thống điều khiển kỹ thuật số đã được đề xuất.

Tải trọng thông thường của LCAC là 54 tấn, tối đa đạt 68 tấn. Điều này cho phép con tàu chở tới 180 binh sĩ, 1 xe tăng hoặc các thiết bị khác có trọng lượng và kích thước phù hợp. Tốc độ tải tối đa vượt quá 72 km/giờ, còn về mặt kỹ thuật tốc độ có thể đạt được là gần 130 km/giờ. Phạm vi hoạt động, tùy thuộc vào tốc độ và tải trọng, là 320-480 km.

Các tàu đổ bộ LCAC được trang bị thiết bị vô tuyến điện tử hiện đại, để điều hướng và liên lạc. Phi hành đoàn gồm 5 thành viên, làm việc trong 2 buồng lái. Tàu được trang bị có 2 đơn vị súng máy nòng cỡ thường hay cỡ lớn, hoặc có thêm súng phóng lựu tự động.

Tùy thuộc vào nhiệm vụ, LCAC có thể được sử dụng độc lập hoặc cùng với tàu đổ bộ. Kích thước và tầm di chuyển của tàu được xác định dựa trên khả năng và hạn chế của lực lượng đổ bộ. Với các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật cao, LCAC đủ nhanh để trở thành một thành phần đông đảo, hiệu quả và linh hoạt của lực lượng đổ bộ.

Tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Hải quân Mỹ có gì đặc biệt?
 Tàu LCAC trên khoang neo đậu của chiến hạm Anchorage USS Portland (LSD-37). Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Nâng cấp thành công

Tuổi thọ trung bình của tàu đổ bộ đệm khí LCAC ban đầu được xác định là 20 năm. Do đó, Lầu Năm Góc và nhà thầu TLMS đã tiếp tục làm việc trong “Chương trình Mở rộng Vòng đời Dịch vụ” (SLEP) giữa những 1990. Chương trình được phát triển và phê duyệt vào năm 2000. Các biện pháp được đưa ra nhằm kéo dài tuổi thọ của phương tiện thêm 10 năm. 

Chương trình SLEP được chia thành 2 giai đoạn. Đầu tiên là cung cấp, thay thế các thiết bị điện tử với kiểu dáng hiện đại. Giai đoạn thứ hai, một cuộc đại tu lớn được thực hiện, với việc thay thế và cải tạo một phần kết cấu thân tàu. Ngoài ra,  LCAC nhận thêm các thiết bị hiện đại.

Vào những năm 2010, một số dự án cải tạo và hiện đại hóa mới được thực hiện liên tiếp. Chương trình SLEP nhìn chung đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nếu không, các tàu LCAC cũ sẽ phải ngừng hoạt động vào năm 2004-2005. Sau đợt đại tu lớn, chúng có thể phục vụ đến năm 2015. Đồng thời, tất cả các biện pháp nâng cấp thiết bị hiện có đã được hoàn thành vào năm 2020, giúp LCAC có thể kéo dài quá trình sử dụng cho đến năm 2030.

Dự án thay thế LCAC

Để duy trì lực lượng đổ bộ ở mức độ phù hợp, năm 2011, Hải quân Mỹ đã khởi động chương trình “Kết nối tàu tới bờ” (Ship-to-Shore Connector - SSC). Mục tiêu là tạo ra một loại tàu đổ bộ hiện đại tương tự như LCAC, với các đặc tính kỹ, chiến thuật cao hơn. Năm 2012, nhà thầu TMLS đã trở thành người chiến thắng của chương trình chế tạo mới này.

Dự án SSC sử dụng các kiến trúc đã được kiểm chứng và một số giải pháp của dự án LCAC. Đồng thời, các vật liệu, thành phần và giải pháp mới đã được đề xuất, nhờ đó mẫu tàu đổ bộ mới có tải trọng thường là 75 tấn và có đặc tính di chuyển cao hơn. Ngoài ra, một mục tiêu khác của dự án là đơn giản hóa và giảm chi phí vận hành.

Việc chế tạo lô đầu tiên của dự án SSC bắt đầu từ năm 2014, đến đầu năm 2020 đã bàn giao phương tiện cho khách hàng. Chương trình chế tạo mới sẽ tiếp tục theo kế hoạch đến đầu những năm 2030. Dự kiến, tổng cộng có 80 chiếc của dự án SSC sẽ được đóng mới, trong đó 72 chiếc dành cho các đơn vị chiến đấu.

Trong những năm tới, Hải quân Mỹ sẽ sử dụng đồng thời hai loại tàu đổ bộ trên. Và đến những năm 2030, các tàu đổ bộ đệm khí LCAC cuối cùng sẽ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.

HV (theo Quân đội Nhân dân)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây