Quanh núi Bà Rá có rất nhiều địa danh tâm linh gắn với sinh hoạt của người S’tiêng. Phía Đông chân núi Bà Rá, có Dak Sung và Dak Trang đổ về sông Bé tạo thành địa danh Prai, Mlau (dưới chân đập tràn thủy điện Thác Mơ). Ở phía Tây có Dak Jung (suối Dung) đổ về sông Bé. Dak Jung tiếp nhận khá nhiều con suối như Dak Swêt, Pômpam, Kup, Gar (gần cầu suối Dung). Dak Krwai nằm giữa thôn Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2 sau đó đổ về Dak B’ăng, trên dòng suối này có địa danh Chơn N’hai Rmas (thác Tê giác). Dak B’ăng bắt nguồn từ khu vực trung tâm hành chính của thị xã Phước Long, nằm giữa khu vực thôn Nhơn Hòa 2 và thôn 7, xã Long Giang. Suối B’ăng tiếp nhận thêm các con suối nhỏ như: Dak Pôh, Dak Ras (thuộc phường Sơn Giang, gần khu di tích bà Nguyễn Thị Định) rồi đổ về suối Lwi. Theo tương truyền của người S’tiêng ở xã Long Giang, Dak B’ăng có nhiều địa danh rất linh thiêng đó là Tmau Meo (tảng đá con mèo), Chơn N’hai Tmau Meo (thác con mèo), Tmau Kla Kos (tảng đá cọp cào). Về phía hạ nguồn, Dak B’ăng còn tiếp nhận thêm Dak Lung Lên (ở đầu nguồn con suối có thác rất linh thiêng, suối bắt nguồn từ thôn 7, xã Long Giang)…
Những địa danh này gắn liền với không gian cư trú của người S’tiêng Bu Dru và Krwai trong quá khứ, đầy chất thiêng. Đặc biệt, mỗi con sông, suối ở các địa phương đều gắn với yếu tố tâm linh, những câu chuyện huyền thoại của một hay nhiều cộng đồng tộc người.
Tại khu vực thị xã Phước Long, xuôi theo dòng sông Bé (từ cầu Thác Mẹ hướng về cầu Dak Glung) có rất nhiều địa danh huyền thoại của người S’tiêng. Cách cầu Thác Mẹ vài trăm mét hướng về hạ nguồn có một nơi gắn với dấu ấn sinh hoạt của vị thần Yau Nhưt và vợ của ngài là Mi Prac (Prach), nơi này gọi “ktuk a sưng dach Yau Nhưt” tạm dịch là nơi vị thần bị ngã khi bắt rắn khổng lồ hoặc gọi là “Klong Bih”.
Tương truyền rằng, vị thần có một con gái xinh đẹp nhưng kén chồng, một con rắn khổng lồ đã hóa thành chàng đẹp trai để xin cưới cô gái. Một chàng trai tên Bet Bet phát hiện và báo tin cho ngài, nhưng Yau Nhưt không những không tin mà còn mắng chàng Bet Bet. Yau Nhưt cho rằng chàng Bet Bet thương con gái mình, nhưng vì nghèo nên không dám ngỏ lời và tìm cách ngăn cản con gái mình lấy chàng đẹp trai. Sau khi cưới xong, Yau Nhưt nhốt đôi vợ chồng trong nhà, chàng rể biến lại thành con rắn khổng lồ rồi nuốt chửng con gái của thần. Khi bị con rắn nuốt, con gái kêu cứu, nhưng Yau Nhưt lại nghĩ đó là vợ chồng trêu đùa nhau nên không đến xem. Đến khi phát hiện con gái bị rắn nuốt và bò vào hang ở ven sông, Yau Nhưt cùng vợ chặn nước để tát. Khi kéo rắn ra khỏi hang, vị thần bị ngã nhào tạo thành lòng sông.
Từ Thác Mẹ đến cầu Dak Glung có nhiều địa danh gắn liền với hoạt động đánh bắt cá của người S’tiêng như Chơn N’hai Dêh (thác dưới), Chơn N’hai Lơ (thác trên), N’hal Wach N’hal Klang, Noong iêr Mêi (chuồng gà mẹ), Noong iêr Kon (chuồng gà con). Trong quá trình đánh bắt cá, người S’tiêng đã tích lũy kinh nghiệm trong việc dự đoán thời tiết trong năm. Người S’tiêng quan sát trứng con nhện nước (tăp pi Srơn Srang) trên tảng đá (trên sông) thì họ biết được năm đó mưa về sớm hay muộn. Nếu trứng nhện (dính trên tảng đá) gần mặt nước (10-20cm) thì năm đó mưa về muộn (con nhện biết mưa về muộn nên không sợ trứng bị ngập nước). Ngược lại, nếu trứng con nhện xa mặt nước thì năm đó mưa về sớm (con nhện biết mưa về sớm, sợ trứng bị ngập nước nên đẻ trứng cách xa mặt nước). Đây là tri thức dân gian, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình lao động của người S’tiêng.
Người S’tiêng ở khu vực Phước Long quan niệm: con sông chính là “thế giới tâm linh” của con trâu, khi con trâu chết, “linh hồn” sẽ về dưới nước (sông), làm vua dưới nước (sơn đach Brăh dak). Người S’tiêng còn quan niệm: tất cả con vật dưới nước như tôm, cua, cá... đều là tài sản của thần nước. Vì vậy, cộng đồng phải tôn trọng thần nước, giữ gìn, không làm ô nhiễm nguồn nước; khi đánh bắt cá (krau ka) nhất là cá lớn (cá lăng...) người đánh bắt cá phải làm lễ cúng, xin phép thần nước. Đây là văn hóa ứng xử với tự nhiên rất độc đáo của người S’tiêng. Người S’tiêng quan niệm, nếu không thực hiện các nghi lễ này, người đánh bắt cá không những không bắt được cá mà còn có thể bị thần nước phạt, nhẹ thì không bắt được con nào, nặng thì bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn hoặc thần làm cho cho trâu, bò, heo, gà của làng bị chết.
Xét về góc độ văn hóa, địa danh văn hóa của tộc người là một loại hình di sản phi vật thể gắn với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của tộc người cần được nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa danh của người S’tiêng bị biến đổi, một số cảnh quan rất thiêng đã bị thay đổi, thậm chí có nơi không còn gắn với không gian văn hóa, nhất là các địa danh từ cầu Thác Mẹ đến cầu Đak Glung.
Theo tài liệu quy hoạch tỉnh, “Bình Phước như một Việt Nam thu nhỏ, nổi bật là sự đa dạng về mặt văn hóa của nhiều dân tộc anh em. Tính đa dạng vừa là ưu điểm vừa là thách thức cho phát triển của tỉnh Bình Phước. Sự phong phú về văn hóa có thể giúp cho những lao động di cư đến Bình Phước có thể dễ dàng thích nghi, ổn định cuộc sống. Đồng thời đa dạng văn hóa còn là nguồn tài nguyên bản địa đầy tiềm năng được phát huy trong kinh tế du lịch và kinh tế di sản”. Những địa danh này là tiềm năng để phát triển du lịch của Bình Phước trong tương lai.
HV
Nguồn tin: Bình Phước Online
Ý kiến bạn đọc