Địa danh “Bu” và “Dak” trong ngôn ngữ và văn hóa người S’tiêng ở Bình Phước

Thứ hai - 10/04/2023 06:05 1.008 0
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhiều địa danh có từ Bù (Bu) và Đắk (Dak). Cấp huyện có: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp và cấp xã có: Bù Gia Mập, Bù Nho (Bu Nhau), Đắk Ơ, Đắk Nhau, Đa Kia (Dak Kir)… Vậy từ “Bu” và “Dak” có nghĩa là gì? Dựa vào ngôn ngữ và văn hóa của người S’tiêng, bài viết chia sẻ những nội dung liên quan đến các đặc điểm địa danh Bu và Dak.

Bài 1:
TỪ “BU” TRONG NGÔN NGỮ
VÀ VĂN HÓA NGƯỜI S’TIÊNG



Ý nghĩa của từ “Bu”

Từ “Bù” xuất phát từ “Bu” của người S’tiêng và một số tộc người cùng ngôn ngữ với người S’tiêng như M’nông. Chữ B trong tiếng S’tiêng không đọc như chữ B trong tiếng Việt. Do nhiều người không phát âm được từ “Bu”, không hiểu từ “Bu” nên đã chuyển thành từ Bù và đã làm thay đổi nhiều ý nghĩa của các địa danh. Tùy theo cấp độ, từ “Bu” trong ngôn ngữ S’tiêng mang ý nghĩa khác nhau, nhưng chung nhất là để chỉ người. 

Ở cấp độ rộng, từ “Bu” để chỉ nhóm cộng đồng người với số lượng lớn, phạm vi rộng nên có các từ “Bu dêh” và “Bu lơ”, “Bu Biêt”, “Bu Lac” (Lach). Trong đó, Bu lơ là từ chỉ nhóm người S’tiêng vùng trên, vùng cao (tỉnh Phước Long cũ), thuộc nhóm người S’tiêng phụ hệ; Bu dêh (dih) là từ chỉ nhóm người S’tiêng vùng dưới, vùng thấp (tỉnh Bình Long cũ), thuộc nhóm người S’tiêng có yếu tố mẫu hệ. “Bu Biêt” là nhóm người S’tiêng sinh sống chủ yếu ở Campuchia và “Bu Lac” là nhóm người S’tiêng ở trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Cách chia này mang tính tương đối, vì trong một vùng hay trong một huyện, cộng đồng lại chia nhóm Bu Lơ và Bu dêh.

BĐ
Địa danh Tà Đùng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

Ở cấp độ thứ hai, từ “Bu” để chỉ nhóm cộng đồng người trong một phạm vi nhỏ hơn như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp. Ở cấp độ thứ ba, từ “Bu” là để chỉ dòng tộc (họ) của người S’tiêng gắn liền với tên làng (poh/wăng). Trong xã hội truyền thống, những địa danh làng chính là họ. Nhân vật lịch sử N’Trang Lơng tên thật là Lơng, ở làng Bu Par, dưới chân núi Drônh. Khi lớn lên ông cư trú và làm tù trưởng ở làng Bu N’Trang, nay thuộc xã Đăk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nên ông có họ N’Trang. Ở cấp độ hẹp nhất, từ “Bu” là chỉ số ít (Bu kuông: già làng; nhi bu ri: nhà của người ta; sai bu: vợ/chồng của người ta). 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập rất nhiều tên thôn có từ “Bu”, xã Bù Gia Mập có Bù Rên, Bù Dốt, Bù La; xã Đắk Ơ có Bù Khơn, Bù Bưng; xã Phú Nghĩa có Bù Gia Phúc (Bu Ghir), Bu Tuk, Bu Srôông; xã Đa Kia có Bu Trêl, Bu Sar (Bình Hà 1, Bình Hà 2); xã Bình Thắng có Bu N’hal. Riêng thôn Bù Krwai (Bù Kroai) thuộc xã Đức Hạnh không phải là địa danh gốc, họ thuộc nhóm người S’tiêng Bu Wiêr. Địa danh con suối Dak Krwai nằm giữa thôn Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2 thuộc xã Long Giang, thị xã Phước Long. Lý do xã Đức Hạnh có thôn Bù Krwai (Bù Kroai) có ý nghĩa lịch sử riêng.

Ý nghĩa địa danh Bù Đốp

Bù Đốp trước kia là một quận thuộc tỉnh Thủ Dầu Một, sau đổi tên thành quận Bố Đức thuộc tỉnh Phước Long (Lưu Ty 1972, Non nước Phước Long, tr.22-23). Theo tác giả Lưu Ty: “Trước kia gọi là Bù Đốp, xưa kia vùng này chỉ là vùng núi hoang vu, san giang của thú dữ, ma thiêng và một số dân sơn cước thuộc giống S’tiêng sống trong trạng thái cổ sơ, họ tụ lập thành bộ lạc riêng biệt... Năm 1924, một người Pháp tên Gatille, đem binh chiếm vùng này. Gatille áp dụng một chính sách cai trị cực kỳ tàn ác nên đã bị thổ dân giết chết vào năm 1925. Năm 1927, ông Gerber được bổ nhiệm làm quận trưởng tại đây, Gerber lấy tên sóc Bù Đốp đặt tên cho quận” (tr.24-25). Theo tác giả: “Tục truyền nơi đây trước kia có nhiều bầy dọc sinh sống. Một hôm dân Thượng đi tìm nơi cất nhà để ở thì nhặt được xác một con dọc chết ven suối, người Thượng bằng lấy tên Sóc là Bù Đốp”. Lưu Ty giải thích: “Bù theo tiếng S'tiêng là nhà hay sóc; Đốp là con dọc, một loại khỉ to lớn” (tr.24-25).

Theo cách giải thích của Lưu Ty có phần chưa chính xác. Bu (tác giả viết thành Bù) là để chỉ cộng đồng người sinh sống trong một khu vực nào đó không phải là nhà; con dọc (con vọc, tác giả phát âm theo tiếng Nam Bộ thành con dọc) thuộc giống khỉ nhưng khác với con khỉ, cho nên Dôk (tác giả viết thành Đốp) là “con dọc, một loại khỉ to lớn” là chưa chính xác.

Như vậy, Bù Đốp là địa danh xuất phát từ “Bu Dôk”, tên một làng (poh, wăng) của cộng đồng người S’tiêng. Trong từ điển S’tiêng - Pháp năm 1886 của R.H.Azémar thì chữ K như chữ C trong tiếng Việt, chữ D không phát âm như chữ D hay Đ trong tiếng Việt. Khả năng tên làng có 2 ý nghĩa: một là làng ở khu vực (rừng) có nhiều khỉ nên người S’tiêng đặt tên “Dôk” với ý nghĩa là làng rất phong phú, đa dạng về động vật, dân làng có thể yên tâm sinh sống tại đây hoặc dân làng phải chuẩn bị ứng phó với sự phá hoại của khỉ; thứ hai là, xác chết con khỉ có thể liên quan đến yếu tố tâm linh nên cộng đồng người S’tiêng đặt tên làng là Bu Dôk.  

Đối với Bù Đăng và Bù Gia Mập, dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng từ “Bu” trong ngôn ngữ S’tiêng là chỉ người, “Bù Gia Mập” và “Đăng” là địa danh, nơi cư trú của cộng đồng tộc người. Từ “Gia” (Ja hoặc Jal) có nghĩa là đã, từng, rồi, xong; “Mập” (mâp/mơp) là gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu). Bù Gia Mập (Bu Ja Mâp) là nơi cộng đồng đã gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc. Còn “Đăng” nghĩa là bên, kia, đó. 

Hiện tượng địa danh bị thay đổi từ và ý nghĩa khá phổ biến. Trên thế giới, những người Arya thời Veda vào Ấn Độ đã gọi sông Ấn là Shindu, người Iran đọc thành Hindu "đất nước của sông" trở thành Hindustan. Người Hy Lạp lại biến đổi Hindu thành Indos, đến người La Mã lại biến đổi thành Indus, cuối cùng Indus được giữ lại như tên con sông, còn tên đất nước trở thành India (Đại cương văn hóa phương Đông 2000, tr.151- 152). Bnâm Brăh/Bnâm Bră (núi Thần) bị biến âm thành núi Bà Rá. Địa danh “Tà Đùng” của huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cũng vậy. “Tà Đùng” xuất phát từ “Tao Dung”. Tao Dung là một loại cây mía to, lóng dài, người S’tiêng, M’nông và nhiều dân tộc Tây Nguyên thường sử dụng trong các nghi lễ quan trọng…

HV

Nguồn tin: Bình Phước Oline

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây