Nhà sàn, nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Chủ nhật - 26/03/2023 07:012.9600
Nhà sàn được xem là đặc trưng văn hoá của người S’Tiêng, Khơme trên địa bàn huyện Bù Đốp, không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình dân tộc thiểu số mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp xưa.
Chúng tôi tìm đến ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến và thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, nơi đây có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những ngôi nhà sàn năm xưa, nay đã được thay bằng những ngôi nhà mái ngói, chỉ còn ít hộ là giữ được nét đẹp văn hoá của dân tộc mình.Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Đốp nhà sàn văn hoá cộng đồng còn rất ít. Toàn huyện còn lưu giữ 04 nhà sàn văn hoá cộng đồng của dân tộc S’Tiêng, Khơme tại thôn Thiện Cư; ấp 5, ấp 8 xã Thanh Hoà; ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến và khoảng trên 10 nhà sàn được người dân gìn giữ đến ngày nay.Theo ông Điểu Cần, Trưởng Thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng cho biết: Cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, sự tác động của đời sống văn hóa mới, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà sàn truyền thống của đồng bào S’Tiêng mình cũng từ đó thay đổi; nay chỉ còn 01 nhà sàn văn hoá, nhưng không còn sinh hoạt cộng đồng trong đó nữa, vì thôn mình đã có nhà văn hoá cuối năm 2022 rồi.Theo một số người dân tại ấp Sóc Nê, xã Tân tiến, khi được hỏi cho biết: trước đây, dân tộc mình nhiều nhà sàn, nay đổi mới rồi, nhà sàn được thay thế bằng nhà xây, còn 02 hộ là giữ lại được truyền thống. Còn theo gia đình ông Lương Vũ Thọ (người dân việt kiều Campuchia) tại Tân Lập, xã Tân Thành cho biết: Số hộ còn nhà sàn có khoảng 5 đến 6 hộ, gia đình tôi giữ lại là vì ngôi nhà này là tâm huyết của gia đình, mặc dù có nhiều người đến hỏi mua lại nhưng tôi không bán, tôi sẽ gìn giữ lại nét truyền thống của tổ tiên truyền lại.Trước đây, nhà sàn truyền thống của đồng bào S’Tiêng, Khơme là một đặc trưng văn hóa tiêu biểu, thể hiện sự thích nghi một cách hài hòa của các cư dân với hệ sinh thái của núi rừng, nhà sàn mang giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ đời trước trao truyền lại cho đời sau và cũng chính giá trị văn hóa tốt đẹp và linh thiêng đã biến ngôi nhà sàn trở thành một không gian văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của dân tộc S’Tiêng, Khơme trên địa bàn huyện Bù Đốp nói riêng và các dân tộc khác nói chung.Ngày nay, số nhà sàn văn hoá truyền thống của đồng bào S’Tiêng, Khơme còn gìn giữ lại được cũng có nhiều thay đổi về cấu trúc và vật liệu. Các ngôi nhà sàn đã sử dụng vật liệu mới như: xi măng, sắt, ngói… để thay thế một phần cho vật liệu truyền thống như: gỗ, tre, tranh,…; việc bố trí không gian trong, ngoài nhà sàn cũng có những thay đổi mang tính kế thừa và phát triển, phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa của đồng bào; từng bước, khắc phục những hạn chế, lạc hậu trong thói quen sinh hoạt, nhưng không làm mất đi bản sắc của ngôi nhà sàn truyền thống.Có thể thấy, văn hoá nhà sàn, nhà sàn thể hiện nét văn hóa riêng, tập quán sinh hoạt riêng của mỗi dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đốp. Mỗi người S’Tiêng, Khơme từ khi sinh ra đến khi mất đi mọi lễ tục, sinh hoạt đều gắn liền với nhà sàn. Nhưng hiện nay, nhà sàn đang bị mai một, nếu không có chính sách phù hợp để bảo tồn, trong tương lai những ngôi nhà sàn chỉ còn đọng lại trong ký ức. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thì việc bảo tồn những mái nhà sàn là một trong những việc quan trọng cần được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân quan tâm.