Bình Phước: Bước đầu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06

Thứ ba - 10/05/2022 09:54 242 0
Sau 1 tháng triển khai thực hiện, chiều nay 10-5, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 khẳng định, sự thành công của đề án là yếu tố quyết định, đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số tại Bình Phước. Do đó, việc đánh giá kết quả thực hiện đề án sau 1 tháng triển khai thực hiện nhằm chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để nhanh chóng khắc phục, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

BĐ

Đại tá Lâm Văn Long, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Phước báo cáo tóm tắt kết quả triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” 

Thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh là đơn vị chủ trì, đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành các nhiệm vụ để triển khai kết nối, chia sẻ, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa phương trước thời gian quy định. Qua đó, Bình Phước là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Công an chính thức cho phép kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh từ ngày 31-12-2021 để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

BĐ

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang thông tin về công tác đào tạo, tập huấn k năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ cấp cơ sở

Đối với việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên thực hiện trong năm 2022, hiện Công an tỉnh đã hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an 7 dịch vụ công. Các dịch vụ công còn lại đang được Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện.

Đây là giai đoạn đầu của đề án, khối lượng công việc và phạm vi triển khai rất lớn nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc và tiến độ triển khai tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu. Theo ý kiến của các huyện, thị xã, thành phố, hiệu quả triển khai đề án ở thôn, ấp chưa cao; việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn do trình độ công nghệ của người dân và trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là đối với các huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, các huyện, thị xã, thành phố cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đường truyền, hệ thống, đơn giản hoá các phần mềm, ứng dụng để người dân dễ dàng tiếp cận. Đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là các tổ công tác ở thôn, ấp.

BĐ

Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền tin tưởng trong thời gian tới, việc thực hiện đề án sẽ giảm bớt khó khăn và đạt được kết quả tích cực hơn

Kết luận hội nghị, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị các địa phương, đơn vị phải vào cuộc đồng bộ hơn nữa trong việc thực hiện đề án. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý việc thực hiện đề án phải được triển khai đến từng thôn, ấp và nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định; các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế phải được nêu rõ và cụ thể; từng ngành, huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là triển khai có hiệu quả các mô hình công dân số, chính quyền số đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

HV

Nguồn tin: Báo Bình Phước Online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây