Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 1-10
Sự kiện trong nước
Ngày 1-10-1876: Ngày sinh nhân sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp năm 1946, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng được trao quyền Chủ tịch nước.
Ngày 1-10-1951: Trung ương Đảng và Chính phủ ra Quyết định chính thức thành lập Khu học xá Trung ương đặt tại Nam Ninh. Đây là nơi đào tạo hàng nghìn cán bộ cho cách mạng Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.
Ngày 1-10-1958: Khởi công xây dựng hệ thống thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải tại Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên, gồm 2 cống lớn là Xuân Quan và Nghi Xuyên, lấy nước sông Hồng phục vụ tưới tiêu cho 167.000 ha đất canh tác. Hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải gồm 1.900 công trình lớn nhỏ, trong đó có mạng lưới kênh, mương, cầu, cống và các trạm bơm. Với khối lượng đất phải đào là 63 triệu mét khối, công trình hoàn thành vào tháng 5-1960.
Ngày 1-10-1962, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, tổ chức chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí cho miền Nam. Con tàu vỏ gỗ gắn máy đã cập bến Vàm Lũng an toàn sau 10 ngày vượt biển. Thành công của chuyến đi đã mở ra tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Theo Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội, 2015)
Sự kiện quốc tế
Ngày 1-10-1908: Chiếc xe hơi Model T đầu tiên được Henry Ford chuyển tới khách hàng. Model T là chiếc xe đầu tiên có giá cả phải chăng, vận hành đơn giản và bền bỉ. Sự ra đời của chiếc xe là bước ngoặt trong ngành chế tạo ô tô thế giới, đem lại sản phẩm bền và giá cả phù hợp cho khách hàng. Mỗi chiếc Model T vào thời điểm đó có giá từ 260 đến 850 đô-la, tương đương 5.948 đến 25.279 đô-la theo thời giá 2021. (Theo corporate.ford.com)
Một chiếc xe hơi Model T. Ảnh: corporate.ford.com |
Ngày 1-10-1949: Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1950, Bác đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông, toàn văn bức điện sau được đăng trên Báo Cứu quốc, số 1663 ngày 9-10-1950. (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Theo dấu chân Người
Ngày 1-10-1945, Bác tới dự và phát biểu tại Lễ Tốt nghiệp khóa học thứ tư Trường quân chính Việt Nam. Tại đây, Bác đã dặn dò các đồng chí tốt nghiệp khóa học không được tự kiêu, không được mắc bệnh làm “quan cách mạng”, phải siêng năng, cầu tiến bộ, không lúc nào ngừng nghiên cứu, sửa chữa khuyết điểm và trung thành với mục đích của cách mạng là giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do.
Ngày 1-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 91-SL, hợp nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính, từ cấp tỉnh đến xã thành Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính. Quy định thành phần ủy ban và quan hệ làm việc giữa ủy ban các cấp.
Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu (1961). Ảnh: Báo Nghệ An |
Cũng trong ngày 1-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn trả lời Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn. Nội dung điện văn khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là giữ vững nền độc lập và sự thống nhất, duy trì tinh thần hữu hảo, tin cậy và hợp tác với Pháp. Điện văn lên án cuộc tấn công mùa Đông năm đó của Pháp, nhưng cũng khẳng định nhân dân Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột và đặt lại nền hoà bình khi Pháp công nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam.
Ngày 1-10-1953, Bác gửi thư khen Trung đoàn 42, Trung đoàn 50 và các đơn vị bộ đội và dân quân du kích Tả ngạn, chúc các đơn vị và cá nhân lập nhiều thành tích, thu nhiều thắng lợi.
Ngày 1-10-1960, Bác Hồ viết bài “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn” với bút danh T.L. đăng trên báo Nhân dân số 2387 về người cao tuổi, nhấn mạnh truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc với câu chuyện về “Điện Diên Hồng” đánh giặc Mông Thát.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 1-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư dặn dò cán bộ và chiến sĩ chuẩn bị bước vào Chiến dịch Tây Bắc (từ 14-10 đến 10-12-1952). Nội dung bức thư như sau:
Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ, đều phải:
- Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh.
- Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn.
- Thương dân, trọng dân và tốt với dân.
- Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng.
Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 1 tháng 10 năm 1952
HỒ CHÍ MINH
Bức thư sau đó được đăng lại nguyên văn trên Báo Nhân dân, số 87, ngày 19-12-1952. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, Tập 7, tr.501)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh: hochiminh.vn |
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho thấy rất rõ tư tưởng trọng dân qua phong cách sinh hoạt và làm việc gần dân, thể hiện qua sự ân cần, chu đáo, không phân biệt vị trí, thứ bậc khi tiếp xúc với người dân, từ người cao tuổi đến thiếu niên, nhi đồng, từ người nông dân, công nhân lao động đến bộ đội, công an vũ trang…
Từ khi đảm đương chức trách là người đứng đầu của Đảng, Nhà nước, Người thường xuyên gửi thư thăm hỏi mọi tầng lớp nhân dân khi có dịp. Có những bức thư Bác viết hỏi thăm riêng một cá nhân, nhưng cũng có những bức thư Bác gửi động viên một tập thể, một tầng lớp người dân, thể hiện lòng thương yêu, sự quan tâm, tôn trọng với tất cả mọi người. Chỉ riêng trong năm 1951, Bác đã gửi thư động viên, thăm hỏi các cá nhân như cụ Nguyễn Thị Hiền, học giả Đặng Thai Mai, bà mẹ chiến sĩ Phạm Thị Dược, cháu Nguyễn Thị Lương. Bác cũng viết thư gửi các tập thể, tầng lớp người dân như các cháu nhi đồng xã Hiệp Hòa (Thái Nguyên), thư gửi nông dân thi đua canh tác, thư gửi thương binh tại mặt trận Trung Du và Đông Bắc… Bác thậm chí còn gửi thư tới ngụy binh, bởi theo Người thì “Ngụy binh cũng là con dân nước Việt, nhưng vì dại mà đi lầm đường”.
Ghi nhớ lời dạy “Thương dân, trọng dân và tốt với dân” của Bác, các đơn vị luôn chú trọng công tác dân vận, đưa công tác đi vào thực chất. Trong chiến tranh, bộ đội tới đâu giúp dân tới đó, nhường cơm sẻ áo với người dân; giúp dân sơ tán tới nơi an toàn khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ở miền Bắc; không quản khó khăn, hành quân hàng nghìn cây số vào với người dân miền Nam; cùng nhân dân miền Nam phá ấp chiến lược của Mỹ - Ngụy, giúp người dân thoát khỏi cuộc sống cầm tù…
Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (1952). Ảnh: hochiminh.vn |
Trong thời bình, các đơn vị quân đội cũng luôn là lực lượng đi đầu trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh và mỗi khi có sự cố, khó khăn. Còn nhớ năm 2014 ở Đạ Dâng, lực lượng cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng đã giải cứu thành công 12 công nhân bị sập hầm khi đang thi công. Trận lũ lịch sử ở Rào Trăng 3 và những địa phương miền Trung năm 2020 đã ghi nhận sự hy sinh, mất mát của các chiến sĩ quân đội trong khi tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Mỗi khi có thiên tai xảy ra, các đơn vị quân đội lại giúp người dân sơ tán và ổn định cuộc sống cho người dân, tận tình như những thân trong gia đình. Trong đại dịch Covid-19, bên cạnh lực lượng y tế ở tuyến đầu là các đơn vị quân đội. Khi dịch bùng phát mạnh ở các địa phương phía Nam, quân đội đã gửi hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ của Quân khu 7, Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ trong rất nhiều những hoạt động dân vận, giúp dân mà quân đội đã và đang thực hiện. Đã có những mất mát hy sinh ngay giữa thời bình. Vẫn biết không ai mong muốn mất mát xảy ra, nhưng sự hy sinh của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tô thắm thêm truyền thống của đội quân của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đúng theo tâm nguyện “Thương dân, trọng dân và tốt với dân” mà Bác Hồ luôn mong mỏi các đơn vị quân đội khắc ghi trong lòng.
Người xưa vẫn ví dân là nước. “Chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước”. Làm công tác dân vận tốt, được lòng dân là sẽ thành công, mất lòng dân là mất tất cả. Do đó, dù là các đơn vị quân đội hay cơ quan dân chính thì vẫn phải luôn “Thương dân, trọng dân và tốt với dân”. Đó là câu chuyện bao đời nay nhưng chưa bao giờ xưa cũ. Nơi nào làm được theo lời dạy của Bác, nơi đó sẽ ổn định, thịnh vượng, bình yên và phát triển.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 1-10-1951, Báo Quân đội nhân dân đăng lại toàn văn thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thanh niên cả nước về thi đua ái quốc. Trong bức thư đề ngày 1-8-1951, Bác viết ngắn gọn, phúc đáp chung cho những lá thư báo cáo thành tích của thanh niên cả nước gửi về cho Người. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian đọc cả những lá thư thanh niên gửi cho mình. Không những trả lời chung cho thanh niên thi đua ái quốc cả nước, Bác còn đọc kỹ và viết rõ một số cháu có thành tích nổi bật như cháu Nguyễn Thị Thành ở xưởng X.P. (Công đoàn Lê Hồng Phong), tăng năng suất 330%; hay cháu Nguyễn Thị Giao Tiên ở xưởng X.B. (Công đoàn Bông Lau), tăng năng suất hơn 200%...
Trang nhất Báo Quân đội nhân số ra ngày 1-10-1951, 1-10-1969 và 1-10-1979 |
Ngày 1-10-1969, tròn một tháng sau khi trái tim lớn của đất nước, người anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh ngừng đập, Báo Quân đội nhân dân có bài “Quyết thực hiện lời di chúc của Bác”. Bài báo ghi lại chiến công của Phân đội phòng không Quân giải phóng bắc Quảng Trị tiêu diệt máy bay Mỹ, là chiến công dâng lên Bác, quyết tâm cùng cả nước thực hiện lời di chúc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Người.
Ngày 1-10-1970, Báo Quân đội nhân dân trang trọng đăng trên trang nhất lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới. Chúng ta nhất định thắng!
Nguồn tin: Quân Đội Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc