Linh hoạt trong chăn nuôi
Khởi nghiệp chăn nuôi dê từ năm 2014 với chưa đầy chục con, đến nay, anh Trịnh Vinh Tuấn đã có trang trại dê rộng 600m2. “Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và vốn nên tôi chỉ nuôi vài con dê mẹ. Sau đó, dần dần tôi mới tăng đàn, mở rộng chuồng trại. Để có thành quả như hôm nay, tôi thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ anh em, bạn bè và các mối quan hệ ngoài xã hội. Nhờ vậy, tôi đã tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm quý để gắn bó lâu dài với nghề chăn nuôi này dù giá dê ngoài thị trường có nhiều biến động” - anh Tuấn chia sẻ.
Đàn dê của trại dê Vinh Tuấn luôn duy trì trên dưới 400 con
Thời điểm giá dê rớt xuống mức kịch sàn, nhiều hộ nuôi dê bỏ đàn, bỏ chuồng thì mỗi tháng, trại dê Vinh Tuấn vẫn luôn duy trì khoảng 400 con (chủ yếu là dê thịt và dê mẹ vỗ béo).
“Để đàn dê phát triển tốt, không bệnh, đạt chất lượng, quy trình lựa chọn thức ăn, chế độ ăn, đặc biệt tăng cường thức ăn tự ủ cho dê là cách để gia đình tôi vừa tiết giảm chi phí, nhân công lại vừa đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho dê. Do đó, thời điểm này nhiều hộ nuôi dê lỗ vốn phải giảm đàn, bỏ đàn thì trại dê của gia đình tôi vẫn duy trì ổn định. Trung bình mỗi tháng thu lãi ít nhất 35 triệu đồng từ bán dê thương phẩm. Đó là chưa kể nguồn thu đáng kể từ phân dê. Với mức thu này, người nuôi dê sẽ không bao giờ lỗ” - anh Tuấn khẳng định.
Anh Tuấn hiện nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng hoàn toàn. Với hình thức này, một trang trại 400 con chỉ cần một nhân công chăm sóc và dọn dẹp chuồng trại. Ngoài ra, việc thực hiện chế độ ăn uống, chăm sóc hợp lý còn giúp dê tăng trưởng đều đặn từ 4-5kg/tháng.
Khi việc chăn nuôi dê đi vào ổn định, anh Tuấn chuyển dần sang mua bán dê thương phẩm. Việc kết hợp giữa chăn nuôi và buôn bán là cách để anh Tuấn gắn bó với nghề và giúp gia đình có thêm thu nhập đáng kể.
Kiên trì, gắn bó với nghề
“Tôi quyết không bỏ nghề, phải gắn bó với nghề. Dù thị trường có biến động vẫn phải tiếp tục sống với nghề, linh hoạt, sáng tạo để hạn chế thấp nhất thiệt hại”. Đó là chia sẻ của anh Tuấn khi trò chuyện về thực trạng giảm đàn dê trong thời gian qua.
Mỗi nghề đều có cái khó riêng, sẽ có những giai đoạn khó khăn khác nhau. Vì thế, người làm nông nghiệp đừng chạy theo xu hướng, cũng đừng nản chí mà dễ dàng từ bỏ nghề đã chọn. Chỉ cần có đam mê, tâm huyết với vật nuôi, cây trồng đã chọn, đã đầu tư thì sẽ tìm ra giải pháp để sống với nghề. Anh TRỊNH VINH TUẤN, chủ trại dê Vinh Tuấn, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp |
“Trong 10 năm theo nghề nuôi dê, 2023 là năm giá dê xuống mức thấp nhất mà tôi gặp phải. Tuy nhiên, ở mức giá thấp từ 40-75 ngàn đồng/kg tùy chất lượng thịt dê thương phẩm, gia đình tôi vẫn đeo bám với nghề và có nguồn thu ổn định. Một phần do bản thân luôn xác định phải gắn bó với nghề, phần do tôi có những phương pháp chăn nuôi hợp lý” - anh Tuấn bộc bạch.
Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi hợp lý, dê ở trại dê Vinh Tuấn luôn béo tốt, lông đẹp, mượt
Thu mua dê để vỗ béo cũng là cách để anh Tuấn tăng nguồn thu nhập cho gia đình
Hiện mô hình nuôi dê của gia đình anh Tuấn không chỉ được bà con ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp đánh giá cao mà còn được hội nông dân các xã lân cận tìm hiểu để nhân rộng.
Sau khi tham quan và tìm hiểu mô hình chăn nuôi của trại dê Vinh Tuấn, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi thấy mô hình nuôi dê thương phẩm của anh Tuấn đầy triển vọng. Những phương pháp chăn nuôi mà anh Tuấn đang áp dụng như: tự ủ cỏ, ủ bã bia, thuốc men, chế độ ăn uống, chăm sóc hợp lý... là kinh nghiệm quý giúp người nuôi dê tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo thu nhập. Đây là mô hình có thể nhân rộng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi dê trên địa bàn tỉnh.
Niềm đam mê và khát vọng thành công với nghề chăn nuôi, buôn bán dê đã giúp anh Tuấn vượt qua những khó khăn, thử thách trong hành trình phát triển kinh tế. Anh Tuấn cho biết, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và phát triển đàn dê nếu người dân có nhu cầu, qua đó nhanh chóng vực dậy thị trường và nghề chăn nuôi dê trong thời gian sớm nhất.
HV
Nguồn tin: Hồng Phương (Bình Phước Online)
Ý kiến bạn đọc