Tư duy chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ tư - 04/10/2023 09:30 180 0
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với những thắng lợi vĩ đại trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc. Sự cống hiến xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên nhiều lĩnh vực; nét nổi bật nhất là tư duy chiến lược quân sự của Đại tướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng.

Tầm nhìn chiến lược, nghiên cứu dự báo, đánh giá tình hình khách quan, khoa học, toàn diện

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu nhiều về kinh nghiệm, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; tinh hoa quân sự thế giới; nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin; đường lối cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều đó đã tôi luyện cho Đại tướng những đức tính, nhãn quan thiên tài quân sự, bản lĩnh, kinh nghiệm và tầm nhìn chiến lược trong nghiên cứu dự báo, đánh giá tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn trong nước, đặc biệt là trong nghiên cứu đánh giá tình hình chính trị, quân sự, kinh tế... của địch ở chính quốc và trên chiến trường Việt Nam. Bằng nhiều cách thức khác nhau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nắm chắc tình hình thực tiễn chiến tranh và chiến trường để nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện; rất cẩn trọng trong đánh giá so sánh tương quan lực lượng đôi bên, không bao giờ đánh giá thấp, nhưng cũng không bao giờ đề cao hoặc e ngại lực lượng và sức mạnh của địch; khái quát những điểm mạnh, yếu của địch cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.

Từ đó đưa ra những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược phù hợp; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đánh thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần.

Tư duy chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN

Tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn kiên định và quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành sáng tạo, linh hoạt và đầy hiệu quả. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng đã có đóng góp quan trọng trong chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước: Chiến tranh toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng...

Bước vào chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, so sánh lực lượng quân đội giữa ta và địch trên toàn chiến trường Đông Dương, quân Pháp hơn ta gấp gần 2 lần, hơn nữa Pháp được Mỹ viện trợ kinh tế, quân sự mạnh, có trang bị vũ khí hiện đại hơn ta.

Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với đơn vị chủ lực các liên khu để kìm giữ lực lượng cơ động chiến lược của Pháp; đẩy quân Pháp mất quyền chủ động về chiến lược, luôn bị động đối phó với ta trên khắp chiến trường Đông Dương; khó chi viện cho chiến trường chủ yếu Điện Biên Phủ, làm cho kế hoạch Navarre từng bước bị phá sản.

Tướng Pháp Navarre phải thừa nhận: “Từ năm 1953, 75%-90% lực lượng viễn chinh Pháp đã bị kìm chân ở các địa phương”. Ta nhanh chóng cơ động lực lượng chủ lực tập trung trên chiến trường chủ yếu Điện Biên Phủ: 3 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo, Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304) và một số đơn vị binh chủng, bảo đảm. Quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 19 tiểu đoàn và một số đơn vị quân, binh chủng. Ta đã tạo ưu thế về lực lượng, hỏa lực... lại ở thế có lợi và có cách đánh thích hợp, chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”... nên đã thực hiện thắng lợi đòn quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với sự chỉ đạo của Đại tướng kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao... Chiến tranh nhân dân được phát huy mạnh mẽ ở chiến trường miền Nam, tiến công địch với phương châm “hai chân, ba mũi”; kết hợp giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng tác chiến tập trung của các đơn vị chủ lực; liên tục tiến công địch ở khắp ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng, đô thị... và đã giành thắng lợi lớn.

Ở miền Bắc, vừa kiến quốc, vừa tiến hành chiến tranh nhân dân với phương thức mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang (LLVT) ba thứ quân, phòng không nhân dân; góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ra miền Bắc; buộc Mỹ phải đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư duy về chiến tranh nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại thể hiện sự phát triển mới. Đó là việc tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân ba thứ quân vững mạnh; “luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững độc lập, chủ quyền, coi trọng việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Sđd, tr.1357). Theo Đại tướng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, từng bước hiện đại là phương châm cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt điều đó vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh trong thời bình, tạo sức mạnh ngăn chặn âm mưu gây chiến của kẻ thù, vừa đáp ứng yêu cầu chiến tranh nếu xảy ra.

Luôn chủ động tạo và nắm chắc thời cơ trong tác chiến, chiến tranh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất sáng suốt, nhạy bén, sắc sảo và hành động hết sức quyết liệt, mau lẹ, kịp thời trong nghệ thuật chủ động tạo và nắm chắc thời cơ chiến lược, không bỏ qua thời cơ “ngàn năm có một” khi thời cơ lịch sử đã đến. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nắm chắc tình hình trong nước và thế giới; lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, LLVT nhanh chóng nắm thời cơ, chủ động tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ta chủ động tiến hành chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thiết lập tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương để ngăn chặn lực lượng chủ lực ta cơ động sang chiến trường Lào, Tây Nguyên...

Qua nghiên cứu tình hình, nắm chắc âm mưu của Pháp, Đại tướng cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Đây là thời cơ chiến lược tốt để tiêu diệt lớn quân chủ lực Pháp ở địa hình rừng núi, xa căn cứ hậu phương mà địch chỉ có thể tiếp tế bằng đường không; đó là điều kiện, thời cơ vô cùng thuận lợi cho ta chủ động tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, nhận rõ đế quốc Mỹ dốc toàn lực cuối cùng, leo lên nấc thang tột đỉnh của chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân ở mức cao nhất, tập trung toàn bộ lực lượng mang tính quyết định ở những trọng điểm và quyết chiến điểm, chiến đấu ngoan cường, liên tục suốt 12 ngày đêm, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52, làm nên một kỳ tích vĩ đại nhất của những trận không chiến thế giới trong thế kỷ 20, buộc Mỹ phải chấp nhận ký kết Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), rút quân khỏi Việt Nam.

Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên và miền Trung mùa xuân năm 1975 đã đẩy địch vào thế bị động chiến lược, thất bại nặng nề và tan rã nhanh; khả năng Mỹ trở lại xâm lược Việt Nam khó có thể xảy ra.

Nắm vững thời cơ chiến lược mới, thực hiện chủ trương chiến lược, quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam trước mùa mưa (tháng 5-1975), Đại tướng chỉ đạo mở Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định (sau đó đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Với phương châm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.

Quyết chiến và toàn thắng”, nhanh chóng nắm chắc thời cơ, chủ động tập trung lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất chiếm ưu thế; thực hiện tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, kết hợp với quần chúng nổi dậy để giành thắng lợi chiến dịch. Chỉ thị của Đại tướng vừa là tiếng kèn xung trận, vừa là kết tinh của một tư duy quân sự thiên tài; qua đó góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ trong 4 ngày (từ ngày 26 đến 30-4-1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ chức xây dựng LLVT, xây dựng hậu phương bảo đảm cho tác chiến, chiến tranh

Ngày 22-12-1944, theo chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao trực tiếp phụ trách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đã có tư duy về tổ chức LLVT đầu tiên tiến hành chiến tranh nhân dân với mô hình tổ chức: “Xung quanh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có các đơn vị vũ trang ở các huyện, đội du kích các xã làm chỗ dựa cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thực thi nhiệm vụ của mình.

Ba thứ quân đó gắn bó với nhau trong mọi hoạt động, khi tác chiến thì phối hợp chặt chẽ với nhau”. (Nguyễn Văn Sự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.379).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự lãnh đạo, chỉ huy của Đại tướng, LLVT nhân dân phát triển cả về cơ cấu tổ chức, số lượng và chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ tác chiến, chiến tranh nhân dân; phù hợp với khả năng của đất nước. Để thực hiện chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, Bộ Tổng Tư lệnh đã chú trọng xây dựng các đại đoàn chủ lực, đồng thời luôn coi trọng phát triển LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong chiến tranh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, điển hình là Chiến dịch Hồ Chí Minh, để bảo đảm giành thắng lợi triệt để, cùng với việc giành quyền chủ động, tạo và nắm thời cơ, đẩy mạnh tác chiến tạo thế, ta đã tập trung lực lượng quy mô lớn (tương đương 5 quân đoàn), một số đơn vị quân, binh chủng cùng LLVT địa phương và nhân dân trên địa bàn diễn ra chiến dịch.

Tập trung lực lượng, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động tạo nên ưu thế, sức mạnh hơn địch nhiều lần; ta tiến công trên 5 hướng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội đô, nhanh chóng giành thắng lợi. Đây là sự vận dụng nghệ thuật tập trung lực lượng tạo ưu thế hơn hẳn địch trên một địa bàn chiến dịch, trong thời điểm quyết định giành thắng lợi kết thúc chiến dịch, chiến tranh.

Là người có tài tổ chức LLVT, Đại tướng đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12-1944 thành một quân đội với hơn một triệu quân năm 1975. Cùng với việc xây dựng LLVT vững mạnh, Đại tướng luôn quan tâm cùng với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương chiến lược, bảo đảm cho tác chiến, chiến tranh. Xây dựng hậu phương vững mạnh, nền hậu cần chiến tranh nhân dân phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của ta, huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực, phương tiện để bảo đảm cho bộ đội đánh thắng địch trên chiến trường, “miền Nam là tiền tuyến lớn, nơi “trực tiếp quyết định” thắng lợi, miền Bắc là hậu phương lớn, có vai trò “quyết định nhất”.

Xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh của hậu phương kháng chiến, các căn cứ kháng chiến vừa tăng gia, sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, địa phương. Đồng thời, xây dựng các tuyến vận tải chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi viện cho chiến trường.

Thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng cùng với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo hậu phương chiến lược vững mạnh để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức mở sớm Đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với ý chí quyết tâm “tất cả cho tiền tuyến” và tư tưởng tiến công chiến lược, tuyến vận tải chiến lược vươn tới khắp các hướng, mặt trận trên chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia. Tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km, gồm 46 kho với sức chứa 17.050 tấn...

Dọc tuyến đường còn có hệ thống bảo đảm kỹ thuật, hệ thống kho tàng, bệnh viện quân y, hệ thống thông tin liên lạc. Trong 16 năm (1959-1975), lực lượng vận tải toàn tuyến đã vận chuyển trên 1 triệu tấn vũ khí và phương tiện vật chất, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người qua lại... (Bộ Quốc phòng: Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.404).

Điều đó đã làm cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara bất lực, phải thừa nhận: “Mọi người vẫn thấy một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không thể làm thế nào ngăn chặn được nó”.

Tư duy sâu sắc về nghệ thuật quân sự

Khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin tưởng trao toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, với vai trò là Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng đã đưa ra một quyết định lịch sử, “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi” như sau này Đại tướng đã chia sẻ. Đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Với quyết định sáng suốt này, chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã toàn thắng với sự hy sinh xương máu thấp nhất.

Bước vào mùa xuân năm 1975, thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam, Đại tướng đã có sự chỉ đạo chiến lược hết sức sắc bén. Thực hiện nghi binh kéo địch ra hai đầu Nam-Bắc chiến tuyến, kìm địch ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, làm cho địch sơ hở ở Tây Nguyên. Chỉ đạo tập trung lực lượng thực hiện Chiến dịch Tây Nguyên mở màn thắng lợi, làm cho địch ở Tây Nguyên bị phá vỡ, hoang mang, dao động, tháo chạy; gây phản ứng dây chuyền, đột biến về chiến lược; tạo ra một cục diện mới trên chiến trường, đẩy chúng vào thế hỗn loạn về chiến lược và suy sụp nhanh chóng về tinh thần.

Nắm bắt thời cơ đó, Đại tướng chỉ đạo mở tiếp Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng; tổ chức lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo của ta, tránh sự xâm chiếm của nước ngoài; cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã chỉ đạo nắm bắt thời cơ, tập trung lực lượng, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động tạo nên ưu thế, sức mạnh hơn địch nhiều lần; chủ động tiến công trên 5 hướng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch trong nội đô, nhanh chóng giành thắng lợi chiến dịch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, Đại tướng luôn nghiên cứu và phân tích rất thấu đáo tình hình, hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch; làm cho địch sa lầy, bị động và ta chủ động đánh theo cách đánh của ta; chỉ huy, chỉ đạo LLVT nhân dân triệt để kết hợp “lực, thế, thời, mưu” cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; đánh chắc thắng; giành quyền chủ động, tạo ưu thế hơn địch cả về thế và lực để đánh thắng địch, nhất là những thời điểm quyết định trong tác chiến, chiến tranh.

Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất...”.

HV

Nguồn tin: Thượng tướng, PGS, TS TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây