Cồng chiêng của người S’tiêng không chỉ thể hiện qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân diễn tấu mà còn thể hiện trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào. Người S’tiêng cất âm thanh vang vọng qua cồng chiêng là muốn gửi gắm đến các đấng thần linh những niềm vui, hạnh phúc từ lúc chào đời đến dựng vợ, gả chồng… hay cầu xin thần linh ban phước lành, mùa màng bội thu.
Đến thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp hỏi già làng Điểu Chơn, anh Điểu Nương, chị Điểu Thị Bé… là những người nặng lòng với văn hóa dân tộc, gìn giữ, phát huy giá trị cồng chiêng, ai cũng biết. Họ luôn mang tiếng cồng chiêng vang vọng đến tận rừng sâu; trong các dịp lễ, tết, hội hè. Khi được hỏi họ lại say sưa kể về cồng chiêng khó cắt lời…
Tuy còn trẻ nhưng chị Điểu Thị Bé và anh Điểu Nương trong đội cồng chiêng rất am hiểu về loại nhạc cụ này. Vì vậy, họ được người uy tín trong thôn giao nhiệm vụ tổ trưởng điều hành đội đánh cồng chiêng, đội múa và tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân tộc. Đặc biệt, họ có nhiệm vụ truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
Đội cồng chiêng thôn Thiện Cư thành lập từ năm 2002, thuộc huyện Lộc Ninh (nay là huyện Bù Đốp). Chị Điểu Thị Bé kể: “Mình tham gia đội múa cồng chiêng khi mới 15 tuổi. Khi lễ hội diễn ra ít nhất trước 1 tuần, mình và các bạn trong đội múa lại cùng các anh trong đội cồng chiêng luyện tập. Các điệu múa thường là nhịp làm rẫy, trồng lúa, chăm sóc lúa đến khi mang lúa về… Tất cả phải kết hợp hài hòa với tiếng chiêng”.
Qua mỗi lần biểu diễn, các thành viên trong Đội cồng chiêng thôn Thiện Cư đã quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với người dân. Chính từ sự tâm huyết, nỗ lực đó, giờ đây tiếng cồng chiêng của người S’tiêng ở thôn Thiện Cư được gìn giữ, phát huy và hoạt động ngày càng sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa. Già làng Điểu Chơn cho biết: “Hiện lớp trẻ lo làm kinh tế gia đình hơn là văn hóa dân tộc. Vì vậy, nhiều người không quan tâm và biết đánh cồng chiêng. Trăn trở về việc đó, tôi luôn căn dặn con cháu và thế hệ trẻ cần biết giữ gìn, trân quý những âm thanh, ngọn lửa tình yêu của người S’tiêng”.
Ngày 12/3/2021, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mai Xuân Tuân vận động từ Công ty TNHH Thành Liêm trao tặng bộ cồng chiêng (5 cái) được đúc bằng đồng, và chính thức ra mắt đội cồng chiêng, qua đó đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của huyện nhà đối với Người dân S’tiêng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tạo thêm động lực, cho người dân ít người nơi biên giới Bù Đốp ngày càng được nâng lên.
Chị Điểu Thị Bé cho biết thêm: Hiện nay, người biết đánh cồng chiêng trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ khoảng 20 người. Những người đánh cồng chiêng qua mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng tiếng cồng chiêng của người S’tiêng thì không thể thay đổi, vẫn giữ được linh hồn của nó: “Ngọn lửa của tình yêu, một âm thanh rõ ràng, vang vọng đến tận rừng sâu”.
Được nghe đội cồng chiêng kể lại, chúng tôi mới thấu hiểu giá trị những điệu múa, tiếng cồng chiêng, lúc trầm, lúc bổng hòa quyện vào nhau. Một đội cồng chiêng có 12 người, trong đó 2 người dự bị, 10 người chính. Đội được chia thành 2 tổ, 1 tổ múa, 1 tổ đánh cồng chiêng; biểu diễn phải kết hợp nhịp nhàng, bởi tổ đánh cồng sai thì tổ múa cũng không múa được...
Theo những già làng thôn Thiện Cư, cồng chiêng phải được đặt tại nhà sàn. Nhưng do không có kinh phí để trang bị, bảo quản cẩn mật, sợ có kẻ xấu đột nhập lấy trộm nên phải để ở nhà trưởng thôn.
Thực tế hiện nay cho thấy, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của dân tộc S’tiêng quả không đơn giản. Chị Điểu Thị Bế, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Thiện Cư trăn trở: Hiện chính quyền địa phương chưa mở được lớp tập huấn hay đào tạo bài bản về cồng chiêng S’tiêng vì không có kinh phí. Nhưng thiết nghĩ nếu người dân thôn Thiện Cư nói riêng và người S’tiêng nói chung có niềm đam mê, yêu văn hóa và được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương để những người am hiểu cồng chiêng truyền đạt cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động phong trào thổi hồn cho cồng chiêng chứ không dừng lại ở lễ hội mừng lúa mới. Từ đó nhất định sẽ tiếp tục duy trì sức sống, ngọn lửa tình yêu vang vọng đối với cồng chiêng S’tiêng nơi đây.
HV
Ý kiến bạn đọc