Ký ức tháng Ba lịch sử

Thứ năm - 23/03/2023 02:27 181 0
Cách nay tròn 48 năm, ngày 23-3-1975, tỉnh Bình Phước được giải phóng. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước, là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh. 48 năm đã đi qua với bao thăng trầm của cuộc sống, đất nước có biết bao đổi thay, nhưng khoảnh khắc của ngày giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người từng sống, chiến đấu, vào sinh ra tử trong những ngày tháng lịch sử ấy. Và chính họ mới cảm nhận được hết giá trị to lớn của tự do và hòa bình cũng như những đổi thay của quê hương Bình Phước hôm nay.

Ký ức hào hùng

48 năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc về những ngày tháng Ba lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông Nguyễn Văn Dậu (Ba Dậu), nguyên Trung đội trưởng Trung đội An ninh vũ trang thị xã An Lộc (tỉnh Bình Long cũ).

BĐ

Ông Nguyễn Văn Dậu vui mừng trước sự phát triển của Bình Long nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung hôm nay

Trong ký ức của ông, giải phóng Bình Phước là nỗi khao khát của cả dân tộc. Ngày ấy, được sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương và Quận ủy Miền, ta tấn công giải phóng hoàn toàn Chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 6-1-1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long. Phát huy thắng lợi, lực lượng vũ trang tiếp tục bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc. Ngày 23-3-1975, tỉnh Bình Long được giải phóng. Đây là mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương của Đảng bộ, quân và dân Bình Phước. Ngày 23-3 trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước.

Ông Dậu chia sẻ: Sau ngày giải phóng, mảnh đất Bình Long với bao bộn bề, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thế nhưng, từ chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, đời sống có sự chuyển mình, đặc biệt năm 1986 cơ chế thay đổi, người dân đi lại thông thương, làm ăn thuận tiện, chính quyền từ tỉnh đến ấp quan tâm phát triển đưa Bình Long đi lên.

Bà Nguyễn Thị Lũy ở khu phố Phú Thuận, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long năm xưa cũng là một trong những nhân chứng lịch sử của sự kiện giải phóng Bình Phước năm 1975. Là một nữ quân y, bà đã cùng đồng đội có trang quá khứ vẻ vang, đầy tự hào. Hồi tưởng lại những ngày đã qua, bà trào dâng bao cảm xúc về một thời đạn bom khói lửa. Bà Lũy cho biết, ngày ấy chiến trường ác liệt, âm mưu của địch vô cùng nham hiểm, song với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng vũ trang, sự đoàn kết của dân và quân, Bình Phước đã làm nên chiến thắng vẻ vang. Và hơn ai hết, bà lại càng hiểu rõ về những đổi thay đang hiện hữu trên mảnh đất này.

BĐ

Đi qua chiến tranh, bà Nguyễn Thị Lũy càng hiểu rõ những đổi thay tích cực của quê hương

Bà Lũy bày tỏ: Những ngày mới giải phóng, cuộc sống của người dân lúc đó, có lẽ là cả nước chứ không riêng gì Bình Long, rất vất vả, khổ cực. Song với sự quyết tâm và đồng lòng, đến nay sau 48 năm giải phóng, diện mạo và cuộc sống của nhân dân Bình Long nói riêng, Bình Phước nói chung thay đổi rất tích cực.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1974-1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn huyện Bù Đăng ngày 14-12-1974; ngày 26-12-1974, tấn công giải phóng Đồng Xoài; ngày 31-12-1974, tấn công giải phóng hoàn toàn chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 6-1-1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương có quyết định và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm. Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long).
Nhận thấy không có khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành, trung tâm tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long được giải phóng. Ngày 2-4-1975, huyện Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long được giải phóng, góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30-4-1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày 15-4-2015, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh để xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Từ tất cả ý kiến tại hội nghị, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm với lịch sử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chọn ngày 23-3-1975 - ngày giải phóng quận An Lộc là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Long làm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.

 

Xây dựng cuộc sống mới

Tỉnh Bình Phước được giải phóng đã mở ra trang sử mới cho vùng đất đỏ miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Sự kiện này còn góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với những thế hệ từng vào sinh ra tử thì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ giá trị to lớn của tự do và hòa bình phải đánh đổi bằng máu xương của bao đồng chí, đồng đội mới có được. Đã 48 năm qua, họ lại càng hiểu rõ về những đổi thay vùng chiến trường khi xưa, nay đã là khu đô thị mới với nhiều triển vọng phát triển.

“Bình Phước giải phóng là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Trải qua những ngày tháng khó khăn, Bình Phước hiện đã “thay da, đổi thịt”. Đời sống, kinh tế người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện tốt cho người dân” - ông Huỳnh Thế Thiện, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp chia sẻ.

BĐ

Với ông Huỳnh Thế Thiện, sự kiện giải phóng tỉnh Bình Phước ngày 23-3-1975 là mốc son chói lọi, là niềm vui, hạnh phúc không gì có thể so sánh

Phát huy truyền thống của một địa phương anh hùng, Bình Phước ngày nay đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện. Năm 2022, với nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,42%, vượt kế hoạch đề ra và ở mức cao trong những năm gần đây.

Năm 2022, kinh tế tỉnh Bình Phước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến cuối năm 2022, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 45,7%; dịch vụ chiếm 31,7%. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đạt 3.850 triệu USD, tăng 12,28% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch. GRDP bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng (tương đương 3.525 USD), tăng 11,3% so với năm 2021. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện.

 

BĐ

48 năm đã đi qua, Bình Phước ngày nay đã khoác lên mình diện mạo mới, với nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... Trong ảnh: Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu quy hoạch xây dựng tổ hợp nhà máy của Công ty TNHH CPV Food, Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước - Ảnh: Ngọc Huyền

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hằng năm vào ngày lịch sử 23-3, ký ức về cuộc chiến, về những ngày tháng gian lao mà anh dũng lại hiện về trong tâm trí những nhân chứng năm xưa. Với họ - những người từng đóng góp sức mình giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, đây là dịp để hoài niệm, tự hào và để nhắc nhở bản thân tiếp tục cống hiến cho địa phương, đất nước, giáo dục con cháu góp sức xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng phát triển, giàu đẹp.

HV

Nguồn tin: Anh Ngọc - Bình Phước Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website như thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay6,557
  • Tháng hiện tại140,200
  • Tổng lượt truy cập1,654,401
Vcov
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
Chi đạo điều hành
hop tac VN-CPC
xay dung dang
90nam tuyen giao
TINHUY
fm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây