iên quan đến việc phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, không ít đối tượng xấu đã lợi dụng để nhào nặn thông tin, bóp méo sự thật, gây hoang mang dư luận. Có kẻ thì rêu rao: “Bộ GD&ĐT vừa bỏ môn Tiếng Anh ra khỏi môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đến nay lại phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung Quốc vào giảng dạy cho học sinh tiểu học là không mang lại lợi ích lâu dài cho học sinh”. Có kẻ lại cho rằng: “việc dạy tiếng Trung Quốc là quyết định sai lầm và ngu xuẩn trong lịch sử”. Đặc biệt, lợi dụng một số mặt, khía cạnh còn tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, các đối tượng xấu đã tô vẽ ra “thuyết âm mưu”, vu khống, đặt điều một cách trắng trợn và thô kệch rằng: “Việc thay đổi này ẩn chứa những mưu đồ chính trị”, “chính quyền Việt Nam đang dần dần hợp thức hóa việc trở thành tay sai cho Trung Quốc”, “với việc dạy tiếng Trung Quốc cho học sinh tiểu học, Việt Nam sẽ bị đồng hóa và mất đi chủ quyền lãnh thổ”… Những luận điệu xấu, độc, vô căn cứ được lan truyền trên mạng xã hội đã tạo ra dư luận không tốt, tác động tiêu cực đến nhận thức của không ít người.
Ngày 28-11-2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Mục tiêu của việc đổi mới nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Một trong những nội dung quan trọng được đề ra tại Nghị quyết số 88 là nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ. Cùng với các môn ngoại ngữ được dạy trong nhà trường từ lâu, nhiều ngoại ngữ mới cũng đã được bổ sung vào chương trình giảng dạy. Đơn cử, ngày 9-2-2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.
Theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông và Công văn số 3818/BGDĐT-GDTH ngày 31-7-2023 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức dạy học các môn ngoại ngữ 1 cấp tiểu học, Ngoại ngữ 1 được xác định là môn học tự chọn ở lớp 1, lớp 2 và bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Cụ thể, đối với lớp 1 và lớp 2, căn cứ vào nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng về điều kiện bảo đảm, các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn môn Ngoại ngữ 1 trong số các môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật hoặc Tiếng Đức theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, các cơ sở giáo dục dựa trên khả năng tổ chức, nhu cầu học sinh, cha mẹ học sinh để tổ chức dạy học ngoại ngữ theo quy định. Như vậy, ngoài tiếng Trung Quốc, trong hệ thống giáo dục phổ thông nước ta còn dạy cả tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức. Đây là minh chứng rõ ràng bác bỏ những “thuyết âm mưu” đen tối được các đối tượng xấu cố tình tô vẽ ra.
Việc phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông là hoạt động bình thường, được Bộ GD&ĐT tiến hành theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước đó, năm 2022, Bộ GD&ĐT cũng đã phê duyệt sách giáo khoa tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Rõ ràng, các đối tượng xấu đang cố tình đánh võng thông tin, giả mù, giả điếc để tung ra những luận điệu thất thiệt nhằm tấn công chính quyền.
Cùng với hoạt động đào tạo trong trường, Nhà nước cũng khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, mở rộng đào tạo ngoại ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng, là phương tiện để kết nối với bạn bè quốc tế. Không chỉ các ngoại ngữ truyền thống như tiếng Anh, tiếng Pháp mà nhiều ngoại ngữ khác cũng đã được các quốc gia lựa chọn đưa vào đào tạo phổ thông. Đơn cử, nếu trước đây, rất ít quốc gia đào tạo tiếng Việt trong chương trình phổ thông thì đến nay, tiếng Việt đã dần phổ biến và được đưa vào giảng dạy cho học sinh tiểu học tại một số quốc gia. Nhìn vào pháp luật hiện hành của nước ta, không có quy định nào yêu cầu học sinh phải học tiếng Trung Quốc và bỏ qua các môn ngoại ngữ khác. Học sinh và phụ huynh hoàn toàn có quyền lựa chọn môn ngoại ngữ phù hợp để theo học căn cứ trên năng lực giảng dạy của nhà trường. Những giọng điệu sặc mùi bất mãn, cố tình tô vẽ màu sắc chính trị vào công tác giáo dục suy cho cùng cũng chỉ là một chiêu trò chống phá.
Bản chất của các đối tượng “dân chủ” là xuyên tạc và giả dối. Mọi quyết định, chính sách được Đảng, Nhà nước ta đưa ra dù có đúng đắn đến đâu cũng chẳng bao giờ vừa lòng, thỏa mãn chúng. Bởi vậy, mọi người cần hết sức cẩn trọng để không bị mắc “bẫy thông tin” do các đối tượng xấu tung ra.
HV
Nguồn tin: Anh Tú (Bình Phước Onlien)
Ý kiến bạn đọc