Ý nghĩa lịch sử “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tiếp tục được phát huy trên địa bàn huyện Bù Đốp

Thứ năm - 02/11/2023 05:49 1.088 0
Qua hàng ngàn năm Lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam, trên những trang sử hào hùng của dân tộc qua các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và mở rộng; truyền thống đại đoàn kết đã thấm đẫm vào tư tưởng, tâm hồn của mỗi người Việt Nam và đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là một trong những vấn đề mà quan điểm Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược; là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam”­­; việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là nội dung tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo công cuộc cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh tư liệu)
Xuất phát từ thực tiễn trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trên cơ sơ đề xuất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 26/3/1986, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định và ra thông báo chính thức lấy ngày 18/11 hàng năm, ngày Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930), làm ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Ngày 10/9/1986, Ban Thư ký (nay là Ban Thường trực) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Thông tri hướng dẫn Mặt trận các cấp về việc tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên (18/11/1930 - 18/11/1986) và hằng năm ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11). Ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hướng trọng tâm công tác Mặt trận về cơ sở, về từng khu dân cư, từng hộ gia đình; tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Với sự ra đời của “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, đã minh chứng cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua thực tiễn hiện nay, ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư ngày càng được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phươngmang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc. Với những hoạt động phong phú, đa dang, phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng thành phần dân tộc, từng tầng lớp Nhân dân, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam, thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc anh em tiếp tục được bảo tồn và phát huy; đặc biệt nhất chính là: tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tương trợ, cùng phát triển và luôn phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng Nhân dân được cải thiện và nâng cao, đạo đức lối sống lành mạnh. Ngày hội đại đoàn kết dân tộc đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Nhân dân ngày càng vững mạnh; góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở (nay là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở), tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân.
Huyện Bù Ðốp được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NÐ-CP ngày 20/02/2003 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/5/2003; trong những ngày đầu mới thành lập với những đặc thù là huyện miền núi, biên giới, mới thành lập, có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trình độ dân trí chưa cao; khó khăn về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2003 - 2005 bình quân là 6,7%, thu nhập bình quân dầu người đạt 3.320.000 đồng, cơ cấu kinh tế chủ yếu là Nông nghiệp (chiếm 83,93%), nhìn chung, tốc độ phát triển kinh tế, chính trị, các mặt văn hóa, xã hội huyện thấp hơn các địa phương khác trong toàn tỉnh. Trong thực tiễn mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huyện Bù Đốp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Tổ chức hội, đoàn thể và số lượng đoàn viên, hội viên ít (khoảng 600 đoàn viên công đoàn, 3.000 hội viên nông dân, 2.000 đoàn viên thanh niên, 2.500 hội viên phụ nữ, 1.000 hội viên cựu chiến binh). Cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận - đoàn thể nói riêng còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống thực tế. Tất cả những yếu tố trên đều tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện.
Với những khó khăn nêu trên, nhưng với sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ huyện; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ tỉnh Bình Phước; việc vận dung sáng tạo Nghị quyết số 23 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, phù hợp với đặc thù của huyện; đặc biệt nhất là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong huyện đối với các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam huyện trên các lĩnh vực.
Đời sống của Nhân dân huyện Bù Đốp đã có bước chuyển mình đi lên cả về vật chất và tinh thần; kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng phù hợp theo xu thế chung và điều kiện thực tế của địa phương Cụ thể: hiện nay, công nghiệp và xây dựng chiếm 17,34% (năm 2003 là 3,01%); thương mại dịch vụ chiếm 24,81%, nông - lâm - thủy sản chiếm 57,85% (năm 2003 là 76,27%). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 407,9 tỷ đồng, tăng 45,56 lần so với năm 2003. Toàn huyện hiện có khoảng 140 công ty, doanh nghiệp, và 2.600 hộ kinh doanh (so với năm 2003 tăng gần 120 công ty, doanh nghiệp và 1.750 hộ kinh doanh). Từ những giải pháp đồng bộ và đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2003 - 2005 là 6,7%, giai đoạn 2015 - 2020 đạt 8,06%; thu nhập bình quân đầu người (theo giá thực tế) từ 3,74 triệu đồng năm 2003, đến năm 2021 đạt 45 triệu đồng và phấn đấu năm 2022 đạt 51 triệu đồng. Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện từ 26,57% năm 2003 xuống còn 7,8% theo phương pháp tiếp cận đa chiều). Huyện cũng thực hiện chính sách khuyến khích các ngành nghề truyền thống ở nông thôn (sản xuất các mặt hàng thủ công, mây, tre, lá, mộc dân dụng ...) nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Mạng lưới trường lớp ngày càng được đầu tư phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng; Huyện có 08 Trường Mầm non, 08 Trường Tiểu học, 03 Trường TH&THCS, 03 Trường THCS, 01 Trường cấp THCS-THPT, 01 Trường THPT, 01 Trường Phổ thông DTNT và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên; c sở vật chất có 656 phòng học; 428 lớp học với trên 1.200 học sinh; tổng số công chức, viên chức toàn ngành là 840 người.
Hệ thống chính trị từng bước được xây dựng và củng cố, tỷ lệ Nhân dân tham gia các tổ chức chính trị, xã hội ngày một nhiều với nhận thức đúng đắn, rõ ràng hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với tổ chức.
Việc thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS của huyện, đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của đồng bào về ăn ở, đi lại, sản xuất, học tập, chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện có trên với 1.904 đoàn viên công đoàn; 6.545 hội viên hội Nông dân (chiếm 71,9% so với hộ nông nghiệp), 5.404 đoàn viên, hội viên (chiếm trên 41% thanh niên của huyện), 9.938 hội viên Hội liên hiệp phụ nữ (chiếm tỷ lệ 61,9% phụ nữ của huyện); 01 Trung tâm Y tế cấp huyện được trang bị các trang thiết bị hiện đại, với đầy đủ các phòng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh. Số bác sĩ đang công tác tại huyện là 21 người, 7/7 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trong đó 5 trạm có bác sỹ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 02 trạm xá dân, quân, y kết hợp (tại ấp Bù Tam, xã Hưng Phước và tại tiểu khu 67 xã Phước Thiện) để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của huyện. Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi được đảm bảo và tăng tỷ lệ theo từng năm, bình quân đạt trên 90%.
Hệ thống chính trị trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm xây dựng và củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, 52/52 thôn ấp của huyện có trụ sở làm việc hoặc nhà văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp ở địa phương đặc biệt quan tâm và tăng cường trên cả 03 mặt là: QLNN đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và công tác đấu tranh chống địch lợi dụng các vấn đề về tôn giáo. Các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước đều được các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.


Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư ấp Tân Lập, xã Phước Thiện

Huyện nhà Bù Đốp đạt được những thành quả nêu trên, chính là vào sự đoàn kết một lòng của Toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân huyện nhà. Là sự vận dụng phù hợp Nghị quyết số 23 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” với điều kiện thực tế của huyện. Trình độ dân trí và nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên; sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, học hỏi và vận dụng những mô hình làm ăn có hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức ngày càng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; quy hoạch được gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường công tác. Công tác tuyên truyền, vận động và các hoạt động của MTTQ, các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, sáng tạo; xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều phong trào mới với các hình thức đa dạng, phong phú, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng; qua đó đã vận động, tập hợp, đoàn kết được đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung. Trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Quần chúng, Nhân dân trên địa bàn huyện Bù Đốp cần phải tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương; tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Kế hoạch số 93-KH/TU, ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 79-KH/HU, ngày 27/02/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động và khảnăng tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trên địa  bàn  tỉnh  trong  tình  hình  mới” giai đoạn 2021 – 2025. Từ đó tạo nên nguồn sức mạnh chung, nội lực để phát triển huyện nhà, góp phần vào sức mạnh chung của cả dân tộc Việt Nam để thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Nguồn tin: Nguyễn Trung Hiếu - VPHU:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây