Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Thứ bảy - 13/05/2023 04:33 490 0
Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới ”, Đảng bộ huyện Bù Đốp thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác lý luận nói chung và công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân được chú trọng, với hình thức đa dạng, phong phú hơn. Công tác tổ chức triển khai, quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng được cấp ủy đảng các cấp quan tâm triển khai thực hiện và có nhiều đổi mới, theo tinh thần chỉ đạo của Kết luận số 43-KL/TU về tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước” (theo Quyết định số 987-QĐ/TU của Tỉnh ủy). Qua đó, công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, giữ vững an ninh chính trị, tư tưởng - văn hóa ở địa phương; Đội ngũ làm công tác lý luận được củng cố về số lượng, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, kiên định mục tiêu lý tưởng và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong tình hình thế giới, khu vực như hiện nay, đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường đã tác động trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ trong nước về tình hình chính trị ổn định, kinh tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được quan tâm, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”; lợi dụng Internet, mạng xã hội để bịa đặt xuyên tạc, chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong đó, các thế lực thù địch xác định tấn công trên mặt trận tư tưởng - văn hóa nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng Tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng Xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định nhiệm vụ cơ bản và cốt lõi nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạothực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng đạo đức cách mạng, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền địa phương. Đồng thời, đề ra 07 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 87-KH/HU, ngày 07/9/2018 về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI; Kết luận số 43-KL/TU, ngày 10/6/2016 của Tỉnh uỷ về thực hiện Đề án 986, Đề án 987.
2. Tổ chức sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ; hình thức tổ chức ngắn gọn, nhưng đảm bảo chất lượng; đặc biệt phải rút ra được bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả.
3. Thường xuyên rà soát lại đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, giáo viên chuyên trách, kiêm chức để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của Trung tâm Chính trị huyện. Có kế hoạch cử đi đào tạo, tập huấn chuyên sâu đối với đội ngũ giáo viên chuyên trách, báo cáo viên và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng do cấp trên triệu tập.
4. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bổ sung những nội dung quan điểm mới của Đảng; tình hình thực tế của đất nước, nhất là của địa phương vào bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn; chú trọng thảo luận, đối thoại giữa báo cáo viên và học viên; đổi mới nội dung, hình thức đi thực tế đối với các lớp học tại Trung tâm Chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 164- QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
5. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận. Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận. Đề cao cảnh giác cách mạng, chủ động phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” và những hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa và đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương; giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện nghiêm việc giảng dạy lịch sử địa phương trong nhà trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
6. Tập trung công tác tuyên truyền các sự kiện lịch sử của Đảng, của tỉnh, huyện nhân dịp các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn bằng các hình thức, như: Đăng tải bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội (Zalo, Facebook...), qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trên pa nô, áp phích, đài phát thanh...
7. Đổi mới về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.

 

Nguồn tin: Trung Hiếu - VPHU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây