Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Thứ tư - 27/10/2021 19:41 1.143 0
28-10 là Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự, ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam thông qua và ngày Tượng Nữ thần Tự do khánh thành tại cảng New York.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 28-10

Sự kiện trong nước

28-10-1946: Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa I khai mạc tại nhà hát thành phố Hà Nội. Quốc hội đã thông qua chủ trương cấp bách để chuẩn bị toàn quốc kháng chiến. Tại kỳ họp lịch sử này, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Quốc hội thông qua. (Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998)

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ VI quyết định sửa đổi Hiến pháp ban hành năm 1946 (29/12/1956). (Ảnh:hochiminh.vn)

Đêm 27 rạng sáng ngày 28-10-1965: Quân giải phóng và du kích miền Nam đánh phá dữ dội hai sân bay lớn của Mỹ ở Đà Nẵng và Chu Lai. Theo đó, 40 máy bay Mỹ đã bị phá hủy ở Đà Nẵng và 7 máy bay phản lực Mỹ đã bị tiêu diệt tại sân bay Chu Lai.

28-10-1966: Học viện Kỹ thuật Quân sự thành lập.

Học viện Kỹ thuật Quân sự được thành lập theo Quyết định số 146/CP ngày 8-8-1966 của Hội đồng Chính phủ với tên gọi ban đầu là “Phân hiệu II Đại học Bách Khoa”.

Ngày 28-10-1966, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu II Đại học Bách Khoa, khai giảng khóa đào tạo đầu tiên tại Hội trường lớn Đại học Bách Khoa.

Từ đó, ngày 28-10-1966 được chọn là Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự.

(Theo Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam)

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Học viện Kỹ thuật Quân sự ngày nay. (Ảnh: Tư liệu) 

28-10-1995: Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa IX. Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-1996.

28-10-1996: Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

28-10-2010: Thủ tướng Chính phủ ký các quyết định thành lập Trường Đại học Trần Quốc Tuấn trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục quân 1; Trường Đại học Nguyễn Huệ trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quân Lục quân 2.

Sự kiện quốc tế

28-10-1886: Tổng thống Hoa Kỳ Grover Cleveland chủ trì Lễ khánh thành Tượng Nữ thần Tự do tại cảng New York. 

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Toàn cảnh Tượng Nữ thần Tự do tại New York ngày nay. (Ảnh:Tư liệu)

28-10-2014: Tên lửa Antares và tàu chở hàng Cygnus của Tập đoàn Orbital Sciences đã nổ tung sau 6s rời bệ phóng tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Wallops Flight Facility, Virginia. 

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Tên lửa NASA nổ tung vài giây sau khi rời bệ phóng. (Ảnh: NASA)

Theo dấu chân Người

Ngày 28-10-1924, Tạp chí Inprekorr đăng bài “Chủ nghĩa thực dân bị lên án” của Nguyễn Ái Quốc về những tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân châu Phi “đó là tất cả cái chế độ cướp bóc, giết chóc đáng ghê tởm đã làm cho thuộc địa này đi đến tình trạng thê thảm hiện nay...”.

Ngày 28-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch “kịch liệt phản đối việc sử dụng các toán quân Nhật, do quân đội Anh - Ấn dưới sự chỉ huy của tướng Graxây (Gracey), và do quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Lơcléc (Leclerc) trong việc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam ở Nam Đông Dương” và đưa ra yêu cầu:

“Thứ nhất, ban bố lệnh chấm dứt tàn sát một dân tộc đang bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo các nguyên tắc ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô.

Thứ hai, công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Cộng hòa Việt Nam”.

Ngày 28-10-1946, Bác dự khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I. Hồi ký của đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thu ghi lại: Ông Nguyễn Văn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Rạch Giá vừa ở Nam bộ mới ra phát biểu ý kiến: “Đồng bào Nam bộ đoàn kết, sẵn sàng tin tưởng vào vị Cha già thì một ngày mai lá cờ đỏ sao vàng sẽ trở lại phất phới toàn cõi Nam bộ”

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. (Ảnh:hochiminh.vn)

Tháng 10-1957, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác hoàn thành cuốn sách nhỏ giới thiệu “Liên Xô vĩ đại” với lời kết luận: “Nói tóm lại, kết quả và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười trong 40 năm qua thật là vĩ đại. Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”.

Ngày 28-10-1963, dự khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa II và đón tiếp Đoàn đại biểu Hội Lao động Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác bày tỏ tình cảm đối với miền Nam ruột thịt khi tặng hoa và ôm hôn thắm thiết Trưởng đoàn Trần Văn Thành sau khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Ngày 28-10-1967, Bác viết bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” gửi cho báo “Pravda” (Sự Thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô phân tích những bài học lịch sử sâu sắc mà Cách mạng Việt Nam đã tiếp thu.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Các đại biểu hai miền Nam – Bắc của Quốc hội khóa II bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II, tháng 4/1962. (Ảnh: quochoi.vn)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28 tháng 10 năm 1950 tại Lam Sơn, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời huấn thị: “Cán bộ phải yêu thương đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, các bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hànhPhải khen thưởng các chiến sĩ có công, cất nhắc các cán bộ và đội viên tiến bộ, nhất là đối với những người đã ở trong quân đội lâu năm”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm đơn vị bộ đội công binh đang diễn tập bắc cầu phao vượt sông Hồng ban đêm (5-2-1966). (Ảnh:hochiminh.vn)

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác rất quan tâm đến xây dựng con người: từ việc giáo dục, học hành đến cái ăn, cái mặc, cái ở của bộ đội, đặc biệt là của các chiến sĩ. Đối với các cấp chỉ huy, Bác yêu cầu: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa có áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng”. Bác giáo dục những người làm công tác hậu cần: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Đặc biệt, đối với cán bộ chính trị - người trực tiếp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, Bác luôn khẳng định vai trò của các bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên trong giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc bộ đội, thể hiện sâu sắc tinh thần: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”.

Bởi vậy, tình đồng chí, đồng đội luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của quân đội cách mạng, vừa là cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội, trong đó quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ là mối quan hệ đặc trưng bản chất.

Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của quân đội. Một mặt, mối quan hệ ấy dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội; mặt khác, mối quan hệ ấy dựa trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, đoàn kết gắn bó chặt chẽ keo sơn với nhau như ruột thịt “lúc thường cũng như lúc ra trận” giữa những con người cùng chung lý tưởng, mục tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả của người quân nhân cách mạng. Đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh vô tận giúp bộ đội ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, cán bộ phải luôn luôn là tấm gương sáng cho chiến sĩ học tập, noi theo; chiến sỹ phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.Tình thương yêu đồng chí, đồng đội được tôi luyện, thiết lập vững chắc trong Quân đội ta qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, và trở thành nét đẹp truyền thống, thành bản chất không thể phai mờ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ, là một trong những nhân tố gốc cấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta.

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Viện Quân y 7 (Hải Phòng) ngày 30-5-1957. (Ảnh: TTXVN) 

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự
 Bác đến thăm và cùng ăn cơm trên tàu với cán bộ, chiến sĩ bộ đội Hải quân bảo vệ bờ biển Quảng Ninh (1965). (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 28-10-1961, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 962 đăng ảnh Hồ Chủ tịch và đồng chí I-a-nốt Ca-đa, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân xã hội Hung-ga-ri, trong giờ nghỉ tại Đại hội lần thứ 22 Đảng cộng sản Liên Xô.

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 962 ra ngày 28-10-1961. 

Cũng trong ngày này năm 1967, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2306 đăng Thư khen của Hồ Chủ tịch gửi đến các chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào và cán bộ Hà Nội:

Ngày 27 tháng 10 năm 1967

THÂN ÁI GỬI CHIẾN SĨ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐỒNG BÀO VÀ CÁN BỘ HÀ NỘI

Bác rất vui lòng khen ngợi chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đồng bào và cán bộ Hà Nội đã liên tiếp chiến thắng vẻ vang, trong 4 ngày bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc Mỹ lái máy bay.

Một lần nữa giặc Mỹ lại liều lĩnh đánh phá Thủ đô thân yêu của chúng ta. Chúng đã bị quân và dân Hà Nội trừng trị thích đáng.

Trong cơn khốn quẫn, giặc Mỹ giở mọi thủ đoạn tàn bạo hòng gỡ thế bí. Nhưng chúng càng gây thêm tội ác thì quân và dân ta càng căm thù, càng quyết tâm đánh thắng chúng.

Quân và dân Hà Nội hãy luôn cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bền bỉ, mưu trí, làm tốt công tác phòng không nhân dân hơn nữa, cùng với quân và dân cả nước anh dũng tiến lên, quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Chào thân ái và quyết thắng

BÁC HỒ

Ngày này năm xưa: 28-10-1966, Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự
Thư khen của Hồ Chủ tịch đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 28-10-1967. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3031 ngày 26-10-1969 có đăng ảnh Hồ Chủ tịch thăm đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô (2-1957).

Ngày này năm 1975, Báo Quân đội nhân dân số 5205 có in đậm lời Bác dạy thanh niên Việt Nam:

Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.
 

HV

Nguồn tin: Báo Quân Đội Nhân Dân:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây