Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh

Chủ nhật - 17/10/2021 23:48 1.042 0
Ngày 18-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp lịch sử với Cao ủy của Pháp ở Đông Dương Đô đốc D’Angenlieu tại vịnh Cam Ranh. Ngày 18-10 cũng ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ khác như ngày Bác tham dự “Hội nghị Phụ nữ Lao động tích cực lần thứ nhất của Hà Nội”, ngày Bộ Giáo dục phát động phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", ngày ký kết Hiệp định tín dụng giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á…

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 18-10

Sự kiện trong nước

Ngày 18-10-1930 là ngày truyền thống Văn phòng Trung ương Đảng và văn phòng cấp ủy. Từ ngày 14 đến 31-10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc Trung ương Đảng. Mặc dù tháng 5-1947, Văn phòng Trung ương Đảng mới chính thức được thành lập tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhưng căn cứ vào hoạt động thực tiễn của công tác Văn phòng Trung ương Đảng, năm 2002, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 18-10-1930 là ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là ngày truyền thống của văn phòng cấp ủy Đảng.

Ngày 18-10-1961, tại thị xã Phủ Lý, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã phát động phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" trong toàn ngành giáo dục. Trường cấp II Bắc Lý thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là trường dẫn đầu phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt”, của ngành giáo dục. Với những thành tích trong dạy và học, Trường cấp II Bắc Lý đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh
Bác Hồ trò chuyện với giáo viên Bắc Lý tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27-3-1964. Ảnh: bqllang.gov.vn

Ngày 18-10-1965, hai chiến sĩ tự vệ xí nghiệp Phú Lê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, bằng hai phát đạn súng trường đã hạ tại chỗ 1 máy bay F4 của Mỹ, lập chiến công đầu trong lực lượng tự vệ miền Bắc.

Ngày 18-10-1996, Hiệp định tín dụng giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) được ký kết chính thức, với số tiền tương đương 50 triệu USD. Dự án này nhằm tăng thu nhập của người dân ở nông thôn, tạo nhiều việc làm, củng cố hệ thống tài chính nông thôn. ADB hằng năm đã tài trợ cho Việt Nam từ 300 đến 500 triệu USD thông qua các dự án, các chương trình và đi kèm là các khoản trợ giúp kỹ thuật. Trong 3 năm (từ 1993 đến 1996), ADB cho Việt Nam vay hơn 1 tỷ USD.

Ngày 18-10-2011 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng Nhà trưng bày Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đây là một trong những hạng mục chính của Dự án cải tạo nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Nhà trưng bày được xây dựng mới trên diện tích 320m2, bao gồm 9 gian với kiến trúc tiêu biểu của loại hình khu lưu niệm, đảm bảo hài hòa với kiến trúc của các công trình xung quanh được xây dựng trước đây.

Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh

Khách đến tham quan tại Phòng trưng bày tư liệu Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh:baodongkhoi.vn.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998; baoninhthuan.com.vn)

Sự kiện quốc tế

Ngày 18-10-1931, nhà phát minh Thomas Alva Edison qua đời. Ông sinh năm 1847 tại nước Mỹ và là tác giả của các phát minh: Máy điện báo tải hai, đa tải, máy đĩa hát, bóng đèn điện có dây tóc, xe điện, xe hoả chạy điện, máy chiếu phim câm và phim nói, máy tách sắt ra khỏi quặng bằng từ trường…Ông đã đăng ký hơn 1200 phát minh.

Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh
Nhà phát minh người Mỹ Thomas Alva Edison tại một sự kiện diễn ra ngày 16-10-1929. Ảnh: Getty Images.

Ngày 18-10-1962, các nhà khoa học người Mỹ James Watson và người Anh Francis Crick và Maurice Wilkins đã đoạt giải Nobel Y học cho công trình xác định cấu trúc của ADN.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998; onthisday.com)

Theo dấu chân Người

Ngày 18-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào tỉnh Lao Cai. Người căn dặn: “Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc”.

Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh
Hình ảnh Bác Hồ lên thăm Lào Cai. Ảnh: baolaocai.vn.

Ngày 18-10-1949, Bác gửi thư các cháu nhi đồng nhân dịp Tết trung thu. Trong thư, Bác động viên các cháu thiếu nhi dù “hơi thiếu thốn hơn trước” nhưng “Nhưng Bác chắc các cháu vui hơn. Một là vì các cháu đều biết rằng càng khó khăn là ta càng gần ngày thắng lợi. Hai là vì năm nay các cháu tiến bộ hơn năm ngoái, về mặt thi đua học hành cũng vậy, về mặt tham gia kháng chiến cũng vậy”.

Ngày 18-10-1958, đến dự “Hội nghị Phụ nữ Lao động tích cực lần thứ nhất của Hà Nội”, Bác căn dặn các tầng lớp phụ nữ đều phải “cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ, bán đắt”, tệ “mặc cả, nói thách”. Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.

Trong thư gửi thiếu nhi và học sinh trường học số 405 (Liên Xô) ngày 18-10-1961, Bác Hồ gửi lời cảm ơn các cháu thiếu nhi và học sinh đã gửi thư cho Bác và bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể đến thăm các cháu vì Bác đang tham dự Đại hội lần thứ XXII Đảng cộng sản Liên Xô.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Nhận được thông báo về bản Tạm ước 14-9 trong đó Pháp cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ và chấm dứt mọi hành động chiến tranh vào 30-10-1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Đô đốc D’argenlieu đã ngay lập tức gửi điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành Tạm ước, thực chất là để tiếp tục thực hiện toan tính của mình ở Đông Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp ở Đông Dương D’argenlieu ngày 18-10-1946 tại vịnh Cam Ranh. Trong suốt cuộc gặp gỡ với đại diện của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tài năng ngoại giao của mình với những câu trả lời khéo léo, nhưng thể hiện được quan điểm kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền vừa mới dành được. Theo đó, Người đã kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của D’argenlieu đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút quân về miền Bắc với lý do thực hiện nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bữa tiệc trên chiến hạm Suffer ở vịnh Cam Ranh đã trở thành một cuộc đấu trí tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một bên là viên Đô đốc Hải quân Pháp, một bên là Thống soái quân đội Pháp. Khi D’argenlieu bóng gió nói: “Thưa ngài Chủ tịch, Ngài thật đang bị đóng trong cái khung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười và trả lời: “Nhưng mà Ngài Đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung”. D’argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Những câu nói đầy mỉa mai của D’argenlieu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp trả bằng những câu trả lời vừa khôn khéo, vừa cương quyết.

Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh
Tượng đài Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh được khánh thành năm 2008, nằm trong Công viên 18-10 (Thành phố Cam Ranh). Ảnh: baotintuc.vn.

Trong cuộc họp báo diễn ra sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định lại lập trường kiên quyết đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn đất nước của nhân dân Việt Nam trước đông đảo báo giới. Người nói: “Đô đốc và tôi đều có ý kiến cho rằng, các báo Sài Gòn và Hà Nội chỗ này, chỗ khác đã tỏ ra quá căng thẳng. Người ta có thể nói lên sự thật và dĩ nhiên không thể nào luôn luôn tặng hoa cho nhau, nhưng tránh được việc chửi rủa nhau. Bởi vậy nên chúng tôi cho rằng phải cố gắng đến mức tối đa theo hướng đó. Phải làm tất cả để chấm dứt cuộc chiến và làm nguội các đầu óc. Tôi tin rằng, bằng việc thực hiện một cách trung thực bản Tạm ước, chúng ta cải thiện được rất nhiều quan hệ của chúng ta trong khi chờ đợi cuộc họp vào tháng Giêng tới. Sẽ rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta sẽ cùng khắc phục vượt qua được”.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy D’argenlieu là một sự kiện đã đi vào lịch sử của dân tộc ta. Thông qua cuộc gặp và việc ký kết bản Tạm ước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần xuất sắc bảo vệ chủ quyền và nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khi thế và lực của ta còn yếu. Nó cũng cho thấy chủ trương nhất quán của của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cố gắng đến tận cùng nhằm tìm ra một giải pháp để bảo vệ nền hòa bình mới giành được nhưng phải là nền hòa bình trong độc lập, tự do thực sự, tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc. Đối với những kẻ thù không chấp nhận, muốn dùng chiến tranh để thủ tiêu nền độc lập thống nhất đất nước thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do. Điều này đã được thể hiện rõ không lâu sau đó khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” sau khi thực dân Pháp trắng trợn phá bỏ Tạm ước 14-9 chỉ vài tháng sau khi nó được ký kết.

Ghi nhớ những lời của Người tại cuộc gặp với Cao ủy Pháp tại Đông Dương, trong hơn 7 thập kỷ qua, Đảng ta đã luôn nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Để làm được điều đó, cùng với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng và nhà nước ta đã chú trọng đẩy mạnh các kênh đối ngoại khác nhau với 3 trụ cột chính là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Thông qua các kênh đối ngoại, Việt Nam đã củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác song phương với nhiều quốc gia trên thế giới, gia nhập một loạt cơ chế đa phương quan trọng, đăng cai nhiều hội nghị cấp cao, đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Những bước đi này giúp nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia còn tồn tại, Đảng và Nhà nước đã luôn tỏ rõ lập trường kiên định và nhất quán là kiên quyết bảo vệ chủ quyền, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các bên trong khu vực. 

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày này năm 1967, Báo Quân đội nhân dân số 2296 đã đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá nhân thành tích bắn rơi máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh.

Ngày này năm xưa: 18-10-1945: Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2296 ra ngày 18-10-1967 đã đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen Trung đội Lão dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá.

Bức thư có đoạn: “Tôi rất vui mừng được tin ngày 14 tháng 10 vừa qua, các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”.

Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường được thành lập tháng 9-1967. Trung đội gồm 18 thành viên, người thấp nhất là 49 tuổi và cao nhất là 69 tuổi, được trang bị một số súng bộ binh và 3 khẩu súng 12,7mm. Sau 15 ngày được một số cán bộ quân sự tỉnh, huyện và bộ đội Hải quân huấn luyện, trung đội đã được chính quyền xã làm lễ xuất kích. Đơn vị dân quân bố trí trực chiến trên Cao điểm 201 ở Lạch Trường, nơi máy bay địch thường xuyên bắn phá. Ngày 14-10-1967, phát hiện hai máy bay địch vào ném bom cách trận địa 300m, Trung đội đồng loạt nổ súng hạ một chiếc F4 của Mỹ.

Sau đó đúng 10 ngày, vào 24-10-1967, Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường lại bắn rơi một chiếc máy bay AD6. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, các cụ còn khuyến khích con cháu và động viên thanh niên trong xã tham gia nhập ngũ. Với những thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động, Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 25-8-1970, Trung đội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường là đơn vị lão dân quân đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh và được Bác Hồ gửi thư khen.

Trên số báo đăng ngày 18-10-1969 đã trích đăng lời di chúc của Hồ Chủ tịch: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

HV (Theo nguồn tin từ Quân đội Nhân dân)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây