Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 22-10
Sự kiện trong nước
Ngày 22-10-1954, sau 3 tháng chuẩn bị khẩn trương, công trường khôi phục đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn làm lễ khởi công. Anh chị em dân công thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau ở các tỉnh miền xuôi, miền núi và thanh niên các thành phố mới giải phóng đã tình nguyện làm việc ở công trường này, tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế quốc dân.
Ngày 22-10-1990, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Cộng đồng châu Âu (EC) quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam.
Ga Hàng Cỏ, Hà Nội những năm 1960. Ảnh: TTXVN. |
Nguyên phi Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Yến, từ trần ngày 22-10-1117. Bà quê ở làng Thổ Lỗi, nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Là một người phụ nữ ham học và thông minh, bà được triều thần khâm phục về sự hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực và có tài cai trị đất nước.
Nguyễn Mậu Kiến sinh năm 1819 ở tỉnh Thái Bình. Ông đỗ tiến sĩ và làm quan đến chức Trung nghị đại phu. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông đứng về phái chủ trương chiến đấu chống lại quân Pháp để bảo vệ đất nước, dâng sớ lên vua kể tội bọn quan lại đầu hàng giặc. Vì thế, ông bị cách chức. Sau năm 1874, Nguyễn Mậu Kiến chiêu mộ nghĩa binh, chuẩn bị khởi nghĩa ở Hưng Hóa, nhưng giữa chừng bị bệnh, mất ngày 22-10-1879.
Giáo sư Cao Xuân Huy sinh năm 1900 tại tỉnh Nghệ An và qua đời ngày 22-10-1983 tại TP Hồ Chí Minh. Những kiến giải sâu sắc, độc đáo của ông về triết học Đông - Tây nói chung và Việt Nam nói riêng có ý nghĩa phương pháp luận. Tác phẩm “Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu” của ông được bạn đọc trong nước và ngoài nước đánh giá cao.
(Sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)
Sự kiện quốc tế
Giôn Rít (John Reed) sinh ngày 22-10-1887 tại thành phố Poóctơlan (Portland) (Hoa Kỳ). Ông là nhà văn, nhà báo, chiến sĩ cộng sản Mỹ. Mùa hè năm 1917, ông sang nước Nga, được chứng kiến đầy đủ những diễn biến của Cách mạng Tháng Mười. Trở về nước Mỹ, ông viết cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới” nhằm nói cho nhân dân Mỹ hiểu sự thật về nước Nga và cuộc cách mạng vô sản vĩ đại. Tác phẩm ra mắt bạn đọc năm 1919, và sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cũng năm 1919, Giôn Rít lại sang Mátxcơva (Moscow) để làm việc ở Quốc tế Cộng sản nhằm tiến tới sự thống nhất của hai đảng Cộng sản ở Mỹ. Ít lâu sau, ông bí mật trở về Niu Oóc (New York), nhưng bị lộ, phải quay trở lại nước Nga Xô-viết và qua đời tại đây năm 1920.
(Sách Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998)
Theo dấu chân Người
Ngày 22-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo: “Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên hợp quốc (LHQ)...”, lên án chính quyền thực dân Pháp đi ngược lại các Hiến chương của LHQ, và yêu cầu: “... Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý, trình bày trước Ngài những nguyện vọng sau đây của chúng tôi: 1. Vấn đề liên quan tới Nam Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban tư vấn Viễn Đông; 2. Đoàn đại biểu Việt Nam phải được phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam; 3. Một Ủy ban điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam; 4. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được LHQ công nhận”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu. |
Ngày 22-10-1946, trả lời phỏng vấn của giới báo chí trong và ngoài nước về chuyến thăm nước Pháp, Bác khẳng định: “Về tinh thần, phần đông dân chúng Pháp có thể nói là đến 90% đều tỏ ra muốn hòa bình và dân chủ... Đối với nước Việt Nam, đa số dân Pháp cũng tỏ ra có một cảm tình, rất nghiêng về nền độc lập của ta...”; cảm tưởng khi về nước: “Tốt. Một là vì mùa màng được, dân sự khỏi lo đói. Hai là trông thấy dân ai cũng chăm làm, chăm học. Ba là thấy cảm tình giữa dân Việt Nam với người Pháp và các người ngoại quốc ở đây càng ngày càng tiến bộ...”. Về quốc sách của Việt Nam: “Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ, vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi”.
Ngày 22-10-1965, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Càng già càng giỏi” biểu dương lớp người cao tuổi: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước”.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 22-10-1963, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề quan hệ quốc tế của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chủ trương của Đảng ta là đoàn kết và làm cầu nối trong việc đoàn kết quốc tế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đoàn kết, hợp tác quốc tế là định hướng chiến lược quan trọng cho đường lối, chính sách đối ngoại nói riêng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung. Đây là một đòi hỏi khách quan, là chiến lược xuyên suốt, nhất quán và có vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Người đã đúc kết, đoàn kết, hội nhập với thế giới là nền tảng, nhân tố quan trọng cho cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc của Việt Nam. Bác cũng xác định rõ mục tiêu của đoàn kết quốc tế là tranh thủ nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp, vì quốc gia-dân tộc và vì nền hòa bình của khu vực và trên thế giới.
Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 7-1957. Ảnh tư liệu. |
Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”. Đây là thông điệp về hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau của nhân dân Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, Người đã tài tình gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng trên thế giới, từ đó tập hợp và tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, một thời kỳ “Đổi mới” toàn diện, tạo nên thế và lực mới cho dân tộc; trong đó nổi bật là đổi mới về quan hệ đối ngoại. Đại hội khẳng định: “Tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển... Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, thông qua thương lượng để tìm những giải pháp phù hợp giải quyết các vấn đề tồn tại và tranh chấp, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển”.
Các đại biểu thông qua văn kiện Đại hội VI. Ảnh: TTXVN. |
Chủ trương này được các kỳ Đại hội kế tiếp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện. Đặc biệt, đến giữa nhiệm kỳ khóa IX, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 7-2003) thông qua Nghị quyết “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Điểm nổi bật và có ý nghĩa của Nghị quyết này đó là lần đầu tiên một văn bản chính thức của Đảng đưa ra nguyên tắc xác định “đối tác” và “đối tượng” trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đây là sự phát triển nhận thức, tư duy nhạy bén và biện chứng có tầm chiến lược của Đảng, phù hợp với xu thế diễn biến nhanh chóng trong quan hệ quốc tế.
Cùng với kinh tế, hợp tác, hội nhập quốc tế đã góp phần ổn định chính trị, an ninh trong nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã cử nhiều sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Đó là minh chứng cho thấy sự đóng góp ngày càng tích cực hơn của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Kế thừa Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Từ quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh hoạt động đối ngoại của Việt Nam bao gồm hai mặt “hợp tác và đấu tranh”. Như vậy, có thể tóm lược một cách ngắn gọn rằng, “đối tác” được hiểu là “đối tác hợp tác”, còn “đối tượng” là “đối tượng đấu tranh”. Và dù là “đối tác hợp tác” hay “đối tượng đấu tranh” thì mục tiêu cuối cùng và tối thượng là vì “lợi ích quốc gia-dân tộc”, “giữ vững ổn định an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa”.
Sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam cùng các em nhỏ tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: CGGHBVN. |
Xác định rõ tư tưởng, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác, đúc kết bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại của 35 năm đổi mới đất nước, nhất là để thích ứng thắng lợi trước bối cảnh, tình hình quốc tế mới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đưa ra định hướng hoạt động đối ngoại, đó là: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương... Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng... Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác...”
Tuy nhiên, quan hệ đối tác của Việt Nam không chỉ dừng lại ở những đối tác truyền thống, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mà còn bao gồm cả các “đối tác quan trọng khác”. Hàm ý của “đối tác quan trọng khác” này dựa trên phạm vi quan hệ đối ngoại sâu rộng hiện nay của Việt Nam. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên của LHQ, là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), xác lập mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, là đối tác toàn diện với tất cả các nước trong cộng đồng ASEAN, lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL), lần thứ hai được bầu, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020... Ngoài ra, Việt Nam ngày càng chủ động, sáng tạo hơn trong triển khai hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế, góp phần phục vụ tốt lợi ích quốc gia-dân tộc.
Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh: Nhandan.vn. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế để xử lý các vấn đề toàn cầu như đối phó với dịch Covid-19. Biến nguy cơ thành thời cơ, biến đại dịch thành điều kiện để mở rộng các mối quan hệ phòng chống dịch bệnh và rộng hơn là thắt chặt quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, tiêm chủng toàn cầu chính là chiến lược đối phó nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Cũng chính vì vậy, công tác ngoại giao vắc xin của Việt Nam đã thu được những kết quả rất ấn tượng. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 90 triệu liều vắc xin, cùng nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Nhiều đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ, giao hàng đúng hoặc trước thời hạn, hợp tác sản xuất vắc xin, thuốc với Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam luôn tích cực ủng hộ và có trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh ở khu vực và trên thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ”. Tư tưởng này một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 22-10-1964, trang nhất Báo Báo Quân đội nhân dân số 1426 đăng bài viết “Bác Hồ và Tổng thống Mô-đi-bô Cây-ta bên bờ Hồ Tây” về cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị tổng thống nước Cộng hòa Mali.
Trang nhất Báo QĐND số ra ngày 22-10-1967 (trái) và 22-10-1964. |
Ngày 22-10-1967, Báo Báo Quân đội nhân dân đăng lệnh thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho trung đội lão dân quân xã H., huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa với thành tích bắn rơi một máy bay phản lực A4 của giặc Mỹ trong ngày 14-10-1967.
HV (theo nguồn tin Quân đội Nhân dân)
Ý kiến bạn đọc