Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng

Thứ ba - 26/10/2021 23:19 519 0
27-10 là ngày diễn ra Chiến dịch Lộc Ninh; ngày khởi hành chuyến tàu điện ngầm đầu tiên của New York và là ngày hai nước Israel - Jordan chính thức ký hiệp ước hòa bình…

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 27-10

Sự kiện trong nước

27-10-1929: Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản gửi thư cho các nhóm cộng sản ở Đông Dương về vấn đề thành lập Đảng cộng sản Đông Dương. Bức thư là một văn kiện góp phần quan trọng vào việc thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng ta ngày 3-2-1930. (Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động)

27-10-1965: Quân và dân Hà Tây bắn rơi 2 máy bay Mỹ, phát huy khí thế chiến thắng của quân và dân đảo Bạch Long Vĩ vừa bắn rơi máy bay Mỹ thứ 700.

27-10-1967 diễn ra Chiến dịch Lộc Ninh, chiến dịch tiến công của quân giải phóng miền Đông Nam Bộ ở khu vực Lộc Ninh - Bù Đốp (thuộc 2 tỉnh Bình Long và Phước Long, nay là tỉnh Bình Phước), nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên địa bàn, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng, tạo bàn đạp để thực hiện kế hoạch tác chiến cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968).

Tư lệnh chiến dịch là Hoàng Văn Thái, chính ủy Phạm Hùng; lực lượng tham gia gồm hai sư đoàn bộ binh 9 và 7, Trung đoàn 88, một tiểu đoàn của Sư đoàn bộ binh 5, hai trung đoàn pháo phản lực ĐKB (96 và 208) cùng lực lưỡng vũ trang địa phương. Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ 27-10 đến 8-11), trên hướng thứ yếu (Phước Long), ta đánh đồn Phước Quả, bắn pháo vào thị xã Phước Long, chi khu Phước Bình, đánh viện trên đường Phước Bình đi Phước Quả; hướng chủ yếu (Lộc Ninh), tiến công chi khu Lộc Ninh, tập kích thị xã Bình Long. Đợt 2 (từ 26-11 đến 10-12), ta tiến công chi khu Bù Đốp, đánh quân địch đổ bộ xuống ứng cứu ở Mê Ra, trại biệt kích, sân bay Bù Đốp; hướng Hớn Quản, ta tập kích địch ở cầu Tầu Ô, ngã ba Xa Cát đi Minh Thạnh... Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 5.400 tên địch, bắn rơi 40 máy bay, phá hủy 103 xe quân sự, 63 khẩu pháo, thu 172 súng các loại.

(Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam)

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng
Nhân dân Lộc Ninh chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh, ngày 7-4-1972. (Ảnh tư liệu) 

Cũng trong ngày này, Chủ tịch đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam gửi thư cảm ơn Hồ Chủ tịch và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ủng hộ Cương lĩnh Chính trị của Mặt trận và khẳng định:“Quân và dân miền Nam quyết trả thù cho đồng bào Thủ đô và cả nước, cùng miền Bắc ruột thịt tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc!”.

27-10-1998: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng, đánh dấu bước phát triển cao cả về chất và lượng, cả về tổ chức và lực lượng nghiên cứu, cả về cơ sở vật chất và nội dung nghiên cứu của Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

27-10-1904: Thị trưởng Thành phố New York George McClellan đã cho khởi hành chuyến tàu đầu tiên của hệ thống tàu điện ngầm thành phố New York, mở đầu cho hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất Hoa Kỳ. (Theo history.com)

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng

Chuyến tàu đầu tiên của hệ thống tàu điện ngầm New York. (Ảnh: nytimes)  

27-10-1994: Israel và Jordan chính thức ký hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Đây là chặng thứ ba đi tới hòa bình ở Trung Đông, sau Hiệp định Israel-Ai Cập (1978) và Hiệp định Israel – PLO (1993).

Theo dấu chân Người

Ngày 27-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia một cuộc trao đổi và tranh luận với giới y học về vấn đề siêu hình, vấn đề có hay không sự tồn tại của linh hồn.

Ngày 27-10-1945, trong cuộc họp báo về đường lối quốc tế của Nhà nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Buổi họp hôm nay là buổi họp báo giới quốc tế, đúng với câu: “Tứ hải nhất gia” (bốn biển một nhà). Nước Pháp hiện giờ coi là nước địch của Việt Nam nhưng người đại biểu Pháp ngồi đây vẫn là bạn thân của tôi” và khẳng định, phương châm của Chính phủ Việt Nam là: “Đoàn kết toàn dân - quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ độc lập bằng mọi giá”.

Ngày 27-10-1946, tiếp đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bác đưa ra quan điểm:

“1. Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém;

2. Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng;

3. Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước;

4. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho Công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật Lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con;

5. Viên chức và công nhân đều là những người phải làm mới có ăn;

6. Ở Nam Bộ không những là công nhân có quyền tổ chức mà tất cả các tầng lớp nhân dân đều có quyền tự do tổ chức và các quyền tự do dân chủ khác đúng như bản Tạm ước”.

Cùng ngày, Bác gặp lại người chị gái ruột thịt của mình là bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu là Bạch Liên từ quê hương Nghệ An ra Thủ đô thăm em. Đây cũng là cuộc gặp mặt cuối cùng giữa hai chị em sau hơn 30 năm xa cách.

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng
Sách "Sửa đổi lối làm việc"  của Hồ Chủ tịch được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: Báo Lao động)

Tháng 10-1947, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đề mục: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, Bác phân tích: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên... Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng...”.

Ngày 27-10-1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân” trong đó Bác biểu dương: “Mọi người, mọi ngành gương mẫu cần kiệm như công nhân thì nhất định dân giàu nước mạnh”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đã tham gia Chiến dịch Biên giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (3-1951). (Ảnh: hochiminh.vn) 

Ngày 27-10-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II (23 đến 28-10-1950) tại Lam Sơn, Cao Bằng. Tại hội nghị, Người đã chỉ rõ: “Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành”.

Kỷ luật là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chấp hành kỷ luật là một nguyên tắc trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là điều kiện bảo đảm cho quân đội luôn có sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

V.I. Lênin từng cho rằng: Trong chiến tranh “kẻ nào có kỷ luật cao hơn, có trình độ tổ chức và kỷ luật cao hơn… thì kẻ đó chiến thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua” và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Tuyệt đối phục tùng và chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên là biểu hiện tập trung cao nhất của việc chấp hành nghiêm kỷ luật. Do vậy, Người luôn yêu cầu mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải chấp hành kỷ luật một cách tự giác và nghiêm minh; đối với mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành; báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng và thiết thực; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng đa số; địa phương phục tùng Trung ương… 

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). (Ảnh: hochiminh.vn)

Lịch sử hơn 90 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, lời huấn thị: "Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành” của Bác thực sự là một di sản tư tưởng, lý luận quý báu; một nguyên tắc đặc biệt quan trọng, trở thành lời thề danh dự của mỗi quân nhân đã góp phần xây dựng Quân đội ta, từ một đội quân du kích lúc ban đầu trở thành một quân đội có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn kiên định trước mọi khó khăn, thử thách; cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, bản lĩnh, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ luật là sức mạnh của quân đội đã trở thành phương châm hành động, một nét văn hóa quân sự đặc sắc của quân đội ta, cũng chính nhờ giữ nghiêm kỷ luật mà quân đội ta đã giành được niềm tin yêu trọn vẹn của nhân dân. Ngay trong lời thề thứ hai trong 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam ghi rõ: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Dù ở bất kỳ thời điểm nào, lời thề này vẫn luôn còn nguyên giá trị đối với mỗi người quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trải qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hết sức cam go, quyết liệt. Mỗi người lính đều tự ý thức được trách nhiệm của mình trên mặt trận này. Ngay khi nhận lệnh lên đường chi viện cho miền Nam, tất cả cán bộ, chiến sĩ gấp rút lên đường với tâm thế sẵn sàng vì miền Nam thân yêu, quyết tâm đánh thắng đại dịch. Họ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, ăn gió nằm sương, kề vai sát cánh cùng đồng đội và các lực lượng khác kiên cường chống dịch với tinh thần “vì nhân dân quên mình”. Bởi lẽ, đối với những người lính “quân lệnh như sơn”, đây không chỉ là mệnh lệnh của chỉ huy mà còn là mệnh lệnh xuất phát từ chính trái tim của những lính Bộ đội Cụ Hồ.

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng

Cán bộ, chiến sĩ thần tốc lên đường vào Nam chống dịch. Ảnh tư liệu 

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 27-10-1966, trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 1970 có trích đăng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

"Trước tình hình mới, chúng ta quyết đồng tâm nhất trí, vượt mọi gian khổ hy sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!"

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng
Trang ba Báo Quân đội nhân dân ngày 27-10-1966. 

Cũng trong ngày này năm 1967 và 1968, Báo Quân đội nhân dân số 2305 và số 2668 đã đăng loạt bài điểm các chiến công vang dội của quân và dân ta trên hai miền Nam Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng
Báo Quân đội nhân dân ngày 27-10 năm 1967 và 1968. 

Ngày 27-10-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3030 đăng trang trọng hình ảnh Hồ Chủ tịch đến thăm xã Ái Quốc (Hải Hưng), một xã có nhiều thành tích về chiến tranh du kích chống Pháp.

Ngày này năm xưa: 27-10-1967: Kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Lộc Ninh, tạo bàn đạp quan trọng
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3030 ra ngày 27-10-1969. 

HV (nguồn tin Quân đội Nhân dân)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website như thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay7,635
  • Tháng hiện tại130,823
  • Tổng lượt truy cập1,645,024
Vcov
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
Chi đạo điều hành
hop tac VN-CPC
xay dung dang
90nam tuyen giao
TINHUY
fm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây