Ngày này năm xưa: 30-10

Thứ sáu - 29/10/2021 19:08 233 0

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra vào ngày 30-10

Sự kiện trong nước

30-10-1975: Sư đoàn Không quân 370 thành lập tại sân bay Đà Nẵng theo Quyết định số 157 QĐ/QP của Bộ Quốc Phòng. Sự ra đời của sư đoàn có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Không quân nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sư đoàn 370 là đơn vị có nhiệm vụ quản lý các sân bay, kho xưởng trong khu vực Quân khu 5; đồng thời củng cố và xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu cùng với các lực lượng vũ trang Quân khu 5, bảo vệ chính quyền cách mạng, vùng trời, vùng biển, đảo miền Trung. Ngoài nhiệm vụ canh giữ bầu trời Tổ quốc, sư đoàn còn là đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, bay cấp cứu tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khu vực biển đảo và đất liền trong mọi tình huống.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Biên đội bay SU-30 MK Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370) bay tuần tiễu trên biển. (Ảnh: Tư liệu của Sư đoàn không quân 370 - TTXVN phát)

Từ những ngày đầu thành lập, lực lượng không quân chiến đấu của sư đoàn đã phối hợp với bộ đội địa phương truy quét tổ chức phản động Phun-rô (Fulro) trên địa bàn Quân khu 5 và các tỉnh Tây Nguyên, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Giữa năm 1977, sư đoàn tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt.

Trải qua 46 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 370 từ một trung đoàn tiêm kích ngày đầu thành lập nay đã trở thành một đơn vị Không quân hỗn hợp, được trang bị khí tài hiện đại, có đủ khả năng làm nhiệm vụ tác chiến trên không, mặt đất, trên biển.

Với những chiến công, thành tích nổi bật đó, Sư đoàn 370 đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất… Năm 2012, sư đoàn vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chi viện quốc tế, sư đoàn được Nhà nước Cam-pu-chia tặng thưởng 2 Huân chương Ăng-co và 1 Huân chương Độc lập. (Theo Phòng không - Không quân)

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Võ Văn Tuấn (nay là Thượng tướng) trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Sư đoàn 370. (Ảnh: Tư liệu)

Suốt quá trình xây dựng và phát triển, đã có nhiều vị tướng gắn bó và trưởng thành từ Sư đoàn 370, trong đó phải kể đến Thượng tướng Võ Văn Tuấn.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn vốn là phi công lái máy bay chiến đấu của quân chủng Phòng không -Không quân. Ông là một trong 6 phi công đầu tiên được cử sang Nga huấn luyện chuyển loại từ Su-22M4 lên Su-27.

Trong quá trình công tác tại quân chủng Phòng không – Không quân, ông từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như Trung đoàn tưởng Trung đoàn Không quân 937, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân. Năm 2011, ông giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng. Năm 2015, ông được phong hàm Thượng tướng. Ông nghỉ hưu năm 2017.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
 (Ảnh: Tư liệu)

30-10-1962: Hội đồng Chính phủ ra Nghị định về việc thành lập Ngân hàng Ngoại thương nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gọi tắt là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ngày 1-4-1963, Vietcombank chính thức đi vào hoạt động. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vietcombank là ngân hàng thương mại đối ngoại duy nhất tại Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế miền Bắc, đồng thời vận chuyển ngoại tệ hỗ trợ chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, Vietcombank tiếp quản các ngân hàng tại miền Nam, tiếp tục tìm kiếm nguồn ngoại tệ cho đất nước, đồng thời là trung tâm thanh toán và tín dụng quốc tế, quản lý dự trữ ngoại tệ của quốc gia, tham gia đàm phán xử lý nợ Chính Phủ và nợ thương mại tại Câu lạc bộ Paris và London.

Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam với gần 600 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/đơn vị thành viên trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2500 máy ATM và trên 60000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc. 

Với những kết quả và thành tựu đạt được, Vietcombank đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập. (Theo Vietcombank)

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
 Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ (hiện đồng chí là Chủ tịch Quốc hội) thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Vietcombank. (Ảnh: thanhnien.vn) 

30-10-1978: Dân quân tự vệ huyện Ba Vì, Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Ba Vì đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt ở điểm cao 400 mét và 600 mét, mở đầu thắng lợi cho chiến dịch Hòa Bình (năm 1952). Trong khánh chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân Ba Vì bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống 3 giặc lái vào ngày 27 tháng 7 năm 1965. Dân quân Ba Vì còn dùng súng bộ binh góp phần bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên miền Bắc.

(Theo Ngày này năm xưa – NXB Lao động, 1998)

30-10-1996: Việt Nam và Quốc đảo Solomon thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Quần đảo Solomon nằm trong nhóm đảo Melanesian ở Nam Thái Bình Dương, phía đông của Papua New Guinea. Quần đảo bao gồm gần một ngàn đảo nhỏ trải dài trên diện tích khoảng 29 nghìn km2. Thủ đô của nơi đây là Honiara.

30-10-2013: Chủ tịch nước ra quyết định số 2051, 2052/2013/QĐ-CTN phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 09 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

(Theo Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam)

Sự kiện quốc tế

30-10-1735 là ngày sinh của John Adams, vị tổng thống thứ 2 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong cuộc đời chính trị của mình, John Adams được ca ngời là “Người khổng lồ của nền độc lập”, đỡ đầu cho Cách mạng Mỹ ở Massachusetts và mở đường cho nền độc lập kể từ năm 1776.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
 

30-10-1961: Liên Xô thử nghiệm bom khinh khí nhiệt hạch AN602 (còn gọi là Tsar Bomba) trên quần đảo Sukhoi Nos. Với công suất nổ đo được là 58,6 megaton (tương đương 58 triệu tấn thuốc nổ TNT), Tsar Bomba là thiết bị nổ mạnh nhất từng được tạo ra trong lịch sử loài người. Nó được liệt kê trong Sách kỷ lục Guinness là thiết bị nhiệt hạch mạnh nhất đã vượt qua thử nghiệm.

30-10-1973: Cầu treo Bosphorus tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành, trở thành cây cầu thứ hai nối 2 bờ lục địa Á-Âu bắc qua eo biển Bosphorus.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Cầu treo Bosphorus tại Istanbul. (Ảnh: Tư liệu)

Theo dấu chân Người

Ngày 30-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thanh niên Nam bộ” với những lời lẽ thống thiết:

"Đã hơn một tháng nay, anh chị em đã phấn đấu cực kỳ anh dũng. Toàn thể đồng bào Việt Nam đều cảm động. Tuy máu đã đổ nhiều, nhưng tôi chắc và toàn thể đồng bào cũng chắc rằng anh chị em thanh niên Nam bộ quyết hy sinh kháng chiến để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc. Các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng rọi khắp nước. Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết. Hỡi anh chị em thanh niên Nam bộ! Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam... Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng.”

Ngày 30-10-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I, sau khi cùng một số bộ trưởng trả lời các chất vấn, Bác đánh giá:

Chính phủ hiện thời mới thành lập hơn một năm, hãy còn thanh niênVậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Luật Cải cách ruộng đất. (Ảnh: hochiminh.vn)

Ngày 30-10-1950, Bác viết “Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sĩ” sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, trong đó, Bác phân tích:

“Thắng lợi thứ nhất, chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta” và căn dặn: Chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.”

Ngày 30-10-1958, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Văn hoá, Bác nêu vấn đề: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra... Cán bộ văn hoá nói riêng, cũng như tất cả các cán bộ ta nói chung, phải rèn luyện tư tưởng, chính trị, ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm...

Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào.”

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Bác thăm Nhà máy sứ Hải Dương và đề tặng 4 chữ  "Cố gắng, tiến bộ " trên chiếc lọ hoa, sản phẩm của nhà máy. (Ảnh: hochiminh.vn)

Cùng ngày, Bác đến thăm Trường Mỹ nghệ Việt Nam và nói chuyện với thầy trò của nhà trường: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là phải vì tất cả mọi người trong xã hội mà làm việc, mà phục vụ, bởi vì xã hội đã nuôi dạy mình. Thế là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ chủ nghĩa xã hội. Đó là bên sáng. Bên tối là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa với những biến chứng như quan liêu, lãng phí, tham ô, v.v. Hai bên bao giờ cũng xung đột nhau, một mất một còn. Phải trau dồi tư tưởng xã hội chủ nghĩa… đến khi nào bên sáng thắng hẳn bên tối.”

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 30-10-1968, Bác Hồ viết “Thư gửi các chiến sĩ dân quân du kích”. Trong thư Bác khen ngợi: “Dân quân du kích ta có truyền thống rất vẻ vang: già trẻ, gái trai, đều anh dũng đánh giặc, cứu nước cứu nhà; tài giỏi mưu trí, lấy ít thắng nhiều.”

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Bác Hồ tặng hoa cho ba nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh (24-9-1968). (Ảnh: hochiminh.vn) 

Thời chiến, dân quân tự vệ và du kích là lực lượng chiến lược trong chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương, đơn vị theo kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.

Sớm nhận rõ được sức mạnh của cách mạng bắt nguồn từ quần chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương “vũ trang công nông”. Kế thừa truyền thống “trăm họ là binh”, “cả nước chung sức đánh giặc” của dân tộc, lực lượng dân quân tự vệ và du kích đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân vào toàn quân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất nước nhà.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
(Ảnh: Tư liệu) 

Bước vào thời bình, lực lượng dân quân tự vệ có nhiệm vụ vừa lao động sản xuất, vừa tham gia bảo vệ sản xuất, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng khu vực phòng thủ địa phương ngày càng vững chắc. Ở biên giới, biển, đảo, dân quân tự vệ phối hợp với Bộ đội Biên phòng giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc. Đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay của nước ta, những chiến sĩ sao vuông từ già trẻ, gái trai xung phong tình nguyện trên mặt trận phòng, chống dịch cùng các lực lượng tuyến đầu ngày đêm vừa tham gia chống dịch, vừa hỗ trợ vận chuyển lương thực tiếp tế cho người dân. Không chỉ vậy, lực lượng dân quân còn giúp đỡ người dân thu hoạch nông sản, tham gia tuần tra nơi biên giới, bắt giữ tội phạm và ngăn chặn vượt biên trái phép, kiểm soát tình hình dịch bệnh lây lan qua tuyến biên giới.

Trải qua hơn 86 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đã hết lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Qua các thời kỳ đã có 370 tập thể và 284 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2015, Dân quân tự vệ Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. (Theo Báo Quân đội nhân dân)

Với những thành tích đạt được, Dân quân tự vệ Việt Nam thật xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Dân quân tự vệ trong thời bình. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1972 ngày 30-10-1996 có đăng trang trọng điện mừng của Hồ Chủ tịch gửi Chủ tịch Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông nhân dịp Trung Quốc thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân:

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1972 ngày 30-10-1996.

Kính gửi:

Đồng chí Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Nhân dịp Trung Quốc thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân điều khiển bằng vô tuyến điện, tôi thay mặt nhân dân Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nhân danh cá nhân, gửi đến đồng chí Chủ tịch kính mến, đến Đảng và Chính phủ Trung Quốc lời chúc mừng nhiệt liệt nhất:

Việc Trung Quốc có vũ khí hạt nhân và lần này thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, tỏ rõ nền khoa học kỹ thuật của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, lực lượng quốc phòng của Trung Quốc càng thêm hùng mạnh để bảo vệ đất nước Trung Hoa vĩ đại.

Thành công đó là một cống hiến lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và thế giới chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, là một cổ vũ lớn cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình thế giới.

Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí Chủ tịch và của Đảng cộng sản nhân dân Trung Quốc anh em sẽ đạt được những thành công mới to lớn hơn nữa.

Kính nhờ đồng chí Chủ tịch chuyển đến cán bộ và chiến sĩ Quân giải phóng anh dũng, các nhà khoa học kỹ thuật, đến công nhân, viên chức Trung Quốc đã tham gia vào thắng lợi ấy, lời chào mừng thân ái của chúng tôi.

Hà Nội, ngày 28-10-1966

HỒ CHÍ MINH

Cũng trong số báo này, trang ba có trích đăng lời của Bác:

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Trang ba Báo Quân đội nhân dân số 1972 ngày 30-10-1996. 

Ngày 30-10-1967, Báo Quân đội nhân dân số 2308 có đăng thư của Hồ Chủ tịch khen ngợi thành tích bắn rơi máy bay Mỹ của dân quân nữ xã T, huyện Tĩnh Gia:

Ngày 22 tháng 10 năm 1967

Thân ái gửi các cháu dân quân gái xã T, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu đã cố gắng học tập, thi đua với các bạn dân quân gái xã H (Hậu Lộc) và đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Để thưởng chiến công đầu vẻ vang đó, Bác tặng mỗi cháu một huy hiệu.

Bác chúc các cháu luôn luôn cố gắng sản xuất tốt, tập luyện giỏi để thu nhiều thành tích hơn nữa.

Bác mong các đội dân quân gái các địa phương hãy ra sức thi đua với dân quân gái Hậu Lộc và Tĩnh Gia để góp phần xứng đáng với toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp vĩ đại chống Mỹ, cứu nước.

Bác hôn các cháu

HỒ CHÍ MINH

Ngày này năm xưa: 30-10-1975, Sư đoàn 370 ra đời như thế nào?
Thư khen của Hồ Chủ tịch đăng trên Báo Quân đội nhân dân số 2038 ngày 30-10-1967. 
HV
 

Nguồn tin: Quân đội Nhân dân điện tử:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website như thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay5,975
  • Tháng hiện tại84,761
  • Tổng lượt truy cập1,598,962
Vcov
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
Chi đạo điều hành
hop tac VN-CPC
xay dung dang
90nam tuyen giao
TINHUY
fm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây