Theo dự thảo báo cáo thực hiện Chương trình đột phá chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững; nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm nông nghiệp của Phòng NN&PTNT huyện tại buổi giám sát. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 10 sản phẩm đạt chuẩn thương hiệu nông nghiệp như: Mít ruột đỏ, bưởi da xanh, rau ăn lá, cây hồ tiêu và 01 sản phẩm công nghệ cao theo hướng an toàn chất lượng của Công ty chuối trường tồn. Huyện Bù Đốp đã hỗ trợ tạo nhiều chuỗi liên kết bán cây giống, thu mua nông sản, tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng đầu ra và thu mua lúa gạo với sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở; hỗ trợ xây dựng 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng có bước phát triển. Hiện toàn huyện có 24 trại heo chăn nuôi tập trung và nhiều mô hình chăn nuôi nhỏ, lẻ hộ gia đình. Để nâng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng thương hiệu sản phẩm hiệu quả, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn tạo sự thống nhất và quyết tâm cao, chú trọng lựa chọn sản phẩm chủ lực, các giải pháp để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phù hợp...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã dành thời gian trao đổi, làm rõ một số chỉ tiêu đề ra, đề xuất giải pháp cụ thể trong phát triển nông nghiệp như: việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giải pháp nâng cao giá trị sản xuất trên cây trồng, vật nuôi cũng như việc tìm đầu ra cho sản phẩm …
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện đề nghị Phòng NN&PTNT huyện dựa trên các ý kiến của thành viên đoàn giám sát hoàn thiện các nội dung báo cáo đầy đủ, số liệu cập nhật chính xác để đánh giá đúng kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND huyện và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
HV